CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
"Kút Piêu" với vị thế nét đẹp tài hoa dệt thêu của người Thái
28/01/2021 16:35
Người Thái gọi chiếc khăn đội đầu của phụ nữ là “Piêu” người Việt gọi là khăn “Piêu”. Khăn đội đầu của phụ nữ thì hầu như dân tộc nào cũng có, song khăn “Piêu” của phụ nữ Thái xứ Thanh có nét độc đáo riêng.
Chiếc khăn Piêu của người Thái Thanh Hóa.

Trước hết, khăn “Piêu” là vật biểu tượng của tâm linh. Những hoa văn thêu trên khăn chủ yếu có ba mô - típ là “Kút Piêu”, “Xai peng” và “Taleo”. Mỗi hoa văn, có thêm chức năng và nội dung riêng, như “Xai peng” là “Dây tình” của đôi lứa; “Kút Piêu” là phẩm vật cao quý biếu bề trên; “Taleo” là vật “Căm” trừ đuổi tà ma, bảo vệ “thần hồn” cho người đội khăn. Đó là ba hiện vật thờ phụng của người Thái được người phụ nữ cất giữ trên đầu.
Khăn Piêu còn là bản sắc văn hóa: Đường nét cân đối, màu sắc hài hòa, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn, mang tâm hồn và tính thẩm mỹ của người dân tộc, qua đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ.

Chiếc khăn Piêu góp phần tôn thêm sự dịu dàng
và nét đẹp của người phụ nữ Thái xứ Thanh.

Ta biết rằng, khăn “Piêu” là sản phẩm của dân gian nên tính dị bản là điều tất yếu. Mỗi vùng họ gửi gắm vào đó một điều thầm kín của mình. Không khỏi lẫn với nơi khác. Trên cơ sở hình giản lược:
1. Kút Piêu
2. Xai peng
3. Taleo (và ba hoa văn phụ sau)
4. Đường viền.
5. Dây piêu biến thái.
* Nghệ thuật trang trí:
Hoa văn đều được thiết kế trên những hình học: Vuông hoặc chữ nhật, chứ không trang trí tùy tiện. Chiếc khăn có độ dài khoảng một sải tay (của người dùng) chiều ngang khoảng hai gang tay, theo khổ vải dệt thủ công. Chiều dài được chia làm 4 phần, mỗi đầu khăn lấy một phần để trang trí. Trên đó dành một ô dọc để trang trí hoa văn “Xai peng”. Phần còn lại của cả hai bên, được dành hai ô vuông, một bên trang trí hình “Taleo”, một số còn lại phía trên được phân thành sáu ô hình chữ nhật.
Khăn “Piêu” có ba hoa văn chính. Hoa văn “Xai peng” hoa văn “Taleo”, và hoa văn “Kút Piêu”.
“Kút Piêu” là một hình tròn như đồng xu đầy mặt, có bốn múi: Múi như quả bông cắt đôi theo chiều ngang. Cuống của quả bông là chân của “Kút Piêu” chạy sâu vào giữa khăn. Giá trị của khăn “Piêu” là ở chỗ có bao nhiêu “Kút Piêu” xếp hàng. Nên ca dao có câu “Ba Kút Piêu tặng bá/Năm Kút Piêu biếu thím chồng”.
Người Thái có quan niệm: Sự sống của mỗi người, được ví như “Sợi” bấc của ngọn nến, gọi là “Xai khớ” bên cạnh dây “Xai peng”. Khi “Xai khớ” đứt là con người chấm dứt sự sống.
Do quan niệm đó nên ở người Thái khi ai qua đời người ta dùng một sợi bấc bằng chiếc đũa bọc sáp ong, đặt trên quan tài, một đầu thắp sáng, tượng trưng cho sự sống của người đó. Khi quan tài chưa xuống mồ thì ngọn lửa tắt, cũng là chấm dứt sự sống của người đó, trên thế gian này.
Nếu “Xai peng” là biểu tượng về hai dây tình của trai gái “Xoắn xuýt” thì “Kút piêu” và “Xay mo” (quả trứng tín ngưỡng) là nói về hai chất “Tinh khí” có màu “Trắng” và “Đỏ” của Po Me. Có nghĩa “Kút Piêu” là hình “Âm dương”, tiếng Thái gọi là chất “Đực - cái” (Po Me) và ở đây chân của “Kút Piêu” được nối vào sợi dây “Xai khơ” (sự sống)./.
                                                                                                                                                                                                         Vương Anh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com