![]()
Là huyện trung tâm miền núi, Ngọc Lặc có bốn dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Thái, Mường, Dao. Tổng dân số 140.000 người. Trong đó người Mường đông nhất, chiếm 70,5%. Cùng với người Mường Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành đồng bào dân tộc Mường Ngọc Lặc có một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể, một hệ thống lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian vô cùng phong phú.Trên mảnh đất xứ Mường, từ thời “Đẻ đất đẻ nước”, Pồn Pôông là loại hình nghệ thuật không thể thiếu. “Pồn” có nghĩa là múa, là hát; “Pôông” có nghĩa là bông hoa. Hai chữ ấy ghép lại thành tên của một loại hình vừa hát, vừa múa bên cây bông, cây hoa để cầu cho bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Với những giá trị văn hóa ấy, năm 2017 trò diễn Pồn Pôông, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự lớn, là niềm tự hào, niềm vui và hạnh phúc của nhân dân huyện Ngọc Lặc nói riêng, đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa nói chung. Những ngày đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đâu đâu người ta cũng nói về Pồn Pôông, về sự tích cây bông với niềm tự hào trào dâng khôn xiết.