LIÊN HOAN - HỘI THI - HỘI DIỄN
Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
03/08/2020 08:22
Năm 2019 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, rộng khắp các vùng miền trong tỉnh, có ý nghĩa lớn và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, tập trung đều trên các mặt.

Chào mừng các kỷ niệm các ngày lễ, các ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước, nhiều hoạt động được tổ chức công phu, quy mô lớn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng nhân dân, như: Chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019); hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người (1969-2019) với một chuỗi các hoạt động rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở như: Triển lãm Thanh Hóa xưa và nay, cuộc thi tìm hiểu Danh xưng Thanh Hóa, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng - Tuyên truyền cổ động toàn tỉnh với chủ đề “Tự hào miền đất, con người xứ Thanh”, Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; cuộc thi tìm hiểu Di chúc của Chủ tịch hồ Chí Minh, Trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa- Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác”,…. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được các ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học quan tâm tổ chức mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn như: liên hoan, giao lưu văn nghệ quần chúng, Ngày thơ “Rằm tháng Giêng”,... Các hoạt động đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia nhiệt tình, sôi nổi.

Năm 2019, cấp ủy các cấp đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW (của BCHTW khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng văn hóa nông thôn mới, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu của tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị,…. Nhiều hoạt động được tập trung tổ chức có hiệu quả thiết thực như: Xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; tổ chức liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng; tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2019; tổ chức thường xuyên các hoạt động chiếu phim lưu động; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cưới, tang, lễ hội theo nếp sống mới, nổi bật là hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống theo tinh thần Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực, tiêu biểu như: Lễ hội Đền Sòng, Phủ Na, Am Tiên, lễ hội Lam Kinh, đền Bà Triệu, Đền Trần,…; việc an táng người mất được nhiều gia đình quan tâm thực hiện theo hình thức hỏa táng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm, văn minh

 Thực hiện Kết luận số 82-KL/TU, ngày 30/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam, sắc thái văn hóa xứ Thanh ngày càng được chú trọng thực hiện, đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút nhân dân tham gia bảo vệ, chống xuống cấp di tích, nhiều nơi đã quan tâm hơn đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng. Công tác khôi phục những giá trị văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện thông qua tổ chức và phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ của các dân tộc ở các vùng miền trong tỉnh, khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái, Mường; lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và tổ chức xếp hạng di tích cấp tiỉnh; tổ chức lễ đón nhận danh hiệu loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,…

Hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người Thanh Hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII được các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện thông qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh và Trung ương; qua trang thông tin điện tử; thông qua các hội thảo, hội nghị, các hoạt động liên hoan, giao lưu văn hóa, báo chí toàn quốc; tổ chức quảng bá sắc thái các dân tộc tỉnh Thanh qua hoạt động du lịch cộng đồng (homestay) ở một số huyện miền Tây của tỉnh (huyện Bá Thước, huyện Quan Sơn,…),…bước đầu đạt được kết quả tích cực, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật được Hội Văn học- nghệ thuật tỉnh bám sát Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế sáng tác ở các huyện, các vùng trọng điểm kinh tế, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, mạch sáng tác chủ đạo tập trung vào chủ đề “Đất và người xứ Thanh”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đó, hàng trăm tác phẩm văn học- nghệ thuật đã ra đời, trong đó, có nhiều tác phẩm tham gia các cuộc thi triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật trong tỉnh và trong nước, đều đạt các huy chương và các giải thưởng như: Cuộc thi Nhiếp ảnh, Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc miền Trung và Quốc gia (giải A, B, C); Triển lãm mỹ “Những con đường của cuộc sống” của CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn; tham gia giải thưởng Lê Thánh Tông; giải thưởng Cuộc vận động Sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Văn nghệ sỹ lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật tích cực tham gia sáng tác, biểu diễn trong các chương trình sân khấu, các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc,… đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Nổi bật như: Dàn dựng kịch ngắn Chương trình sân khấu Chiều thứ Bảy (phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh 2 tháng/số), Chương trình sân khấu thiếu nhi; tổ chức phục dựng trên 30 vở diễn, chương trình nghệ thuật để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc,… Với những cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật, năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có 03 nghệ sĩ ưu tú được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 09 nghệ sĩ là diễn viên, đạo diễn, biên đạo múa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú.

Công tác văn hóa, văn nghệ đạt được những kết quả nổi bật nêu trên là do cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có sự quan tâm sát sao hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các ban, ngành, đoàn thể đã bám sát thực tiễn hơn, sáng tạo, linh hoạt hơn trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hoạt động kịp thời, hiệu quả hơn. Các hoạt động luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý nghĩa giáo dục và định hướng chân - thiện - mỹ cho nhân dân; góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giữ vững quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 vẫn còn những hạn chế, khó khăn, làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả của các hoạt động như: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương đối với công tác văn hóa, văn nghệ chưa sâu sát; hiệu quả triển khai, cụ thể hóa một số chương trình về phát triển văn hóa, văn nghệ ở một số nơi chưa cao, chưa có sự đồng đều giữa lĩnh vực văn hóa và văn học- nghệ thuật,…Hoạt động xây dựng văn hóa cơ sở chất lượng chưa đồng đều ở các địa phương, vùng miền trong tỉnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nơi, có lúc thực hiện còn hình thức, trong việc tổ chức cưới, tang vẫn còn tình trạng lãng phí, “phú quý sinh lễ nghĩa”, việc tổ chức lễ hội truyền thống còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, của tỉnh cò gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; kinh phí dành cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn hạn hẹp so với nhu cầu, nguồn xã hội hóa huy động mới phát huy ở một số lĩnh vực; đời sống của không ít cán bộ làm công tác văn hóa còn không ít khó khăn; chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa các cấp không đồng đều, còn những hạn chế nhất định.…

Song, nhìn chung những kết đạt được của công tác văn hóa, văn nghệ của năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; là động lực tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ có hiệu quả hơn trong năm 2020 và những năm tiếp theo, góp phần tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Năm 2020- thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, các ngày kỷ niệm lớn của quê hương, đất nước, theo đó, công tác văn hóa- văn nghệ cần được đầu tư tổ chức có chiều sâu, hiệu quả cao hơn. Để đạt được điều đó, thiết nghĩ các ngành, các địa phương nên quan tâm thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, xin được đề xuất như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương thông qua việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị hoặc kết luận của cấp ủy về công tác văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục tập trung vào thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW (BCHTW khóa XI), Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Kết luận số 82-KL/TU ngày 30/5/2017 và Kết luận số 926-KL/TU, ngày 30/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ thị, nghị quyết khác về công tác văn hóa, văn nghệ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết TW4 (Khóa XII).

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác văn hóa, văn nghệ, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những sai phạm trong hoạt động cần phải xử lý kịp thời, dứt điểm. Cần chú trọng tăng cường quản lý đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; tổ chức lễ hội, văn hóa cơ sở, tổ chức tang, ma theo nếp sống mới; tăng cường, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế để quảng bá văn hóa xứ Thanh đến với bàn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành chức năng với các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ, nhất là vai trò của ngành giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,….không nên coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành văn hóa và Hội Văn học- Nghệ thuật.

Thứ ba, tập trung tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa,văn nghệ chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn trong năm 2020, tập trung: Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2020) gắn với hoạt động mừng Xuân Canh Tý- 2020; chào mừng đại hội đảng các cấp, đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020); 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020); 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930- 29/7/2020); 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930- 01/8/2020); 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945- 02/9/2020);...

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng danh hiệu “Công dân kiểu mẫu”; “Gia đình kiểu mẫu”; “Thôn, bản, tổ dân phố kiểu mẫu”; “Cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”; “Doanh nghiệp kiểu mẫu”; “Xã, phường, thị trấn kiểu mẫu”; “Huyện, thị xã, thành phố kiểu mẫu”. Tập trung: Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, bản, gia đình, khu phố văn hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn hóa - khu thể thể thao ở thôn, bản, nhất là trng tâm văn hóa- thể thao, nhà văn hóa, khu thể thao ở xã, thị trấn, các thôn, bản mới sáp nhập. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, tập trung sâu vào chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng hình ảnh đẹp, phát huy giá trị truyền thống về đất và người Thanh Hóa.

Thứ tư, tăng nguồn lực cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa cơ sở (văn nghệ, thể thao quần chúng; xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở,…), hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ năm, quan tâm thiết thực hơn nữa đến công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý; sắp xếp, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ làm chuyên môn lĩnh vực văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa của trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch cấp huyện, công chức văn hóa xã, phường, thị trấn sao cho thực sự đúng chuyên môn, có năng lực thực tiễn.

Nguyễn Thị Mai Hương

(đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 54)

                                                                                                                          

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com