CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Người gửi trọn đời mình vào những tấm vải thổ cẩm
29/01/2021 10:35
Đến với miền Tây xứ Thanh, nơi đó có những bản làng người Thái sinh sống, chúng ta có thể thấy những người phụ nữ nơi đây đều biết thêu thùa, dệt vải. Tuy nhiên, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, quá trình giao lưu và hội nhập đang lan tỏa thì nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ mai một. Với mong muốn gìn giữ bản sắc riêng của tộc người mình, nhiều chị em phụ nữ trên các bản làng của Thanh Hóa đang tìm hướng đi cho bản thân với nghề dệt truyền thống. Trong đó phải kể đến nghệ nhân Hà Thị Dung tại phố Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước.
Nghệ nhân Hà Thị Dung giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tới du khách nước ngoài.

Sinh năm 1972 trong một gia đình có truyền thống với nghề dệt thổ cẩm, ngay từ nhỏ chị đã thấy các bà, các mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên những tấm váy, chiếc khăn, tình yêu với thổ cẩm của chị đã được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ… Khi lớn lên được mẹ dạy cho cách xe vải, nhuộm màu và cứ thế niềm đam mê của chị dành cho từng đường kim, mũi chỉ trong các tấm vải thổ cẩm lớn dần theo thời gian.
Yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Dung luôn trăn trở làm sao để gìn giữ và phát huy được nghề. Năm 2006 khi phần lớn những người phụ nữ Thái trong bản đã bỏ hết nghề dệt chị đã mạnh dạn vay vốn, mua thêm khung cửi, dạy nghề cho phụ nữ trong làng để thu gom sản phẩm, đồng thời mở cơ sở dệt, may nhằm khôi phục lại nghề dệt tại địa phương. Trong những ngày đầu khởi nghiệp chị đối mặt với muôn vàn khó khăn do phần lớn chị em trong cơ sở kinh nghiệm thêu dệt còn ít, nguồn vốn không đủ và đầu ra để tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều. Nhưng với tình yêu, niềm đam mê cũng như sự ủng hộ của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, chị Dung đã tìm đến những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm làm nghề dệt thổ cẩm trong xã, vận động họ tham gia dạy nghề. Bên cạnh đó trao đổi kinh nghiệm và sưu tầm các mẫu dệt thổ cẩm xưa kết hợp với những hoa văn hiện đại để sáng tạo ra những mẫu hoa văn và sản phẩm sao cho độc đáo, mới lạ mà vẫn mang nét văn hóa đặc trưng truyền thống riêng của người Thái. Đến nay cơ sở của chị Hà Thị Dung đã đi vào ổn định, từ việc khôi phục nghề dệt, chị có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho 40 phụ nữ tại xã Lũng Niêm, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều chị em lấy sản phẩm đi tiêu thụ tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Trao đổi với chúng tôi chị Dung cho biết “Trong quan niệm truyền thống của người Thái: “Gái biết dệt vải, trai biết đan chài”, đây được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự khéo léo và tài hoa của các cô gái Thái. Thổ cẩm không chỉ phục vụ mục đích sử dụng trong sinh hoạt mà qua các hoa văn, họa tiết còn là niềm tự hào, là biểu tượng, vẻ đẹp của người con gái Thái. Tuy nhiên, ngày nay đa số người Thái trong đó chủ yếu là lớp trẻ không còn mặn mà với trang phục dân tộc mình”. Lo lắng trước sự mai một của nghề dệt chị luôn trăn trở tìm cách bảo tồn và hướng phát triển cho nghề. Bên cạnh việc mở các lớp truyền dạy kỹ thuật dệt cho thanh niên trong xã nhằm tạo ra đội ngũ kế cận trong tương lai chị còn tìm đến các nghệ nhân cao tuổi sưu tầm, ghi chép lại những kỹ thuật tạo hình hoa văn cổ, những họa tiết Thái nguyên gốc. Từ đó dệt nên nhiều sản phẩm để phục vụ cho bà con người Thái và du khách khi về với địa phương.
Bằng những cống hiến của mình chị đã được các cấp chính quyền trao tặng nhiều giấy khen, năm 2017 chị là một trong những phụ nữ của tỉnh Thanh Hóa vinh dự được tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc. Các sản phẩm thổ cẩm như: Tấm chăn, váy áo, khăn Piêu của người Thái Thanh Hóa đã được chị đưa đi giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh tại các Ngày hội toàn quốc trong Lễ hội văn hóa thổ cẩm tại Đắk Nông năm 2019, Ngày hội văn hóa dân tộc Thái tại Điện Biên năm 2019,…
Với niềm đam mê dệt thổ cẩm và khát khao phải làm được gì đó cho người Thái nơi mình sinh ra và lớn lên, chị Hà Thị Dung là một trong số những nghệ nhân người Thái đã và đang góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trên địa bàn huyện Bá Thước nói riêng và toàn tỉnh nói chung./.
                                                                                                                                                                                                            Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com