TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Câu lạc bộ văn hóa, dân gian huyện Hoằng Hóa hình thành và phát triển
10/05/2020 10:08
Trong những năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có những chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp vào thành công chung của huyện nhà. Nhiều hệ giá trị văn hóa có nguy cơ mai một đang dần được phục dựng và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
CLB Trống Hội Cung Đình, xã Hoằng Phú biểu diễn trong ngày Hội làng.

Hiện nay trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có rất nhiều CLB đang hoạt động, tuy nhiên có trên 20 CLB hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Trong đó phải kể đến một số CLB điển hình, tiêu biểu như CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn, CLB Trống hội Phú Khê, CLB Chèo làng Phượng Mao… Từ khi ra đời, các CLB văn hóa, văn nghệ đã tạo ra nhiều sân chơi bổ ích cho những người yêu nghệ thuật, đồng thời góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Bằng tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống những “nghệ nhân làng” đã tạo ra một môi trường sống cho nhiều loại hình văn hóa cổ truyền đang có nguy cơ mai một. Đặc biệt, nghệ thuật Chèo truyền thống vốn được xem là thế mạnh của huyện đang được khôi phục và phát triển rộng khắp, các câu lạc bộ Chèo được thành lập và hoạt động thường xuyên thu hút đông đảo những người yêu Chèo, từ những em nhỏ đến các bậc cao niên đã góp phần duy trì nếp sinh hoạt độc đáo của các làng văn hóa. Trong đó, có thể kể đến những CLB chèo làng Phượng Mao, CLB Chèo làng Vĩnh Gia (xã Hoằng Phượng), CLB Chèo làng Nhân Trạch, làng Luyện Phú (xã Hoằng Đạo)… Bác Lại Thị Thể, Chủ nhiệm CLB Chèo xã Hoằng Thái cho biết “Đã thành nếp, cứ vào 16 âm lịch hàng tháng, gác lại những bộn bề trong cuộc sống thường nhật các thành viên có cùng sở thích tập trung lại để trao đổi, học hỏi những làn điệu Chèo và dân ca truyền thống. Ai ai cũng hào hứng, phấn khởi bởi được thỏa mãn niềm đam mê của mình, đồng thời cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Qua những buổi giao lưu ấy mà tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”
Được thành lập năm 2012 với 15 thành viên, đến nay CLB Tuồng cổ xã Hoằng Quỳ thu hút trên 22 thành viên tham gia, hầu hết là những người cao tuổi đam mê nghệ thuật Tuồng cổ. Hơn 8 năm thành lập, CLB Tuồng cổ gặp không ít khó khăn, đôi khi có những thành viên chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng với lòng đam mê nghệ thuật Tuồng, biết kế thừa truyền thống hát bội của các bậc tiền nhân các thành viên đã không ngừng cố gắng, duy trì và phát triển bộ môn nghệ thuật tại địa phương. Ông Lê Đỗ Khải, Chủ nhiệm CLB hát Tuồng cổ bộc bạch “Với tôi cùng các thành viên trong CLB, hát Tuồng đã trở thành niềm đam mê, nó không chỉ là sở thích cá nhân, đem lại niềm vui trong cuộc sống mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Đây là vốn văn hóa quý báu mà cha ông đã tích lũy tạo ra giờ truyền lại, thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nếu không có sự hiểu biết, đam mê và trách nhiệm với nghệ thuật Tuồng thì khó có thể tập hợp các thành viên để thành lập CLB”
Hoạt động chủ yếu của các CLB là sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục lại các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Mỗi CLB được ví như đoàn văn công ở làng quê bởi ở đó quy tụ nhiều gương mặt có tài năng từ hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc, sáng tác và biên đạo. Từ các CLB nhiều làn điệu Ca Trù, Tuồng, Chèo cổ đã dần tìm được đất diễn, hệ thống dân ca, dân nhạc, dân vũ tưởng chừng như bị khuất lấp bởi thời gian được sống lại và trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân. Những CLB này được xem là ngôi nhà chung của những người say mê câu hò, điệu hát, hàng năm hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị, ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương như hội làng, lễ hội, đặc biệt là Tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó Ban Chủ nhiệm CLB còn tích cực phối hợp với ngành chức năng để tổ chức cho các thành viên tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với các đơn vị thuộc các huyện trong và ngoài tỉnh. Với việc duy trì hoạt động bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn đã lôi kéo được đông đảo giới trẻ tham gia, giúp họ những thế hệ kế cận thêm yêu và tự hào vốn văn hóa mà các bậc tiền nhân đã để lại từ đó thêm trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng mình. Từ CLB nhiều hạt nhân văn nghệ trẻ đã được trao truyền và trở thành thế hệ tiếp nối, giữ lửa cho văn hóa địa phương.
Trong thời gian tiếp theo, để nâng cao chất lượng cũng như phát triển các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng, huyện Hoằng Hóa cần đẩy mạnh phối hợp cùng các cấp, các ngành có liên quan xây dựng tạo một khung hành lang pháp lý phù hợp; tổ chức nhiều chương trình giao lưu, hoạt động qua các hội thi, hội diễn cho những nghệ sỹ không chuyên; mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kêu gọi công tác xã hội hóa hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho CLB hoạt động bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giới trẻ lôi kéo họ tham gia. Tin tưởng rằng với chính sách, định hướng đúng đắn của huyện cùng tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm của mỗi nghệ nhân và cả cộng đồng, những giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ mãi được gìn giữ và ngày càng phát huy./.

Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com