Hòa chung trong nền văn hóa dân tộc, người Dao trên địa bàn tỉnh Thanh còn đón Tết cổ truyền của cả dân tộc. Nhưng thế hệ người Dao hôm nay vẫn giữ cho mình những nét văn hóa riêng của tộc người mình. Đối với họ một năm có 3 cái Tết quan trọng đó là Tết Thanh Minh, Rằm tháng Bảy và Tết Năm Cùng. Trong đó Tết Năm Cùng là cái Tết to nhất, tạo nên giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Đây là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả, là dịp để con cháu báo với tổ tiên về những thành quả trong năm qua và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới với tất cả mọi người.
Vào những ngày đầu tháng chạp, cả bản làng người Dao đã tràn ngập sắc xuân, một bầu không khí tươi mới, ai ai cũng háo hức, nhộn nhịp để chuẩn bị cho gia đình đón một cái Tết Cổ Truyền đầy đủ. Nét đặc biệt trong lễ Tết Năm Cùng đó là mỗi gia đình trong làng chỉ tổ chức Tết một ngày. Để làm Tết phải xin thầy cúng, khi thầy cúng đồng ý ngày tốt thì gia đình mới được tổ chức đón Tết. Việc làm Tết diễn ra từ đầu tháng chạp cho đến ngày 27 - 28 tháng 12 âm lịch. Để làm được Tết Năm Cùng gia đình nhất định phải có bàn thờ tổ và bàn thờ con, gia đình nào không có hai bàn thờ trên thì không được làm Tết mà góp về dòng họ có bàn thờ tổ để cùng ăn Tết.
Trong mâm cơm ngày Tết có ba món ăn không thể thiếu là thịt lợn, gà, bánh dì. Lợn phải mổ nguyên con, đầu lợn được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại chế biến thành các món ăn và đặc biệt là món thịt chua. Trong đó bánh dì được làm từ gạo nếp nương, đồ thành xôi chín cho vào cối đá, sau đó chọn những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đem giã nhuyễn rồi nặn thành những chiếc bánh tròn vừa người ăn, mẻ bánh đầu tiên sẽ được nặn thành 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm để cúng gia tiên. Từ mẻ bánh thứ hai mọi người mới được ăn, các cụ cao tuổi trong làng là những người được thử trước.
Với lòng thành kính tổ tiên, tri ân về các bậc tiền nhân tiên tổ nên thủ tục thờ cúng trong Tết của người Dao vô cùng trang trọng, thiêng liêng. Vì vậy phải có tối thiểu từ 1 - 3 thầy cúng, đây đều là những người có chức sắc nhất trong làng. Sau khi lễ vật được bày trước bàn thờ (Người Dao chủ yếu có 3 bàn thờ: Thờ hương hỏa gia tiên, thờ ông Tam Đại và ông bà ông vải” thầy cúng cầm “Gậy thần” (Có một đầu nhọn được bịt bằng sắt, đầu còn lại tiện hoa văn) và một cành lá tươi đứng trước bàn thờ đại diện cho gia chủ thông báo về kết quả của gia đình trong một năm qua và cầu mong gia tiên phù hộ bước sang năm mới “Mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt”, gia đình bình an, may mắn, hạnh phúc.
Trong lễ cúng của người Dao không dùng loại hương thông thường mà dùng hương tự nhiên làm bằng vỏ cây trên rừng cho vào một cái chén nhỏ. Mỗi lần đốt vỏ cây lại dùng một viên than hồng đốt cùng, cho đến khi cái chén đầy than và vỏ hương. Sau khi nghi lễ thờ cúng đã xong, gia đình làm Tết sẽ mời bà con hàng xóm, họ hàng cùng chung vui ăn Tết, gia đình nào có đông người đến vui Tết thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Theo quan niệm của người Dao thức ăn đều được đặt trong mâm lót lá chuối tươi để nhắc nhở con cháu ghi nhớ về cuộc sống du canh, du cư của tổ tiên hàng trăm năm qua. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng, con trai trong họ ngồi mâm riêng trong nhà, sau đó lần lượt đến anh em, bà con lối xóm.
Một mùa xuân mới lại đang về, các bản làng người Dao trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai cô gái. Các bà, các mẹ, các chị được diện những bộ váy áo truyền thống, cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ say đắm lòng người. Qua đây là dịp để người Dao cùng nhau ôn lại lịch sử gia đình, răn dạy con cháu phải biết yêu vốn văn hóa mà cha ông đã gây dựng để cùng nhau bảo tồn và phát huy.
Hòa cùng sắc xuân tươi mới, nếu ai đã từng đặt chân lên những bản làng miền núi xứ Thanh, chắc sẽ không bao giờ quên được nét văn hóa độc đáo trong không khí Tết của người Dao Quần Chẹt, một nét văn hóa truyền thống riêng mà hiếm có cộng đồng nào có được. Phảng phất trong đó còn là ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình đang được đời nối đời gìn giữ.
Trong thời khắc thiêng liêng của đất trời, người với người trở nên gần gũi, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, tất cả mọi người đều dành cho nhau những lời chúc, lời hỏi thăm, động viên nhau để bước sang một năm mới với nhiều may mắn và thành công./.
Minh Tịch
(đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 54)