TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Dân ca Đông Anh - Di sản văn hóa cư dân nông nghiệp xứ Thanh
03/04/2020 07:17
Nếu lựa chọn một hình thức diễn xướng dân gian đặc trưng phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hoá, kinh nghiệm sản xuất... của người dân làm nông nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng thì có lẽ nào lại không nhắc đến dân ca Đông Anh: “Tay ta cầm nắm trấu mà tung ra/ Trấu nát ra tro, thịt nát ra giò, đậu nát ra tương...”. Đây chỉ là một trong rất nhiều câu ca đầy chất thơ, chất nhạc thuộc hệ thống di sản văn hóa phi vật thể dân ca Đông Anh được lưu truyền đến ngày hôm nay.
Dân ca Đông Anh, Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

 

Tôi tìm về làng Viên Khê xưa, nay là xã Đông Anh (Đông Sơn), quê hương của dân ca Đông Anh nổi tiếng. Không còn cây đa, giếng nước sân đình - hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt truyền thống xưa, thấy lòng có chút thoáng buồn. Tuy vậy, người bạn đồng hành thì lại nhìn mọi thứ dường như tích cực hơn: “Cũng may, dân ca Đông Anh đến nay gần như đã được khôi phục khá đầy đủ với hệ thống 12 trò diễn”, bao gồm: Múa đèn; Tiên Cuội; Tô Vũ; Trống Mõ; Thiếp; Vằn Vương (Hùm); Thủy (thủy phường); Leo Dây; Xiêm Thành (Chiêm Thành); Hoa Lan; Tú Huần; Ngô Quốc. Bên cạnh đó còn một số trò như Đại Thánh; Nữ Quan...

Để hiểu về di sản dân ca Đông Anh có lẽ phải bắt đầu từ tên gọi đầy đủ là dân ca, dân vũ Đông Anh hay Ngũ trò Viên Khê. Đây là hệ thống trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, điệu múa, động tác phản ánh quan niệm đạo đức, đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm, kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử... của người nông dân Việt xưa kia: “Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang/ Còn không ta lấy, dở dang ta đừng/ Em thời đi cấy lấy công/ Để anh nhổ mạ tiền chung một lòi/ Bao giờ cho bông lúa vàng/ Để anh đi gặt cho nàng mang cơm...”. Với ý nghĩa ấy, dễ hiểu vì sao di sản nghệ thuật trình diễn dân gian dân ca dân vũ xứ Thanh lại gần gũi, quen thuộc với hầu hết người dân đến như vậy. Đương nhiên, sự ra đời và hoàn chỉnh của hệ thống các trò diễn trong dân ca, dân vũ Đông Anh không phải câu chuyện của ngày một ngày hai. Đó hẳn là sự chắt chiu, góp nhặt, trao truyền những tinh hoa cùng sáng tạo nghệ thuật của cha ông xưa.

Nói về nguồn gốc ra đời của dân ca, dân vũ Đông Anh, đến nay vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Một ý kiến cho rằng nó có nguồn gốc từ thời Bắc thuộc (nhà Tùy) do Chàng Cả Đại Vương, con trai của thủ lĩnh Lê Ngọc (khởi nghĩa Lê Ngọc) sáng tạo và truyền lại cho dân chúng. Nhưng một ý kiến khác, nhìn dưới góc độ “Ngũ trò Viên Khê”, đây có thể là lễ nhạc của vương triều Hậu Lê, do các vị quan Trịnh Quý Thuật và Nguyễn Mộng Tuân truyền lại cho dân chúng. Trong đó, Nguyễn Mộng Tuân vốn người gốc Viên Khê.

Năm 1946 cũng là lần cuối cùng tổng diễn dân ca Đông Anh với quy mô lớn được tổ chức tại sân đình của làng. Biến động, thăng trầm lịch sử, thời gian khiến cho di sản dần bị gián đoạn, quên lãng. Có chăng, nó chỉ còn là kí ức đẹp của những người dân địa phương vẫn đang nặng lòng. Để rồi, năm 2002 được xem như mốc thời gian đánh dấu sự “sống dậy” của di sản. Bắt đầu từ đề án khôi phục di sản dân ca, dân vũ Đông Anh do Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chủ trì, cùng phối hợp với nhân dân Đông Anh tìm kiếm, sưu tầm tư liệu. Sau gần 10 năm miệt mài, nỗ lực cố gắng của các nhà nghiên cứu chuyên môn và người dân, cuối cùng di sản dân ca, dân vũ Đông Anh đã cơ bản được khôi phục tương đối hoàn chỉnh. Bắt đầu được truyền dạy đến thế hệ trẻ tại địa phương. Đan xen trong những giờ ra chơi, ngoại khóa tại các trường học, các nghệ nhân trong làng với tất cả nhiệt huyết, tận tâm đã nhen nhóm, thắp lên tình yêu di sản của cha ông trong lòng những cô bé, cậu bé. Rồi, ở từng thôn, từng làng, các CLB lần lượt ra đời, mỗi CLB được giao khôi phục một tích trò, trò diễn trong hệ thống 12 tích trò của dân ca, dân vũ Đông Anh. Cứ như vậy, đến thời điểm hiện tại, di sản không chỉ là niềm tự hào mà còn được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương.

Để việc khôi phục di sản dân ca, dân vũ Đông Anh đạt được kết quả, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ thì sự đóng góp công sức, tư liệu của các “nghệ nhân” là người địa phương thực sự đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi nhớ, trong số rất nhiều cá nhân có đóng góp quan trọng cho việc khôi phục nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ Đông Anh thì cụ ông Nguyễn Sỹ Lịch là người đầu tiên tôi tìm gặp.

So với lần gặp gỡ hơn 3 năm về trước, ở thời điểm hiện tại ông đã 85 tuổi, sức khỏe giảm sút song sự minh mẫn trong những câu chuyện kể về ký ức cũng như việc khôi phục các tích trò thì dường như không thay đổi. Ông kể: “Năm 1946 là lần cuối cùng tổng diễn dân ca, dân vũ Đông Anh tại quê hương Viên Khê. Cứ 3 năm một lần, việc tổng diễn lại được tổ chức ở đình làng thu hút rất đông người dân tham gia. Khi ấy, chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé tuổi mới lên 10 nên vô cùng háo hức khi được chứng kiến các tiết mục, trò diễn. Song cũng từ năm 1946, đến năm 2002, chưa lần nào dân ca, dân vũ Đông Anh được tổ chức biểu diễn với quy mô như vậy. Điều đó vô tình khiến cho di sản văn hóa dần bị quên lãng trong đời sống nhân dân”. Có lẽ là một sự may mắn tình cờ khi ông Nguyễn Sỹ Lịch lại lấy con gái của một “cái trò” là bà Lê Thị Nghi. Chính sự tình cờ này khiến trong cuộc sống sau này, ông được bố vợ mình là “cái trò” có tiếng trong vùng thường xuyên giảng giải, kể lại về nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ Đông Anh.

Tưởng chừng đó chỉ là câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” song nó lại góp phần quan trọng vào việc đóng góp tư liệu cho việc khôi phục di sản văn hóa của địa phương năm 2002. Và lẽ dĩ nhiên, việc đóng góp sao có thể không kể đến người vợ của ông - con gái của “Cái trò” ngày nào. Ở thời điểm hiện tại, cụ bà dù không thể di chuyển đi lại trên đôi chân của mình, song nhìn ánh mắt ông bà trao đổi với nhau khi kể chuyện về các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh thì tôi biết, họ thực sự đã dành rất nhiều tâm huyết.

Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu khôi phục trò diễn, ông Nguyễn Sỹ Lịch cho biết: “Khó khăn ở tất cả các khâu. Từ con người, lứa tuổi, trang phục, tìm kiếm tư liệu... vì không có bất cứ một tư liệu văn bản nào được lưu giữ. Chỉ bằng trí nhớ thì việc sưu tầm các bài ca, điệu múa, động tác hình thể đến trang phục cho từng tích trò quả thực vô cùng gian nan. Bởi vậy, dù đã rất cố gắng song sự chính xác cũng chỉ có thể khẳng định tương đối...”. Cùng với đó, người nghệ nhân già cũng trải lòng đầy trăn trở: Xưa kia song hành tồn tại với di sản văn hóa phi vật thể dân ca Đông Anh là hệ thống đền, chùa, đình làng. Trong đó, việc biểu diễn được diễn ra ngay tại đình làng - không gian văn hóa truyền thống. Đến nay, đình làng không còn, nhìn dưới góc độ văn hóa thì chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến ý nghĩa, giá trị của các trò diễn. Vì vậy, việc phục dựng một “không gian văn hóa truyền thống” thực sự là mong mỏi của người dân Viên Khê hôm nay.

Cùng với vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Sỹ Lịch, cụ bà Nguyễn Thị Cốc (83 tuổi) cũng là người có nhiều đóng góp cho việc khôi phục dân ca, dân vũ Đông Anh. Bà Cốc kể chuyện đầy minh mẫn: “Sau lần tổng diễn cuối cùng tại địa phương. Năm 1951 bà được lựa chọn vào đội hình tập luyện để đi biểu diễn, đến năm 1952 bà theo đoàn đi biểu diễn dân ca, dân vũ Đông Anh ở Hà Bắc rồi về Hà Nội...”. Theo bà, trong hệ thống trò diễn của dân ca, dân vũ Đông Anh thì tổ khúc múa đèn đóng vai trò vô cùng quan trọng, nên được lựa chọn biểu diễn thường xuyên. Múa đèn bao gồm nhiều bài phản ánh chu trình sản xuất theo mùa vụ nông nghiệp xưa: Thắp đèn; Luống bông, luống đậu; Vãi mạ; Chẻ lạt đan lừ; Nhổ mạ; Đi cấy; Kéo sợi; Dệt cửi; Vá may... Đó là những cô gái lứa tuổi đôi tám, chưa chồng, trên đầu đội đèn cùng với những động tác cơ thể múa hát uyển chuyển (nằm, ngồi...) song không được để đèn đổ hay rơi xuống. Vì thế yêu cầu về kĩ thuật là rất khó.

Ra đời, hình thành và phát triển cùng với quá trình lao động của cư dân Đông Sơn, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành một loại hình diễn xướng dân gian mang đậm lễ nghi nông nghiệp cổ xưa. Ngoài mô tả chu kỳ sản xuất nông nghiệp trong một năm của nhà nông, dân ca, dân vũ Đông Anh còn phản ánh quá trình diễn biến tình cảm lứa đôi của thanh niên nam nữ nông thôn ngày xưa; Truyền thống và nghi lễ, tâm linh đối với các vị thần linh; Tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xã để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù, thiên tai địch họa, bảo vệ xóm làng. Các trò diễn của dân ca, dân vũ Đông Anh đã lan tỏa tới các vùng miền, coi đó như nét văn hóa tinh thần đặc sắc của người xứ Thanh./.

Khánh Lộc

(đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 52)

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com