CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
10/05/2020 10:22
Xứ Thanh có 7 dân tộc anh em, miền núi phía Tây của tỉnh là địa bàn cư trú của 6 dân tộc thiểu số, đó là: Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ và Khơ Mú. Trong đời sống vật chất và tinh thần, phương thức sản xuất, phong tục, tập quán mang những nét chung phổ quát, ở mỗi dân tộc lại có sắc thái riêng mà trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa thể hiện nét đặc sắc đó.
Trang phụ nam, nữ dân tộc Thổ tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông năm 2019.


Trang phục truyền thống thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Mỗi bộ trang phục không chỉ mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc đó mà còn thể hiện những giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng riêng. Trang phục có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, từ sinh hoạt đời thường đến các dịp lễ, Tết, hội hè trong gia đình và cộng đồng.

Y phục phụ nữ dân tộc Thái huyện Thường Xuân.

Trong các gia đình, bên nếp nhà sàn hòa lẫn với cánh rừng, dòng sông, ruộng rẫy, đi đến đâu cũng đều bắt gặp người phụ nữ Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao và Khơ Mú từ cụ già tới các em nhỏ sau những buổi ở nương trên, ruộng dưới đều miệt mài bên khung cửi thêu, dệt thổ cẩm. Phụ nữ các dân tộc miền Tây xứ Thanh đã được học cách dệt vải, thêu thùa từ bà, từ mẹ, từ chị dạy cho con, cho cháu, cho em và cứ thế các thế hệ con cháu về sau cũng được truyền nghề bắt đầu từ mỗi gia đình và lan rộng ra cả bản, cả Mường.
Trước khi dệt vải thổ cẩm người thợ phải dùng những nguyên liệu do họ tự tay làm ra bằng cách trồng dâu, nuôi tằm và cây bông cỏ. Họ biết tìm cây tô mộc (cây Phang) làm màu đỏ, cây Chàm làm màu xanh và đen, củ nghệ làm màu vàng và cô đặc lá Chàm, làm “chua” bằng nước lá trầu, nước chanh cùng lá các loại cây có chất keo làm bền sợi, sau đó mới đem nhuộm màu. Tuỳ vào từng mẫu hoa văn trên tấm thổ cẩm người dệt có thể pha, nhuộm các màu độc đáo khác nhau. Trong trang phục của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, kỹ thuật và cách thêu họa tiết hoa văn đạt đến tuyệt hảo.
Người Mường, chủ nhân lâu đời trên đất xứ Thanh có những biểu trưng riêng thể hiện trên trang phục. Những đường răng cưa tượng trưng cho những dãy núi trùng điệp, nương rẫy, gò đồi, trong khi đó các hình sóng nước tượng trưng cho những dòng sông, con suối... những hình ảnh gần gũi, gắn liền với cuộc sống đời thường của cư dân nông nghiệp. Các họa tiết hoa văn trang trí trên cạp váy còn in đậm dấu ấn của văn hóa Đông Sơn với họa tiết hình học và động vật. Cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợi tơ tằm trang trí hoa văn độc đáo như hình: Con rồng, con hươu, hình quả trám, kẻ ô vuông, kẻ luống... Nhận xét về sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ Mường, Giáo sư Nguyễn Từ Chi trầm trồ thán phục: “Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng, mà họ dệt cái quan niệm
thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ! Cạp váy ở đây, là như tượng như tranh!”.

Trang phục nam, nữ dân tộc Dao tham gia Lễ hội Văn hóa
thổ cẩm lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông năm 2019.

Đồng bào Thái ở Thanh Hóa có 02 ngành chính
Thái Đen (tập trung ở các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh) và Thái trắng (cư trú chủ yếu tại huyện Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh). Trang phục của họ cũng có nét khác biệt chủ yếu phân biệt bởi trang phục của phụ nữ. Trong đó người Thái Mường Trịnh Vạn có nét đặc sắc trong kỹ thuật thêu dệt váy. Chiếc váy được chia làm ba phần: Cạp váy (hỳa xỉn), thân váy (phửn xỉn) và chân váy (tớn xỉn). Cạp váy màu trắng không có hoa văn, khăn lưng nhuộm màu hay tấm phá quấn cạp váy và che kín ngực, thân váy nhuộm màu chàm đen, phần chân váy được thêu dệt riêng rồi gắn vào thân váy. Chân váy thể hiện nét đặc sắc của chiếc váy. Nhìn tổng thể chiếc váy từ cạp tới gấu váy bố cục cân đối với nhiều màu sắc: Trắng, chàm đen, trắng, thanh thiên… phối màu hài hoà tạo cho chiếc váy vừa đẹp, lại vừa diễn tả trí tưởng tượng phong phú, sự nhận thức về vũ trụ và cuộc sống vừa hiện thực vừa bay bổng của người phụ nữ Thái. Trang phục của phụ nữ Thái đen chủ yếu sử dụng màu đen, gồm cạp váy, thân váy và chân váy. Cạp váy và chân váy dược thêu cầu kỳ với những họa tiết hoa văn sinh động, bắt mắt. Trang phục của phụ nữ Thái ngoài chiếc váy còn có điểm nhấn là chiếc khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu của phụ nữ Thái làm bằng vải chàm đen, có độ dài 145cm, rộng 35cm. Khăn chia làm hai phần, phần thêu hoa văn hai đầu và phần thêu màu chàm đen. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập khuôn một cách máy móc. Trong quá trình thêu thiếu nữ Thái có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan của mình. Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải mà lại thêu từ mặt trái. Piêu được tạo theo lối đan chỉ màu vào vải tạo nên các hoa văn và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, điều đó thể hiện trí tưởng tượng, khiếu thẩm mỹ đạt giá trị nghệ thuật cao.
Đồng bào dân tộc Thổ cư trú trên địa bàn thuộc 5 xã của huyện Như Xuân, dù giao lưu và tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác, song đồng bào dân tộc Thổ vẫn giữ được những nét riêng trong trang phục truyền thống. Trang phục phụ nữ dân tộc Thổ bao gồm: Váy, áo, yếm, khăn lưng, khăn và các đồ trang sức. Váy được dệt thổ cẩm với hình ống, kết dọc từ ba khổ vải được dệt cùng họa tiết không cầu kỳ. Váy gồm 3 phần: Cạp váy, thân váy và chân váy. Cạp váy là phần có những họa tiết đơn và từng sợi vải kết nối liền nhau, cao khoảng 20 - 25cm; giữa là thân váy, thường được nhuộm màu chàm nhạt; chân váy không có họa tiết hoa văn, cách quãng có đan cài sợi màu đỏ, cao khoảng 3 - 5cm. Váy của phụ nữ Thổ thường ngắn, chỉ mặc từ thắt lưng đến quá đầu gối, không dài như váy của người Mường, Thái. Chất liệu được dệt từ sợi bông hoặc đay. Áo thường có hai loại, áo cánh và áo dài. Áo cánh may theo lối năm thân như người Kinh. Áo may suông, không chiết eo, dài gần tới hông, cổ tròn, cúc mở trước ngực, cài khuy, hai ống tay dài và bó. Đây là loại áo mặc thường ngày. Phụ nữ Thổ còn mặc áo dài khi tham gia hội hè, đình đám, giống như áo dài của phụ nữ người Kinh, thường có màu nâu đỏ hoặc đỏ tía. Khăn lưng bằng vải, rộng khoảng 10 - 12cm, dài 100 - 120cm. Con gái thắt dây lưng bằng vải màu xanh lục, người già thắt lưng màu vàng, thon gọn, vừa kín đáo mà dịu dàng, duyên dáng, trên đầu chít khăn trắng, tương tự như cách chít khăn trắng của người Mường trong.
Người Dao ở Thanh Hóa có 2 nhóm Dao Quần Chẹt (cư trú tại huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc) và Dao Đỏ (chủ yếu ở huyện Mường Lát). Trang phục của người Dao Quần Chẹt đẹp và độc đáo lưu giữ được nét đặc trưng của “người ở rừng” bao gồm: mũ, khăn, áo, yếm, quần, xà cạp, dây lưng, chủ yếu với gam màu chàm, đen. Họa tiết hoa văn trang trí đa dạng như cỏ cây, hoa lá, muôn thú khắc họa nên bức tranh đầy màu sắc. Người Dao Đỏ rất coi trọng việc ăn mặc, thường bộ trang phục phụ nữ của họ gồm có áo, mũ, quần, thắt lưng và xà cạp quấn chân. Áo là loại áo dài, cổ tay và viền áo là các hoa văn thổ cẩm màu đỏ được thêu cầu kỳ trên nền vải đen chàm, quần màu đen tuyền phía dưới có thêu hoa văn. Khăn đội đầu màu đỏ nổi bật chính là điểm nhấn cho toàn bộ trang phục cũng như là đặc điểm riêng của người Dao Đỏ.

Y phục nữ của đồng bào dân tộc Mường
huyện Ngọc Lặc.

Dân tộc H’Mông có trang phục cầu kỳ và sặc sỡ. Đó là những bộ đồ thường làm bằng vải lanh cùng nhiều màu sắc nổi bật, hoa văn đa dạng. Bộ trang phục hoàn chỉnh của họ sẽ gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, mũ đội đầu và xà cạp, có đính kèm các chuỗi hạt hay đồng xu để tăng thêm vẻ nổi bật của trang phục truyền thống. Trang trí hoa văn trên trang phục của họ chủ yếu là hoa văn thổ cẩm hình chữ nhật, hình thoi,… trên lưng áo, tay áo và trước ngực. Váy của phụ nữ là váy xòe xếp ly, đai thắt lưng dài có màu nổi bật như xanh, hồng,...
Người Khơ Mú là một trong bảy tộc người sinh sống trên địa bàn miền núi cao tỉnh Thanh Hoá. Địa bàn cư trú chủ yếu tập trung ở hai bản: Bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết thuộc xã Tén Tằn, huyện Mường Lát. Mặc dù dân số ít nhưng trang phục của người phụ nữ Khơ Mú có những đặc trưng riêng gồm có áo ngắn, yếm, dây lưng, váy, xà cạp, khăn đội đầu. Cơ bản trang phục người Khơ Mú khá giống với người Thái nhưng khi đi vào chi tiết nữ phục có những sự khác biệt nhất định, làm nên giá trị riêng trong trang phục của người Khơ Mú xứ Thanh.
Trồng bông, nhuộm chàm, dệt vải, với đôi bàn tay tài hoa, giàu óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ các thế hệ phụ nữ đồng bào các dân tộc ở xứ Thanh đã làm nên những trang phục truyền thống mang đậm sắc thái văn hóa riêng của mỗi tộc người. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nghề dệt thổ cẩm, trang phục đang dần mai một, tiếng thoi đưa dần thưa vắng, sử dụng trang phục truyền thống đang thu hẹp. Để khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trang phục nói riêng rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và ý thức tự giác của mỗi người dân để những giá trị truyền thống ấy dần được khôi phục, phát huy, phát triển; không chỉ làm đẹp người, đẹp bản, mà còn là lợi thế, nguồn lực để phát triền kinh tế gắn với phát triển du lịch đối với mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn miền núi phía Tây tỉnh nhà./.

Hoàng Minh Tường

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com