CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Nghề dệt sợi Gai niềm tự hào của người Thổ Thanh Hóa
29/01/2021 15:48
Dệt sợi Gai là nghề tồn tại khá lâu đời của người Thổ Thanh Hóa. Cây Gai là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho việc dệt thành những tấm chăn, chiếc váy và nhiều đồ dùng, vật dụng khác. Trải qua năm tháng, nghề dệt sợi Gai đã trở thành tập quán, nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thổ nơi đây.
Chỉ làm từ sợi Gai.

* Kinh nghiệm dân gian trong việc trồng cây Gai:
Tại vùng núi xứ Thanh nơi chủ yếu là đất đỏ, đất đá vôi rất phù hợp với cây Gai sinh trưởng, người Thổ tận dụng lợi thế đó để phát triển nghề trồng Gai truyền thống. Ở nhiều nơi, thường trồng Gai vào mùa xuân và mùa thu, nhưng với người Thổ Thanh Hóa họ chỉ trồng cây Gai vào mùa xuân vì cây mọc tốt, khỏe mạnh và ít bị sâu bệnh.
Người ta có hai cách trồng cây Gai. Có thể trồng từ hạt hoặc chiết cây con từ cây mẹ. Tuy nhiên người Thổ Thanh Hóa chủ yếu trồng từ hạt. Trồng theo phương pháp này nhanh và tốn ít vốn, lại đỡ công vận chuyển. Cây Gai trồng từ hạt có rễ phát triển mạnh, ăn sâu và hút được nhiều chất màu. Đặc biệt là người ta có thể thu hoạch từ loại cây này nhiều năm hơn.
Người Thổ Thanh Hóa là dân tộc nắm kỹ năng khá thuần thục trong việc trồng cây Gai và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm dân gian quý giá, không chỉ ở việc chọn cách trồng mà còn có kinh nghiệm trong việc chọn loại đất, họ thường chọn đất giếng (loại nương mới phát, đất tốt và màu mỡ) để trồng cây Gai.
* Quy trình chế tác sợi Gai:
Người ta dùng dao nhỏ để bóc sợi Gai, dùng chày gỗ đập dập sợi, ngâm nước đến khi còn tơ. Tiếp theo dùng một nồi đồng to luộc sợi Gai trong vòng 1-2 giờ sau đó vớt ra. Dùng dao tước nhỏ và đem phơi trên các tấm lót ở sân. Sau khi đã phơi khô, dùng dao nhỏ để tước sợi Gai thành những sợi mảnh. Công cụ để se sợi là 2 thanh tre được vót tròn, buộc chặt lại quanh một cái cột nhà, sau đó se từng sợi bằng guồng. Loại guồng làm khá chắc được chế tạo từ tre và gỗ.
* Công cụ dệt:
Bàn kéo sợi là một ống tre to bằng ngón tay, dài khoảng 20cm; khung cửi hay còn được gọi là khung “Con cú” trục cuốn vải có hình con thoi.
Khuôn dệt được cấu tạo hình chữ nhật; Cỗ go gồm 2 lá go, mỗi lá go có cấu tạo hình chữ nhật, chiều dài bằng tấm vải 40cm, rộng 10cm.
Mỗi khi dệt, khi dậm chân đòn, con cò hoạt động làm 2 bàn go mở ra, một go nâng lên, một go hạ xuống tạo khe hở để con thoi chạy qua.
Con thoi được làm từ gỗ nghiến, mỗi thoi gồm 2 phần: Phần giữa thoi có 1 lỗ thủng hình chữ nhật để gài suốt. Hai bên thành thoi có 2 lỗ thủng nhỏ, đường kính 0,2cm, lỗ bên trên cắm một que tre để gài suốt, lỗ bên dưới luồn đầu sợi ra.
Thanh văng được làm bằng cột tre già để giữ cho mặt vải luôn căng và đều sợi.
* Quy trình dệt:
Trong quá trình dệt thì mắc sợi hay mắc cửi đều là công đoạn quan trọng nhất trước khi thực hiện các thao tác khác. Cách mắc sợi tùy theo từng loại sản phẩm dệt. Mắc sợi chỉ cần có một bàn hạt được làm bằng tre, mỗi bàn hạt có khoảng 25 đến 30 thanh tre đóng thành 1 cái khung có nhiều ô, mỗi ô được dùi một lỗ để mắc sợi, số sợi được móc là sợi dọc, thường là mắc chập đôi để dệt biên vải cứng không bị rách. Khi mắc song, sợi được luồn vào trục cuộn sợi rồi xỏ sợi qua go và dệt. Đây là vải dệt thô đơn giản. Khi chân trái dậm thì tay trái lao thoi. Khi con thoi được lao sang bên phải, tay bên kia bắt thoi và tay lao thoi chuyển sang dập vỏ khổ cho sợi khít vào nhau. Khi dập vỏ khổ phải dập đều tay để tấm vải phẳng.
Vải dệt từ sợi Gai đẹp rất bền được đánh giá cao về cả hình thức và giá trị sử dụng. Ngoài nghề dệt vải từ sợi Gai, người Thổ xứ Thanh còn trồng cây bông và cây dâu, nuôi tằm để dệt vải, dệt lụa, dệt khăn và quần áo. Tuy nhiên nghề dệt sợi Gai và cả dệt vải từ sợi bông ở người Thổ chỉ tồn tại từ xa xưa (có thể đến thế kỷ 18 - 19) điều đó cũng thể hiện qua Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Còn ở thế kỷ 20, hình thức phổ biến của người Thổ tại khu vực này không phải là tự dệt

để lấy vải dùng mà do cư trú trong vùng có nhiều người Mường, người Thái là những dân tộc có nghề dệt phát triển khá cao, đặc biệt là người Thái. Do đó, cộng đồng người Thổ xuất hiện một hình thức trao đổi sợi Gai cho người Thái, người Mường để lấy vải may váy, áo. Nghề dệt của người Thổ hầu như không còn nữa, nhưng việc trồng gai lấy sợi, lá để bán vẫn còn mãi đến bây giờ.
Nghề dệt sợi Gai là nét đẹp văn hóa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Thổ trên mảnh đất xứ Thanh. Bên khung cửi biết bao đôi nam thanh nữ tú đã nên duyên vợ chồng, cũng từ đây các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng đang được đời nối đời gìn giữ và phát huy. Vì vậy để khôi phục lại nghề dệt sợi Gai trong tương lai cần có những sách lược dài hạn, mang tính ổn định, sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ người Thổ hôm nay. Nếu làm được điều này vốn giá trị văn hóa đã được bao thế hệ người Thổ sáng tạo nên sẽ được lưu giữ và trường tồn cùng thời gian./.

                                                                                                                                                                                           TS. Nguyễn Thị Nga

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com