CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở Thanh Hóa
09/03/2021 10:20
Dân tộc Khơ Mú có nguồn gốc từ Lào (tập trung ở Luông Pha Băng). Dưới tác động của lịch sử, họ từng bước rời khỏi quê hương, theo “Sơn lộ” dịch chuyển dần sang Việt Nam. Hai “điểm đến” của người Khơ Mú trên lãnh thổ Việt Nam là vùng rừng núi Tây Bắc và miền Tây Thanh - Nghệ. Khơ Mú trở thành tên gọi chính thức, được ghi trong Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam, công bố năm 1979.
Thiếu nữ dân tộc Khơ Mú, Bản Lác, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.

Có thể khẳng định, người Khơ Mú vào Thanh Hóa qua hai con đường: Từ nước Lào sang và từ Sơn La xuống, cách ngày nay chưa đầy một thế kỷ. Trải qua thời gian chinh phục thiên nhiên, hòa nhập cộng đồng, người Khơ Mú trở thành một bộ phận quan trọng trong khối “Đại đoàn kết” 7 dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. So với các dân tộc cùng tụ cư trong khu vực như Mường, Thái, Mông... thì lịch sử cư trú của người Khơ Mú khá ngắn. Là “Dân ngụ cư”, thiếu toàn diện về công cụ lao động, tư liệu sản xuất... không ngạc nhiên khi mới có mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người Khơ Mú đã hình thành cuộc sống du canh, du cư trong suốt thời gian dài. Theo tiết lộ của một số người Khơ Mú cao tuổi, thậm chí họ còn không nhớ hết được những nơi đã đi qua. Nhờ đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cuộc sống “Nay đây mai đó” của người Khơ Mú chỉ thực sự chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Ngày nay người Khơ Mú ở Thanh Hóa định cư tại hai bản: Đoàn Kết (xã Tén Tằn) và bản Lác (xã Mường Chanh) thuộc huyện Mường Lát, với số dân cư tương đối ít. Mặc dù dân cư thưa thớt nhưng cùng với trang phục truyền thống của các dân tộc khác, trang phục của người Khơ Mú đã góp phần làm cho vườn hoa của các dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh tỉnh thêm nhiều hương sắc.
Người Khơ Mú trong hành trình di cư vào Thanh Hóa, họ luôn mang theo bộ trang phục truyền thống. Tuy nhiên, quãng thời gian đầu định cư, đồng bào Khơ Mú phải lệ thuộc vào người Thái nên họ lấy trang phục của người Thái làm trang phục cho mình. Thói quen ấy đã “bén rễ” trong suy nghĩ của họ qua nhiều thế hệ, cho đến khi được Nhà nước công nhận là tộc người độc lập, lúc đấy cây bông bắt đầu hiện diện trên các nương rẫy, đồng thời trong các gia đình người Khơ Mú xuất hiện khung cửi thì nghề dệt vải mới manh nha hình thành. Trải qua thời gian, người Khơ Mú đã tự tay dệt cho gia đình những bộ trang phục hoàn chỉnh; Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ thuật dệt cùng hoa văn trên tấm vải, dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng của các mô típ hoa văn trên trang phục người Thái. RobeQuain.C không phải không có lý khi đưa ra nhận định: “Quần áo của người Khơ Mú giống với người Thái nhưng đàn ông Khơ Mú thường mang vòng tai to bằng bạc. Trong cộng đồng người Thái, chắc chắn có khá nhiều người là người Khơ Mú”.
Mặc dù trang phục nữ của người Khơ Mú có nhiều điểm tương đồng so với trang phục người Thái, song vẫn có nét riêng biệt để nhận diện. Điểm nhận diện rõ nhất về trang phục của người Phụ nữ Khơ Mú đó là chiếc áo. Nếu như phụ nữ Thái xứ Thanh mặc áo nhiều màu sắc khác nhau thì áo của phụ nữ Khơ Mú thường màu đen, dài đến eo. Cổ áo cắt theo hình chữ V nẹp viền bằng dải thổ cẩm, mặt trước áo đáp tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20 cm thêu hoa văn rực sỡ chạy từ cổ áo đến hết thân áo. Đây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo. Váy của phụ nữ Khơ Mú có nhiều nét pha trộn với váy của người Thái và Lào. Váy màu đen, dài từ eo xuống mắt cá chân. Thân váy, gấu váy được thêu họa tiết hoa văn dọc chạy theo thân váy. Váy khi mặc được giữ lại bởi chiếc thắt lưng quấn quanh eo, thắt lưng bằng lụa, màu sáng, điểm thắt nút thường nằm ở phần hông bên phải. Mũ đội đầu của phụ nữ Khơ Mú đơn giản, là mảnh vải đen lót giấy cứng bên trong cuộn tròn lại vừa vòng đầu của người đội. Mũ được thêu hoa văn thành 3 đường viền quanh chiếc mũ để trang trí và tạo điểm nhấn cho chiếc mũ.
Nếu như trang phục phụ nữ Khơ Mú ít nhiều có sự khác biệt so với các vùng lân cận thì các bộ nam phục của người Khơ Mú hoàn toàn là sự “vay mượn” các dân tộc cận cư. Đàn ông Khơ Mú sử dụng song song các trang phục của dân tộc Mông, Thái. Ngày nay họ chủ yếu ăn mặc giống người Kinh. Đồ trang sức của người Khơ Mú là các loại vòng tay, vòng tai, vòng cổ... chủ yếu được làm bằng bạc (có thể đeo nhiều vòng). Những chiếc vòng này được tạo hình tròn song không khép kín mà thường hở một đoạn nhất định. Không chỉ phụ nữ mà đàn ông Khơ Mú cũng sử dụng đồ trang sức.
Nhìn chung, trang phục của phụ nữ Khơ Mú khá “phức tạp”, nó là sự pha trộn nhiều đặc trưng của các dân tộc khác. Khảo sát bộ nữ phục Khơ Mú, dễ dàng nhận thấy yếu tố “tiếp thu” vượt trội, thậm chí là áp đảo các tiêu chí “Cách tân, đổi mới”. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu và cải biên, cộng đồng người Khơ Mú trên mảnh đất xứ Thanh đã sáng tạo nên những bộ trang phục truyền thống vừa mang những nét chung lại chứa đựng những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Qua thời gian thế hệ người Khơ Mú hôm nay vẫn đang đời nối đời gìn giữ và phát huy./.

Trần Thị Liên

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com