CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Nét đẹp trang phục người Dao đỏ xứ Thanh
29/01/2021 15:53
Trang phục truyền thống luôn là một trong những nét đặc trưng của văn hóa mỗi tộc người, giúp phân biệt sắc thái riêng các dân tộc. Trang phục của đồng bào Dao Đỏ không chỉ tạo nên điểm khác biệt so với các tộc người khác mà ngay cả với tộc người Dao sinh sống trên địa bàn tỉnh cũng có những điểm riêng biệt rất dễ nhận ra.
Y phục nam, nữ của người Dao Đỏ xứ Thanh tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông năm 2019.

Cũng như người Dao Quần Chẹt, người Dao Đỏ không dệt vải mà họ mua vải mộc trắng, chỉ trắng của người Thái về rồi làm cao chàm nhuộm màu để may y phục. Đến nay đồng bào Dao Đỏ vẫn trồng chàm, làm cao chàm và nhuộm chàm theo kỹ thuật nhuộm truyền thống, màu chàm rất đậm, tươi và bền màu. Công đoạn nhuộm chàm khá cầu kỳ đòi hỏi sự kiên trì và kinh nghiệm. Để được một tấm vải ưng ý, bền và không bị phai màu thì vải sẽ được ngâm trong nước lá chàm khoảng 30 phút. Sau đó, đem phơi khô rồi lại tiếp tục đưa vào nhuộm nước lá chàm. Công đoạn này kéo dài 1 tháng và để có một bộ trang phục hoàn thiện với những họa tiết hoa văn phong phú, sinh động mang đặc trưng của người Dao Đỏ thì người phụ nữ phải mất cả năm thêu và may.
* Trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ
- Trang phục thường ngày bao gồm: Áo, quần, khăn vấn đầu, dây thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Áo dài: Chiếc áo là điểm nhấn cũng là phần quan trọng nhất của bộ trang phục là loại áo tứ thân, với khổ rộng của mỗi thân áo là 40cm, dài 130cm. Kiểu may khá giống với áo của người Dao Quần Chẹt chỉ khác hoa văn thêu. Nẹp cổ được thêu kín các họa tiết hoa văn trang trí theo chiều dọc của nẹp. Nẹp được đính với thân áo bằng những núm chỉ đỏ trang trí. Tất cả những diềm áo còn lại như đầu ống tay, nơi xẻ tà, gấu áo thường được đáp bằng vải xanh lơ hoặc vải trắng. Vai, ngực và sau gáy áo được thêu từng mảng hoa văn trông rất bắt mắt. Áo không có khuy và dây buộc, trong lúc lao động đồng bào thường dùng dây lưng buộc rồi giắt áo lên cho gọn.
Khăn đội đầu: Là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn có hai loại, kích thước 150cm x 40cm, khăn không thêu hoa đội bên trong và khăn được thêu hoa đội bên ngoài, khi đội họ quấn khăn theo hình số 8, nằm ngang theo chiều hai bên tai, để lộ mảng hoa văn ở trước mặt.
Quần: Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả chám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Quần được cắt kiểu “ống què”, cạp “lá tọa”, ống rộng ngắn tới nửa bắp chân, thân cũng rộng, khi mặc quần vận lại rồi giắt vào trước bụng và được giữ chặt bằng dây lưng.
- Trang phục ngày cưới của người Dao Đỏ:
Trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao đỏ thường được “đặc cách” ở nhà tập trung cho việc thêu thùa, khâu vá, hoàn thành bộ trang phục của riêng mình. Cùng với thời gian, bộ trang phục sẽ theo họ đi suốt cuộc đời cho đến khi họ qua đời, bộ trang phục sẽ được chôn theo để người mất được tổ tiên đón nhận.
Lễ phục cô dâu là bộ thường phục mới, được thêu hoa văn cầu kỳ, rực rỡ, may cẩn thận hơn và có thêm một số phần đặc thù như: Dây lưng, khăn quàng cổ, khăn thêu chùm đầu. Dây lưng cô dâu được dệt bằng chỉ trắng và chỉ xanh xen nhau theo chiều ngang, khăn dài khoảng 150cm, quấn quanh eo rồi giắt vào bên hông; Khăn quàng cổ cô dâu làm bằng vải trắng thêu hoa văn ở hai đầu, khăn được vấn hai vòng quanh cổ rồi buông lơi phía trước; Khăn chùm đầu cô dâu là miếng vải chàm có đáp vải đỏ ở bốn góc, mặt khăn được thêu kín các họa tiết trang trí “hoa” và “cây”. Khi đội cô dâu phải phủ mặt khăn thêu này ra ngoài.
* Trang phục nam của người Dao Đỏ
Bộ trang phục nam nói chung giản dị về màu sắc, cách tạo hình, kiểu cách, trang trí gồm: Áo, quần, khăn may bằng vải giống trang phục nữ: Áo tứ thân tay dài, có thêu hoa văn phía trước và phía sau. Nẹp áo được xem là điểm nổi bật nhất trong chiếc áo tứ thân bởi được thêu hoa văn cầu kỳ, dải hoa dài gần bằng thân áo. Áo cài bằng khuy đồng hoặc khuy bạc; Quần nam cũng cắt kiểu như quần nữ, nhưng dài, rộng hơn và không thêu hoa, khi mặc cũng vận giắt vào trước bụng; Khăn vấn đầu có thêu ở một đầu khăn để vấn vòng tròn quanh đầu.
Trang phục chú rể: Giống bộ thường phục nhưng mới, thêu nẹp áo công phu hơn và đặc biệt có thêm khăn quảng cổ màu trắng. Khăn quàng cổ của chú rể giống với khăn quàng cổ cô dâu.
Y phục của trẻ em được cắt khâu, trang trí như áo, quần của người lớn nhưng ít hoa văn hơn; ở gấu quần, gấu áo, cổ áo, tay áo thường viền vải màu đỏ, hoặc ghép vải in hoa văn màu đỏ. Mũ có nhiều tua chỉ đỏ và đeo lục lạc. Các mảnh vải thêu kín hoa văn, thường là các mô-típ như hình cây cỏ, hoa lá với các màu chủ đạo xanh, trắng, vàng, đỏ.
* Đồ trang sức
Với phụ nữ Dao Đỏ thì trang sức bạc là vật bất ly thân gồm có vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, dây xà tích gắn lục lạc, nhẫn… Có thể nói những trang sức bằng bạc chính là linh hồn của bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Dao Đỏ. Ngoài việc làm đẹp, còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng, người đeo bạc sẽ trừ được tà ma, tránh gió và được thần linh phù hộ.
Trang phục của người Dao Đỏ ở Thanh Hóa phản ánh một phong cách văn hóa, một trình độ kỹ thuật, mỹ thuật đa dạng, phong phú và rất riêng không lẫn với bất cứ dân tộc nào ở Thanh Hóa. Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng văn hóa của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ là việc làm hết sức có ý nghĩa./.

                                                                                                                                                                                                       Ban biên tập

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com