CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Nét riêng trong trang sức của phụ nữ Thái Thanh Hóa
28/01/2021 16:31
Mỗi một dân tộc ở Việt Nam có phong cách chế tác đồ trang sức khác nhau với hình dạng và các đường nét hoạ tiết dân gian sinh động mang đặc trưng văn hóa của riêng dân tộc mình. Đối với phụ nữ dân tộc Thái, đồ trang sức thường làm bằng bạc, là vật dụng làm đẹp không thể thiếu, đeo trang sức không thuần túy để làm đẹp mà còn thể hiện cuộc sống riêng tư như tình cảm, gia đình, địa vị xã hội, sự giàu sang, cũng như có tác dụng cầu may, ngăn chặn tà ma, gió độc…

*Trang trọng với hoa tai
Đa số phụ nữ Thái đều đeo hoa tai. Đây cũng là sự trang trọng phổ biến đối với các cô gái. Bởi thế, khi các bé gái mới sinh khoảng 10 ngày tuổi, các bà mẹ đã xâu lỗ tai cho con để lớn lên đeo hoa tai. Từ 7 tuổi, con gái đã đeo hoa tai cho đến lúc già.
Hoa tai của phụ nữ Thái Trắng khá phong phú như: Hoa tai ống chỉ 6 cánh và hoa tai ống chỉ 7 vòng, hình dáng của nó giống hình lõi ống chỉ, đường kính của hoa tai là 3,3cm. Hoa văn của hoa tai ống chỉ 6 cánh được dập hình bông hoa 6 cánh, còn hoa văn hoa tai ống chỉ 7 vòng được dập nổi 7 vòng ở trung tâm và các đường sóng nước chạy ở vòng ngoài.
Phụ nữ Thái Đen sử dụng nhiều loại trang sức để làm đẹp cho mình, trong những trang sức làm đẹp này có hoa tai hình con đỉa uốn cong, đường kính của hoa tai là 1,5cm chất liệu hoa tai làm bằng bạc. Hoa tai này có hình dáng to tròn ở giữa, nhỏ dần về phía hai đầu và uốn cong để móc vào nhau.
*Phụ nữ Thái ưa dùng vòng tay
Vòng tay là đồ trang sức được phụ nữ Thái ưa dùng, vòng được chú ý tạo dáng rất đa dạng phong phú.
Phụ nữ Thái trắng dùng vòng tay thân dẹt, được làm bằng cách uốn cong hai đầu giáp nhau tạo thành vòng tròn. Hoa văn của vòng khá đa dạng, có loại hoa văn chạm chấm vạch và có loại hoa văn đúc nổi hình hạt lúa.

Phụ nữ Thái Đen sử dụng vòng tay xoắn thừng thân tròn, uốn cong hai đầu giáp nhau có khe hở, đường kính của vòng khoảng 7mm, vòng không chạm trổ hoa văn. Trước đây phụ nữ Thái Đen sử dụng loại này rất nhiều nhưng ngày nay thì vòng này rất hiếm.
Ngoài ra, vòng cổ tay còn là phương tiện biểu hiện tình yêu đôi lứa, là vật dùng tặng người yêu của các chàng trai người Thái. Vòng tay cũng chính là đồ sính lễ không thể thiếu trước khi rước dâu về nhà chồng.
*Vòng cổ và công ơn dưỡng dục sinh thành
Phụ nữ Thái Thanh Hóa đeo vòng cổ thân tròn nhẵn uốn cong, với đường kính là 19cm, hai đầu giáp nối của vòng nhỏ hơn thân vòng và được tán rộng ra như hình đầu chim để chạm nổi hoa văn.

 

Riêng phụ nữ Thái Đen vòng cổ thường là dạng có nhiều vòng xoắn vào nhau, có thể có 3 vòng hoặc 5 vòng tùy điều kiện của mỗi gia đình. Một vòng dành cho cô dâu, một vòng dành cho mẹ vợ. Tuy nhiên, theo lời một số phụ nữ lớn tuổi người Thái Đen thì phong tục này hiện vẫn được duy trì nhưng không nhất thiết phải là vòng nữa mà có gia đình tặng nhẫn bằng bạc hay vàng 24k cho con dâu. Chiếc vòng cổ tặng cho mẹ vợ ở đây có hàm ý đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục với cô dâu, một số vùng còn gọi là lễ đền đáp sữa mẹ.
*Vẻ đẹp của xà tích
Phụ nữ Thái Tây Bắc cũng như Thái Thanh Hóa và Nghệ An đều thích mang theo bộ xà tích, nó như là một thứ trang sức làm cho bộ váy áo thêm 
duyên dáng, lịch lãm, dây xà tích được làm từ nhiều mắt xích nối lại với nhau dài 50cm. Mắt xích của dây có thể là hình số 8 hoặc hình chữ S, đầu của các sợi dây gắn vào hai vòng tròn nhỏ. Với sợi xà tích này người phụ nữ Thái thường sử dụng để móc chìa khoá, dao nhíp hoặc hộp thuốc lào bên mình.

 

Bộ xà tích được giắt vào phần bên phải dây
thắt lưng, buông xuống một bên hông. Trên nền
màu chàm của thân váy, xà tích bạc óng ánh đung đưa theo nhịp chân bước tạo nên vẻ đẹp vừa sang trọng nhưng cũng rất bình dị, thân quen là điểm nhấn trên thân váy. Trong cuộc sống thường nhật, người phụ nữ Thái ít đeo xà tích. Họ chỉ đeo trong dịp hội hè, Tết, lễ cưới.
Bộ xà tích Thái đã góp phần điểm trang trong đồ trang sức phụ nữ Thái, tạo nên giá trị thẩm mỹ của trang phục truyền thống đồng bào Thái.
Không chỉ đem lại vẻ đẹp rực rỡ, trang sức của đồng bào Thái còn cho thấy mối quan hệ giữa người với người. Phần lớn trang sức của họ còn có vai trò hộ thân. Trên đó có những dấu hiệu của thần linh, những vị thần của từng dân tộc, thần của vùng đất, anh hùng lịch sử và hình ảnh của tổ tiên nhờ thế mà khi đeo ai nấy đều cảm nhận được sự che chở, bao bọc./.

                                                                                                                                                                                        Ths. Hoàng Tố Oanh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com