Trang phục của phụ nữ Mông Trắng.
Trang phục của người phụ nữ nhóm Mông trắng ở Thanh Hóa có nhiều khác biệt so với các ngành khác trong tộc người Mông. Bộ trang phục nữ bao gồm: Mũ đội đầu, áo khoác ngoài, áo trong, quần, dây thắt lưng và xế.
- Mũ đội đầu: Trước đây người phụ nữ Mông trắng không dùng Mũ đội đầu, họ thường cạo tóc xung quanh, để lại phần tóc ở giữa và buộc cao lên đỉnh đầu, mùa đông họ dùng khăn quấn để giữ ấm. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, tộc người Mông trắng không còn du canh du cư mà sống định cư cùng các tộc người khác. Vì vậy có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc nên Người Mông bắt đầu để tóc dài và đội mũ thay khăn để làm đẹp. Chính sự du nhập, vay mượn mà chiếc mũ đội đầu của người Mông trắng có sự sáng tạo nhiều kiểu khác nhau, nhưng chủ yếu dùng loại mũ sừng. Mũ sừng là loại mũ có màu sắc chủ đạo là đen và trắng. Chiếc mũ được làm bằng vải lanh màu đen, được trang trí đường viền sọc đen trắng chạy chéo nhau quanh chiếc mũ. Trên gần đỉnh mũ có miếng vải cứng dựng đứng như chiếc sừng có thêu hoa văn họa tiết hình ốc sên cũng tông màu trắng đen. Hai bên đỉnh của chiếc mũ có đính hai bông hoa nhỏ được thêu với màu sắc xanh, đỏ, vàng đây có thể coi là điểm nổi bật của chiếc mũ. Chiếc mũ này vừa có chức năng giữ ấm, vừa mang tính thẫm mỹ cao phù hợp với tính cách và trang phục của người phụ nữ Mông trắng. Ngày nay, người phụ nữ Mông trắng còn có vay mượn của một số kiểu dáng của các nhóm Mông khác để sáng tạo nên chiếc mũ kiểu mới, vì vậy Chiếc mũ được trang trí cầu kỳ hơn, nhiều màu sắc, tua và hoa văn hơn chiếc mũ sừng.
- Áo khoác ngoài của người Phụ nữ Mông trắng thường khá đơn giản không thêu họa tiết hoa văn trang trí. Cổ áo hình chữ V được nẹp viền thêu hoa văn hoặc sọc màu khá nổi bật, thân áo được cắt lửng ngang lưng, phía trước ngực cắt kiểu chữ V ngược. Hai ống tay áo được đáp những đường kẻ màu đen nổi lên trên nền vải xanh. Khi mặc thì nhất định bên trong phải mặc một chiếc áo ống màu trắng để che phần bụng và làm nền cho chiếc áo khoác. Áo của người Mông trắng thường dùng 2 màu xanh lá cây và xanh lam.
Trang phục truyền thống người Mông Trắng, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
- Không như những người phụ nữ Mông ở nhóm khác, người phụ nữ Mông trắng ở Thanh Hóa không mặc váy, họ thường tự may cho mình chiếc quần ống rộng màu đen, dài đến mắt cá chân. Khi mặc họ phải dùng dây thắt lưng để buộc quanh bụng, chính vì vậy chiếc thắt lưng là điểm sáng duy nhất của chiếc quần. Thắt lưng rộng 10-15 cm, được thêu họa tiết hoa văn và màu sắc khá bắt mắt, nó cũng là điểm nhấn cho vùng eo của người phụ nữ Mông trắng.
Cũng như những nhóm Mông khác, xế (tấm vải che phía trước quần) cũng là vật không thể thiếu trên trang phục của người phụ nữ. Xế được làm từ mảnh vài màu đen không thêu hoa văn mà đáp đoạn vải khác vào chính giữa, chiều
dài bằng với chiều dài của xế và đoạn vải này màu cùng tông với màu áo (xanh lá cây hoặc xanh lam). Ngoài ra, người phụ nữ Mông đã dập ly từ trên xuống dưới của Xế, để khi mặc tạo sự
mềm mại cho cho bộ trang phục.
- Vật dụng thường thấy kèm theo bộ trang phục của người phụ nữ đó là túi đem đeo chéo, đây là chiếc túi hình vuông được thêu hoa văn và đính các đồng tiền xu xung quanh túi và dây đeo để khi chuyển động tạo ra những âm thanh vui tai. Khi đeo người phụ nữ Mông dùng 2 chiếc
túi đeo chéo đối nhau vừa dùng đựng đồ vừa để trang trí thêm cho bộ trang phục.
* Trang phục của người phụ nữ những nhóm Mông khác ở Thanh Hóa…
Nói đến trang phục của người phụ nữ Mông, có thể mỗi nhóm có những nét riêng biệt, mang đặc trưng, quan niệm thẩm mỹ của từng nhóm nhưng về cơ bản trang phục của họ khá giống nhau về hình thức. Một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông gồm: Mũ đội đầu, áo xẻ ngực, váy, xế, thắt lưng và xà cạp.
- Áo thường có cổ hình chữ V hai bên có thể nẹp thêm những mảnh vải thổ cẩm sặc sỡ, hai ống tay áo thường thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo.
- Váy của phụ nữ Mông chiếc là váy mở, có nhiều nếp gấp rộng xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có 2 dây để buộc, trên nền váy được thêu cầu kỳ với những họa tiết hoa văn phong phú, đa dạng. Mỗi hoa văn, họa tiết đều ẩn chứa mối nhân sinh gần gũi gắn liền với đời sống tâm linh và tinh thần của người Mông. Có thể nói, chiếc váy thể hiện được sự tài hoa, khéo léo, cầu kỳ của người phụ nữ Mông.
- Ngoài ra bộ trang phục còn có xế được thêu hoa văn với màu sắc bắt mắt tùy theo ý thích của mỗi người. Tuy nhiên thường chỉ những người phụ nữ trẻ tuổi mới thêu hoa văn trên xế để thể hiện sự trẻ trung, khỏe khoắn. Trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông còn có xà cạp quấn chân. Đồng bào Mông quan niệm đeo xế và quấn xà cạp thể hiện sự kín đáo, nết na của người phụ nữ.
- Bên cạnh tính thẩm mỹ cách ăn mặc của người Mông còn có tính nhạc, với những đồng xu đục lỗ được gắn trên áo, hay thắt lưng mỗi khi di chuyển, vui chơi từng đồng xèng trên người va chạm với nhau tạo ra âm thanh tươi vui, rộn ràng.
Ngoài chức năng làm đẹp, trang phục còn hàm chứa ý nghĩa tâm linh, người Mông tin rằng hoa văn đẹp có thể liên hệ với thần linh, mời gọi thần tài, hỉ thần, phúc thần đến với gia đình ban phát điềm lành, xua tan điềm gở. Họ quan niệm
ngày Tết hay lễ hội mà mặc đồ cũ thì sẽ gặp xui xẻo cả năm, nên người phụ nữ Mông luôn cố gắng chuẩn bị cho cả nhà những bộ quần áo mới. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, các chàng trai, cô gái chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất.
Trang phục nam người Mông được thiết kế rộng rãi phù hợp với việc leo núi và sinh hoạt cộng đồng.
Trang phục nam của người Mông.
Không rực rỡ sắc màu và nổi bật như trang phục nữ, trang phục của nam giới thường đơn giản hơn. Với màu đen chủ đạo, cùng những đường cắt cúp độc đáo, góp phần tôn lên vóc dáng khỏe khoắn. Trang phục nam người Mông gồm có áo, thắt lưng và quần. Áo được may theo kiểu xẻ ngực, cổ tròn đứng; áo không có cầu vai, được xẻ tà hai bên hông, có túi ở hai bên tà áo; áo có hàng cúc vải ở phía trước. Các đường nét hoa văn thổ cẩm thường tập trung ở tay áo tạo sự mạnh mẽ.
Quần được may bằng vải bông theo kiểu chân què, đũng rộng, ống quần vừa phải, kéo đến mắt cá chân, cạp can. Điều đặc biệt ở quần
nam là cách khâu ghép ống đũng vào nhau rất kỹ thuật. Đây là kiểu quần phù hợp cho việc lên rẫy, leo trèo đồi núi.
Chiếc mũ nồi là một bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống, tạo cho đàn ông người Mông có một sắc thái riêng, không lẫn với bất kỳ dân tộc khác. Ngoài tính thẩm mỹ thì mũ nồi rất phù hợp với điều kiện thời tiết trên vùng núi cao. Mũ nồi rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất. Khi đội mũ nồi, người ta thường đội hơi lệch về một bên, tôn lên phong cách của người đàn ông.
Có thể nói, cũng giống
cây Khèn, trang phục truyền thống là biểu tượng đầy kiêu hãnh của đàn ông người Mông. Trong những ngày lễ lớn của địa phương, con trai mặc trang phục truyền thống cùng với chiếc Khèn. Họ biểu diễn điệu múa Khèn với từng bước nhảy điêu luyện. Những động tác mạnh mẽ, uyển chuyển như hội tụ tinh hoa của cuộc sống lao động, sự hòa đồng của con người với thiên nhiên được thể hiện vô cùng tinh tế.
Trang phục của cả nam và nữ dân tộc Mông là sự kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Mông làm ra. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã trở thành nghệ sĩ tạo nên bộ trang phục như những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người và những bộ trang phục ấy là những bông hoa khoe sắc khắp đại ngàn xứ Thanh./.
Hoàng Hằng