CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Đặc sắc trang phục dân tộc Dao Quần Chẹt Thanh Hóa
29/01/2021 15:51
Người Dao là một trong 7 dân tộc anh em của xứ Thanh, được chia làm hai nhóm: Dao Đỏ (từ Lào sang) cư trú ở xã Pù Nhi và xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; Dao Quần Chẹt (từ Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào) sống ở huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thủy. Cũng như các dân tộc khác, người Dao Thanh Hóa có nhiều phong tục tập quán độc đáo, trong đó phải kể đến nét đẹp trong văn hóa trang phục.
Khăn đội đầu Ngày cưới và Khăn đội đầu Ngày thường.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Quần Chẹt bao gồm: Áo dài, yếm, quần, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và các đồ trang sức khác đi kèm.
Chiếc áo là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Thân áo là hai khổ vải rộng 30cm, dài khoảng 250cm được gấp làm đôi thành thân trước và thân sau. Để tạo thành thân sau phải khâu hai mép vải từ gáy xuống tới gấu tạo thành một đường ghép ở giữa sống lưng. Hai thân trước để dời nhau. Mỗi thân trước lại được khâu vào với thân sau từ nách xuống tới quá eo, còn lại để xẻ tà. Nẹp áo trong, nơi xẻ tà từ cổ xuống tới gấu của hai thân trước được đáp bằng vải đỏ hoặc vải trắng. Tay áo là một vuông vải 40 x 40cm gấp làm đôi theo chiều dọc để khâu thành ống. Gấu tay áo cũng đáp bằng vải trắng hoặc vải đỏ. Hai thân trước phía dưới cùng vạt áo mỗi bên đáp ba miếng vải hình vuông 10 x 10cm theo thứ tự: Đỏ - trắng - đỏ. Bên trên là một băng họa tiết hình cũi lợn và hàng chỉ đúp thêu song song nhau theo thứ tự vàng - đỏ - trắng và một băng họa tiết hình răng cưa. Trên cùng là băng họa tiết chim và cây thông. Hai thân trước không có khuy cũng không có dây buộc. Nẹp cổ áo rộng 3cm thêu gấm chạy viền, vòng qua gáy xuống tới hết phần ngực thêu bằng chỉ trắng áp kề nẹp cổ.
Thân sau, ở vị trí giữa sống lưng có một cụm hoa văn thêu bằng chỉ trắng, đỏ, vàng rất hài hòa gồm: Hoa văn chim, cây thông cách điệu và tua chỉ màu buông xuống dài khoảng 10cm. Phía dưới cùng vạt sau đáp năm miếng vải bằng cỡ miếng vải đáp thân trước, theo thứ tự các màu: Trắng - đỏ - trắng - đỏ - trắng. Khi người ta buông xuống, 2 thân trước được buộc khép, hai ô đỏ ở đầu vạt trước chập vào nhau làm một, thì cả gấu thân sau và thân trước hòa hợp với nhau thành một thể thống nhất xen kẽ của vải đáp: Màu trắng và đỏ. Chỗ xẻ tà áo phía trong đáp vải đỏ, phía ngoài thêu hoa văn chạy dài theo phần xẻ rộng khoảng 3cm.
Yếm có màu chàm, hình chữ nhật, rộng 30cm, dài 40cm. Ở cạnh trên của yếm được khâu thêm một dải vải màu đỏ, vừa làm cổ yếm vừa làm dây đeo. Dưới cổ yếm đáp thêm một miếng vải trắng hình chữ nhật để đứng 10 x 13cm, xung quanh thêu viền chữ đỏ. Khoảng giữa hai bên cạnh mép yếm đính hai vải trắng dài vừa đủ để buộc lại phía sau lưng. Khi mặc áo, hai thân trước vắt chéo nhau, yếm chỉ lộ phần hai bán cầu bạc và chút ít phần vải chàm. Cái yếm này sẽ làm rạng rỡ thêm khuôn mặt, làm cho màu chàm thêm đậm, thêm duyên, và đặc biệt là hỗ trợ đắc lực cho chiếc áo dài không khuy, không dây buộc.
Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao Quần Chẹt. Khăn đội đầu có hai loại: Khăn thêu và không thêu.
Khăn không có hoa văn trang trí là một đoạn vải dài khoảng 160cm, rộng 30cm màu chàm như quần áo, không thêu. Khi đội, người ta gấp khăn làm đôi theo chiều dài, mép giữa khăn được đặt bên trên gáy một chút, hai đầu khăn được kéo thẳng về phía trán (ôm gọn xung quanh đầu), đầu khăn trên gấp ngược lên đỉnh đầu rồi vắt ra sau, hơi lệch về bên phải, đầu dưới cũng gấp ngược lên đỉnh đầu, nhưng vắt hơi lệch sang bên trái về phía sau. Cách đội khăn này tạo nên hai cái “sừng” ở hai bên đầu, “sừng” bên phải to hơn “sừng” bên trái.
Khăn có thêu hoa trang trí dài khoảng 120cm, rộng 30cm. Hai đầu khăn thêu 3 băng hoa văn theo chiều ngang với các họa tiết: Hình răng cưa, cây thông và chim công. Giữa khăn thêu một hình sao - tượng trưng cho mặt trời. Trong cuộc sống ngày thường đồng bào ít khi buộc khăn này mà chỉ dùng trong những ngày vui, lễ, Tết.
Dây lưng làm bằng vải màu chàm (đối với người già), bằng lụa đỏ, hồng cánh sen… (đối với các cô gái và người còn trẻ). Từ dải dây lưng này, người ngoài có thể dễ dàng phân biệt giữa những cô gái chưa chồng và những phụ nữ đã có gia đình, người có chồng thắt một dây lưng, còn con gái thắt hai, ba cái bằng lụa màu khác nhau.
Quần của người Dao Quần Chẹt thân thường rộng, độ giãn lớn, không khoét đũng, mà ghép bằng một miếng vải hình thoi hơi giãn. Ống quần rất hẹp (15 - 16cm), gấu được trang trí bằng một băng hoa văn: Cũi lợn, chim, cây... có chiều cao khoảng 4cm. Chiếc quần dài ống hẹp là nét đặc trưng riêng biệt của nhóm Dao Quần Chẹt. Khi mặc phần cạp được vận vỏ đỗ rồi giắt vào phía trong bụng.
Xà cạp làm bằng vải phin trắng, không thêu. Từ một mảnh vải 80 - 30cm được gấp chéo theo chiều dọc, rồi rọc làm đôi thành 2 mảnh có hình “đuôi nheo”. Ở đầu nheo được đính một dây bằng vải dài hơn vòng bắp chân. Khi mang người ta đặt đầu xà cạp rộng 30cm ôm lấy cổ chân rồi cuốn ngược lên gần đầu gối, dùng dây ở đầu nheo buộc lại, gấu quần chùm ra ngoài. Khi cuốn, mép vải trắng nằm ở phía trong, mép vải thêu nằm ở phía ngoài, từ mắt cá trong ngược ra, khi cuốn xong ta thấy hai chân quấn đối nhau. Xà cạp hỗ trợ cần thiết cho chiếc quần chẽn ngắn và tiện lợi cho lao động nương rẫy.
Bộ trang sức cổ truyền nữ giới Dao Quần Chẹt khá nhiều thứ: Vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, bộ xà tích, được làm bằng bạc. Màu trắng của bạc đặt trên nền vải chàm và hoa văn thêu xanh đỏ rất nổi - đây được xem là tiêu chuẩn và quan niệm về cái đẹp của người Dao, nhiều đồ trang sức được mẹ truyền cho con gái, từ đời này qua đời khác.
Lễ phục cô dâu được thêu kỳ công hơn, với đầy đủ các loại đồ trang sức và có thêm một khăn thêu, một khăn đỏ phủ ngoài khăn thêu. Khăn đội đầu của cô dâu bằng vải màu chàm hình gần vuông (40cm đến 50cm) toàn bộ mặt khăn thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ nhiều màu. Mép khăn về phía trước mặt đính một hàng quả bông màu trắng, đỏ, vàng xen nhau. Mép khăn hai bên đáp vải đỏ và trắng, mép khăn phía sau đáp vải đen. Mép hai bên giữa khăn theo chiều ngang còn đính hai chuỗi hạt cườm dài làm dây buộc.
Trang phục ở nam giới đơn giản hơn nữ giới. Bộ trang phục cổ truyền nam gồm một áo cánh ngắn, cài cúc, cổ đứng để mặc ngoài và một chiếc quần dài, một cái khăn vấn đầu, tất cả đều màu chàm. Áo có 4 thân được ghép bằng 4 thân vải khổ hẹp khoảng 30cm, xẻ ngực để cài khuy. Áo dài quá thắt lưng, gấu bằng, xẻ tà từ cạp quần, tay dài tới mắt cá tay, cổ đứng, có 3 túi thêu hoa văn chim, cây. Khuy áo bằng đồng, khuyết làm bằng vải đỏ đính nằm ngang. Phía trong các đường biên của nẹp áo thường được đáp bằng vải đỏ.
Quần ống rộng, cắt may theo kiểu “chân què” cạp “lá tọa” khi mặc vận ở trước bụng rồi giắt vào bên trong (nay đã có cạp để xỏ dây rút hoặc chun). Đến nay, thường phục cổ truyền của nam đã thay đổi nhiều theo hướng Kinh hóa.
Trang phục chú rể. Theo lễ phục cổ truyền, trong đám cưới chú rể mặc quần dài (kiểu “lá tọa”) may bằng lụa trắng, áo the dài, đầu đồi khăn xếp bằng nhiễu đen. Áo the là loại áo 5 thân, một thân trong ngắn chỉ để che phần ngực, khuy cài chếch sang nách phải, áo buông dài tới nửa bắp chân. Hiện nay, lễ phục của chú rể trong đám cưới là bộ quần áo mới may: Quần âu, áo sơ mi trắng. Cũng có người mặc thêm áo ngắn tứ thân màu chàm ra ngoài áo trắng, đầu có thể buộc một cái khăn thêu, hoặc đội mũ nồi. Áo ngắn tứ thân màu chàm của chú rể hoặc trang trí chủ yếu ở 3 túi. Mặt các túi áo đều được thêu kín các họa tiết trang trí./.
                                                                                                                                                                                                       Đào Thị Vinh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com