* Trang phục nữ
Váy áo của phụ nữ có nhiều điểm khác biệt giữa Thái ở Thanh Hóa và Tây Bắc. Phụ nữ Thái Đen ở Thanh Hóa mặc áo khóm, chui đầu, thân ngắn ngang lưng, xẻ một bên vai, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, nền vải có thể màu đen, xanh chàm, nâu nhạt, nhưng kỵ màu trắng. Còn phụ nữ Thái Trắng mặc áo cóm xẻ ngực không có nẹp đen, đầu váy thường có màu trắng, thân váy màu đen không thêu, chân váy có thêu, dệt hoa văn
Phụ nữ Thái Đen ở Tây Bắc mặc áo xẻ ngực, có hàng khuy bướm bằng vải hoặc bằng bạc trắng, cổ cao, tròn, bó khít lấy cổ, màu áo chủ yếu là đen, nâu. Áo của phụ nữ Thái Trắng có cổ liền với nẹp áo, để hở cổ, nẹp áo viền đen, màu áo chủ yếu là màu trắng, màu hồng, xanh lơ. Trong khi đó, phụ nữ nhóm Tày Mươi mặc áo cóm cổ chui, xẻ vai, đầu váy có hoa văn, thắt lưng ưa dùng màu xanh, tím, đen (không dùng màu đỏ), thân váy màu đen có nhiều loại hoa văn phong phú. Khăn đội đầu của phụ nữ Thái 2 vùng gọi là Piêu. Khăn Piêu có nền màu đen, hai đầu khăn thêu các hình hoa văn, khi đội khăn đưa một đầu thêu về phía trước, một đầu thêu về phía sau.
Váy của người Thái nói chung là loại váy thân dài đến sát gót chân. Váy của phụ nữ Thái Tây Bắc chỉ có đầu váy và chân váy, đầu váy ngắn, quấn ngang lưng. Váy của phụ nữ Thái Thanh Hóa có thêm phần cạp váy, đầu váy cao ngang nách, ôm lấy bộ ngực. Váy cũng được phân thành 2 loại: Váy mặc khi lao động, váy mặc đi chơi. Váy mặc khi lao động không có hoa văn, còn váy đi chơi được thêu hoa văn đẹp mắt. Váy người Thái Thanh Hóa phong phú về màu sắc, hoa văn. Có loại thân váy màu đen, chất liệu vải tự dệt hoặc vải láng, lụa, gấm vóc mua dưới xuôi, nối thêm một đoạn chân váy dài khoảng 25cm, thêu hoa văn rồng, hươu, hoa lá rất tinh tế. Thân váy có các loại hoa văn sọc ngang, xen kẽ hình hoa lá, động vật. Cạp váy, đầu váy của người Thái Thanh Hóa có dệt hoa văn.
Thắt lưng của phụ nữ Thái cả 2 vùng Thanh Hóa, Tây Bắc đều làm bằng chất liệu tơ tằm hoặc vải dệt, trang điểm thêm bằng chùm dây xà tích bạc trắng, đeo quả đào, nhưng đuôi thắt lưng người Thái ở Thanh Hóa để vuông, dài hơn.
Khăn, áo tang của cả 2 hai nhóm Thái đều dùng màu trắng, sau một thời gian mặc, bị lấm có thể nhuộm màu chàm nhạt. Ngày thường kiêng kỵ mặc quần áo trắng, chít khăn trắng. Trong nghi lễ tôn nghiêm, liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, phụ nữ phải mặc áo dài màu đỏ.
Những quy định ăn mặc như trên hiện nay không còn ràng buộc nhiều, nhưng vẫn còn giữ lại những nét cơ bản, được bổ sung cải tiến nhiều theo xu hướng hòa nhập, hiện đại.
* Trang phục nam
Về cơ bản, quần áo của đàn ông là giống nhau. Họ mặc quần vải thô, ống rộng, dải rút. Áo có 2 loại, xẻ ngực hoặc vắt chéo dưới nách, khuy bằng nút vải. Chỉ khác là, người Thái Đen ở Tây Bắc nhuộm áo màu đen, còn người Thái ở Thanh Hóa hay nhuộm màu nâu non, nâu đậm hoặc màu đen nhạt, xanh lơ.
* Về trang sức:
Phụ nữ Thái Tây Bắc và Thanh Hóa thường đeo vòng tay, vòng cổ và hoa tai. Tuy nhiên, có đôi nét khác nhau về đặc điểm hình thức trong các loại trang sức này. Đồ trang sức của phụ nữ Thái được làm từ nhiều chất liệu, song phổ biến vẫn là vàng, bạc. Hoa văn được trang trí trên trang sức được tạo tùy hình dáng của từng loại đồ vật.
Do sự khác nhau về môi trường sống, quan điểm thẩm mỹ, phong tục, tập quán..., nên dù có một số điểm tương đồng nhất định song trang phục của người Thái ở Thanh Hóa và người Thái Tây Bắc vẫn có những điểm khác biệt rõ rệt. Mặc dù vậy, cả 2 loại trang phục này vẫn có những điểm chung, cùng tạo nên sắc thái đậm nét của đồng bào Thái.
Trang phục, trang sức của cả nam, nữ, trong cuộc sống lao động hàng ngày cũng như dịp lễ hội đã làm nên nét đặc sắc của đồng bào Thái. Đó còn là một đóng góp lớn cho việc phục vụ quá trình nghiên cứu về lối sống tộc người ở Việt Nam./.
Hoàng Hằng