TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Yên Định giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê
03/04/2020 07:16
Yên Định - mảnh đất anh hùng trong mọi thời kỳ... là quê hương của nữ tướng Triệu Thị Trinh, của những người anh hùng giải phóng dân tộc Khương Công Phụ, Đào Cam Mộc, Lê Đình Kiên, Hà Tông Huân, Trần Thiết Trường..., quê hương của cái nôi văn hóa Núi Nuông, Núi Đọ, Núi Quan Yên, quê hương của đền Đồng Cổ, ngôi đền cổ có tuổi hơn hai nghìn năm, nơi khởi nguồn sông Nhà Lê huyền thoại, nơi sinh công thần số một triều Hậu Lê: Ngô Kinh, Ngô Từ và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao... Lịch sử đã chứng minh, đất và người Yên Định khi hoàn cảnh càng ác liệt, dữ dội, Yên Định càng thể hiện sức sống mãnh liệt của một vùng đất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử đi lên phát triển thành huyện nông thôn mới ngày nay.
Lễ hội Trò Chiềng - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Luôn xác định rõ “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” Yên Định cũng như bao nhiêu vùng quê nông thôn Việt Nam khác “văn hóa làng quê” được xem là cốt lõi là nơi lưu giữ cái phần hồn cốt của văn hóa ở cộng đồng dân cư trên địa bàn. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị - xã hội Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Định đã xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở đạt được nhiều bước tiến mới với quan điểm lấy việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa làng quê làm mục tiêu chủ đạo.

Vận dụng tốt chỉ đạo của cấp trên vào thực tiễn địa phương, nhiều chủ trương chính sách về văn hóa được các cấp, các ngành mà nòng cốt là Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện tham mưu, cụ thể hóa đến từng đơn vị và thực hiện đạt kết quả tốt, như: Việc sáp nhập thôn, làng, việc xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa trong xây dựng nông thôn mới... nhưng vẫn phù hợp và giữ được truyền thống văn hóa làng, xã với những giá trị văn hóa làng quê riêng biệt của mỗi đơn vị được bà con nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hiện nay huyện cũng đang triển khai thực hiện tốt phong trào xây dựng thôn, làng kiểu mẫu.

Trong mỗi tiềm thức con người Việt Nam ta nói chung, người dân Yên Định nói riêng nhắc đến văn hóa làng quê nông thôn Việt Nam thì hình ảnh đặc trưng nhất thân thuộc nhất có lẽ là hình ảnh (cây đa, giếng nước, mái đình...). Ngày nay, để phù hợp với thực tiễn sự phát triển của xã hội trên khắp quê hương Yên Định hệ thống (điện, đường, trường, trạm) cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng khang trang phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân, song song với đó là việc bảo tồn, phát huy những công trình văn hóa, tín ngưỡng gắn với văn hóa làng quê. Trong năm 2019 nhiều di tích, công trình đã được trùng tu, tôn tạo như hạng mục di tích lịch sử Quốc gia Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang xã Định Hòa; Trùng tu tôn tạo Chùa Thanh Nguyên thuộc di tích Núi và Đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ; Công trình di tích Bia đá Bái Lăng xã Yên Phú, Phủ Cẩm xã Định Công... Ngoài ra để xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó ở những dòng họ lớn của các thôn làng hiện nay con cháu trong họ đã tự đóng góp xây dựng được nhà thờ họ khang trang với sự điều hành của hội đồng gia tộc, là nơi gìn giữ, giáo dục cho thế hệ trẻ về cội nguồn về truyền thống gia đình, họ tộc một trong những nét đặc trưng trong văn hóa làng quê nông thôn, như nhà thờ họ Lưu Thiện ở Bái Thủy (xã Định Liên); Nhà thờ họ Lê, nhà thờ họ Trịnh (xã Định Long)...

Văn hóa làng quê với những lễ giáo, phong tục tập quán chặt chẽ, ngày nay trên quê hương Yên Định còn được phát huy, gìn giữ bằng chính những phong trào, hình thức phù hợp hơn, bỏ qua những hủ tục lạc hậu “Đất lề quê thói” tiếp tục chắt lọc những nét văn hóa làng quê truyền thống quý báu.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 21/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” nhân dân huyện Yên Định thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình ông, bà, cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo, xây dựng làng văn hóa, đơn vị văn hóa các cấp, cùng với đó là phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang và lễ hội. Trong năm 2019 toàn huyện có 35 đơn vị đăng ký và đề nghị huyện thẩm định xét công nhận và công nhận giữ vững danh hiệu văn hóa, 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 232/232 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa các cấp, 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Ngoài ra ở các làng văn hóa hiện nay đều có hệ thống cán bộ Đảng viên là những người cao tuổi có uy tín làm trưởng phó làng, giám sát, điều hành các hoạt động trong làng. Các hương ước, quy ước của mỗi làng đều được ban hành trên cơ sở hương ước cũ với những điều khoản mới được xây dựng mang tính ứng dụng tốt hơn với tình hình xã hội hiện nay.

Để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể, phần quan trọng không thể thiếu đối với cộng đồng dân cư nông thôn đó là những lễ hội, là trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống và ẩm thực truyền thống... tồn tại lâu đời trong văn hóa làng quê Việt. Phòng Văn hóa thông tin, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện đã chủ động thực hiện và tham mưu cho UBND huyện và các cấp có liên quan phục dựng, tổ chức và phát triển các lễ hội, trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và nghề ẩm thực truyền thống ở các làng quê trên địa bàn huyện, để từ đó từng bước tiến tới thực hiện lộ trình phát triển văn hóa truyền thống làng quê gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch tìm về cội nguồn. Năm 2018 Lễ hội Trò Chiềng thuộc làng Chiềng xã Yên Ninh được đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, năm 2019 công tác tổ chức các lễ hội như phối hợp với Hội di sản cổ vật Thanh Hóa tổ chức Hội thi đúc trống đồng tại di tích Núi và Đền Đồng Cổ, Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và dâng hương tại di tích Nghè Trúc xã Định Tiến, nơi thờ Bà Triệu, Hội Trò Chiềng... diễn ra tốt, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng buôn bán văn hóa phẩm ngoài luồng và không có hiện tượng lợi dụng di tích lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Ngoài ra ở các làng văn hóa còn tổ chức các lễ hội làng với nhiều trò chơi dân gian độc đáo thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: Lễ hội làng Lim (Định Tăng), hội Đua thuyền trên sông Mã ở xã Quý Lộc, hội làng Rền (Duyên Thượng) Định Liên… Các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương được nhân dân biểu diễn thường xuyên tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, các lễ hội. Ẩm thực dân gian cũng được chú trọng phát triển như nghề làm tương ở làng Ái xã Định Hải, dưa cải lê ở làng Lê xã Yên Thái…

Văn hóa là dòng chảy không ngừng nghỉ. Trên dòng chảy đó, chúng ta có thể khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống làng quê là chất keo gắn kết cộng đồng với những giá trị cao đẹp luôn luôn được bồi đắp, phát triển để có thể trường tồn cùng thời gian. Trong điều kiện hiện nay, khi sự phân biệt giữa các dân tộc dần được đo bằng sự phát triển của văn hóa, thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê trên quê hương Yên Định không chỉ có tác dụng trong hiện tại, mà còn có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững vì tương lai./.

                                                                                                                                                                          Nguyễn Thu Phương

                                                                                                                                         (đã đăng tại tập san Văn hóa cơ sở số 53)

 

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com