TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở huyện Như Xuân
03/04/2020 07:16
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trên địa bàn Như Xuân hiện có 23 di tích (trong đó có 5 đền, nghè; 2 hồ, 9 hang, 6 thác và 1 di tích cách mạng), công tác quản lý và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện luôn được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn nhằm khoanh vùng bảo vệ những nơi có di tích, cũng như các di tích đã được xếp hạng.
Đền Chín gian, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Di tích Lịch sử văn hóa Đền Chín Gian (xã Thanh Quân), Di tích Lịch sử văn hóa Đình Thi (xã Yên Lễ); Di tích Danh lam thắng cảnh Thác Đồng Quan (Hóa Quỳ); Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Thác Cổng Trời (xã Xuân Quỳ); Di tích Danh lam thắng cảnh Bến En của hai huyện Như Thanh và Như Xuân. Các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã được cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đầu tư, tôn tạo tu bổ và đưa vào khai thác, hoạt động sử dụng cơ bản đem lại hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội cho từng địa phương.

Cùng với việc duy trì các lễ hội đặc sắc hằng năm, UBND huyện đã tập trung xây dựng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc, như: Múa Cá Sa; Khua Luống; Hát Khặp; Nhảy Sạp; Ném Còn; Kéo Co; Bắn Nỏ (của đồng bào dân tộc Thái); Hát đốm, hát ru, hát Chậm Dò Ho; Múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn, kéo co (của đồng bào dân tộc Thổ); Hát Xường; Bắn nỏ; Đẩy gậy, Ném còn (của đồng bào dân tộc Mường)... Bên cạnh việc duy trì  nghề  dệt thổ cẩm, đan lát nhằm phục vụ cuộc sống hàng ngày của bà con, các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều câu lạc bộ, loại hình văn hóa được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, ở hầu hết các bản trên địa bàn đều xây dựng quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn hóa. Việc hiếu, hỷ được nhân dân trong huyện tổ chức theo nếp sống văn hóa mới, đơn giản, tiết kiệm…

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước” đồng thời thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của huyện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về văn hoá đã được các cấp phê duyệt; Làm tốt công tác quy hoạch, dự án phát triển văn hoá cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030.

Hai là: Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc; Thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; Khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; Áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Đồng thời tập trung sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian... Phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; Nghiên cứu và ứng dụng các tri thức về y dược học cổ truyền; Chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và các hoạt động lễ hội; Duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác.

Ba là: Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.

Bốn là: Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình. Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia./.

                                                                                                                                                                          Đàm Văn Thông

                                                                                                                                               (đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 53)

 

 

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com