NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Lễ hội Chá Chiêng người Thái huyện Quan Sơn
31/08/2021 09:01
Quan Sơn là huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh, nơi có những thửa ruộng bậc thang gối nhau trùng điệp, mang đậm nét nguyên sơ cùng nếp nhà sàn xinh xắn với những cô gái Thái bên khung cửi dệt thổ cẩm. Vùng đất không chỉ được biết đến là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều tộc người, mà còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa lịch sử, với các lễ tục, lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Trong đó, phải kể đến lễ hội Chá Chiêng, một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Thái huyện Quan Sơn.
Cây bông - Biểu tượng của Lễ Chá người Thái, huyện Quan Sơn.

Đã thành thường niên, cứ 5 năm một lần, khi cây mạ đã xanh, vạn vật, cỏ cây đang hồi sinh sức sống như tô thêm vẻ đẹp của núi rừng đại ngàn cũng là lúc người Thái Quan Sơn tổ chức lễ hội Chá Chiêng. Không gian của lễ hội thường được diễn ra trong ngôi nhà sàn của cộng đồng hoặc tại nhà bà Mộôt. Theo quan niệm của người Thái, bà Mộôt là người hiểu biết, có tấm lòng thương người, có khả năng giao tiếp với thần linh và thế giới siêu nhiên, có pháp thuật để chữa bệnh trên thân thể và cả tư tưởng tâm linh, được bà con tôn kính, nể phục và bà sẽ là chủ chính đứng ra tổ chức các nghi lễ trong lễ hội Chá Chiêng.
Với mục đích cúng mừng bản mường, tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và những người thầy có công truyền dạy cách bốc thuốc, chữa bệnh cho dân bản. Người Thái huyện Quan Sơn coi đây là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, mọi người đều có quyền tham gia và hưởng thụ. Vì vậy, việc tổ chức lễ tục này không chỉ có ý nghĩa quan trọng nhằm cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai, dịch họa mà còn mang giá trị nhân văn cao cả.
Để tổ chức lễ hội thành công, cộng đồng người Thái chuẩn bị các khâu hết sức chu đáo và cẩn thận. Đặc biệt, trong lễ hội không thể thiếu Sặng boóc (cây bông) tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản làng. Cây bông có hai phần chính: Cột trụ và các cành hoa. Cột trụ là một cây tre (luồng) già cao khoảng 3m, không mối mọt. Trên thân được khoan nhiều lỗ để gắn các cành hoa đủ màu sặc sỡ. Tính từ dưới lên có 7 tầng, mỗi tầng có khoảng vài chục cành, mỗi cành có từ 30 - 50 bông hoa. Những bông hoa này được cắt gọt rất khéo từ bấc cây tang, cây sắn hoặc ruột quả bầu (loại cây mọc trên vùng tụ cư của người Thái), sau đó đem cắt thành từng đoạn ngắn, độ 2 đến 3cm rồi nhuộm phẩm màu và xâu vào các que nứa nhỏ (gọi là các cành hoa). Cuối các cành hoa có một bông hoa nhiều cánh cắt từ cành dâu có tác dụng làm chốt giữ cho các bông hoa không tuột khỏi cành hoa. Trên mỗi cành hoa được treo những vật dụng sinh hoạt cũng như các công cụ sản xuất làm bằng gỗ, tre như: Cày, bừa, xẻng, con dao, cái dón, cung ná, khung cửi, khua luống, khèn, chài lưới… cùng với các dụng cụ của bà Mộôt như quạt, kiếm trừ tà, kang phép bắt yêu quái và các loại động vật như: Ếch, ve sầu, châu chấu, cá, hươu, chim, kén tằm, trứng... Tầng trên cùng của ngọn cây hoa được trang trí một tấm thổ cẩm hình tứ giác, 4 góc có gắn các tua vải rủ xuống tượng trưng cho con đường đi lên Mường Trời. Mỗi cây hoa được đồng bào ví như số phận một con người, một mùa vụ.
Việc tổ chức lễ hội sẽ do bà Mộôt cao tay chủ trì, cùng 3 đến 8 bà Mộôt khác giúp việc. Trong không gian ngôi nhà sàn, nơi linh thiêng nhất được đặt mâm lễ truyền thống do bà Mộôt chuẩn bị, bên cạnh là mâm lễ của các con nuôi, đó là những người được các bà Mộôt chữa khỏi bệnh và bà con họ mạc, bản gần bản xa đến dự. Tùy theo khả năng của mình, họ mang đến chai rượu hay cân gạo, nải chuối, cây mía, mớ rau, con cá, hoa quả, trứng gà, trứng vịt,… để góp vui. Ngoài ra, những “Lúc liệng” (con nuôi) còn mang theo một con gà cùng hoa quả và một cành hoa Chá, cành hoa này sẽ được “Lúc liệng” thành kính cắm lên thân cây hoa đặt giữa nhà, tạo thành một cây hoa Chá nhiều màu sắc rất vui mắt.
Khi giờ linh đã đến, Lễ hội được bắt đầu. Trước khi làm lễ, già bản sửa sang lại các cành hoa Chá. Xong xuôi, già bản mời các bà Mộôt vào làm lễ. Bà Mộôt đội khăn lên đầu rồi tự tay châm nến, súc miệng bằng rượu và bắt đầu khấn gọi các quân binh ở Mường, bà Mộôt hát bài Mo Mường (xua đuổi ma quỷ, điều xấu, điều ác ra khỏi bản, mường cầu mong mùa màng bội thu, ngô lúa đầy bồ)...
Khi bà Mộôt bước đi vòng quanh cây Chá, các con nuôi cung kính chào theo nghi thức của người Thái, đi theo các bà Mộôt có người giúp việc là ông thổi Pí Mùn (một loại sáo nhỏ, có lưỡi bằng đồng hay bằng bạc). Trong lễ Chá có phần diễn xướng Kệp boóc (hái hoa). Các bà Mộôt tay cầm quạt đi quanh cây Chá, chỉ từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát đoán về tương lai số phận của họ, nhắc nhở về cách ứng xử, khuyên răn đạo đức, lối sống, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người. Bà Mộôt dạy cho họ biết yêu thương nhau, tình làng nghĩa xóm, bản trên xóm dưới thuận hòa, như tục ngữ Thái đã có câu: “Xịp nọng pí bau pớn xi ché hườn” (Mười anh em không bằng bốn góc nhà).
Không gian lễ hội Chá Chiêng còn lan tỏa ra bên ngoài sân nhà sàn, nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống hòa nhịp với lời của thầy Mo. Các bà Môột mời mọi người Mường trên, bản dưới uống rượu cần và múa Chá Chiêng. Uống rượu cần đang vui thì bà bắt đầu hát Khặp có đệm pí mùn, trống chiêng, Khua luống nhịp nhàng vui nhộn, một số người đập Boong Bu để làm nhịp múa (Boong bu được làm bằng ống tre có đường kính 6 đến 7cm, dài khoảng 30-40 cm). Các cô gái múa Khan gọi là múa “Xai hảng”, còn thanh niên thì múa Kiếm làm các động tác chém, chặt, xẻo thịt, thể hiện sức mạnh của con người trước ma quỷ. Sau những phần diễn trên là phần hát Nhặt hoa (Kệp boóc), chống nhà, trò phát quang bờ bụi, trò người lành giúp người què “Nào già trẻ gái trai muôn nơi, nào bản trên, Mường trên bản dưới hãy cùng nhau nhảy múa chá chiêng làm vui bản, vui mường. Mọi người chúc cho nhau một năm ai cũng khỏe mạnh để xây dựng bản, mường của ta ngày càng đẹp hơn, đời sống nhân dân no ấm hơn, không có bệnh tật đến bản, đến Mường, không có con ma xấu tới bản. Cuộc nhảy múa không dành riêng cho ai, mọi người có thể nhảy múa, càng nhiều người càng vui, khí thế càng tưng bừng.
Bên cạnh đó, trong lễ Chá còn có lễ Cầu mưa xin với trời mưa thuận, gió hòa nhằm đem về sự sống cho muôn loài, để mùa màng bội thu, cây cối đơm chồi nảy lộc, khí trời êm dịu, cây lá xanh tươi, muôn chim hót ca vui rộn cả cánh rừng; Lễ Cầu mưa có hai mươi nam thanh nữ tú trong bản vừa đi vừa hát bài hát cầu mưa, lời ca nghe tha thiết vang vọng: Mưa mưa đi trời ơi/ Mưa vào thửa mạ khô, mưa vào cánh đồng hạn/ Ruộng khô ruộng nứt tách, Nứt tách như men rượu trên gác bếp khói hun. Lời ca não nùng làm thấu lòng Then (trời), Then rũ lòng thương, ngó xuống nhìn thấy có cả mèo con cũng được người trần gian khiêng lên kiệu để xin mưa, Then phì cười làm nước miếng phun ra, nước mắt chảy giàn giụa tạo thành mưa xuống trần gian. Từ đó dưới trần gian có mưa rơi về đồng trước, mưa dội xuống đồng sau. Hạt mưa rơi xuống đồi cao, bãi thấp, hạt nối hạt chảy thành khe, thành suối, nước nối dòng cuộn dâng ra sông, ra biển. Cá vui tung tăng bơi lội, trẻ con ra sân nô đùa tắm nước mưa trong vắt của Then ban làm cho người khỏe khoắn, xinh tươi, người lớn cười vui năm nay ắt được mùa.
Lễ hội Chá Chiêng của người Thái huyện Quan Sơn là một sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo nằm trong kho tàng văn hóa chung của cộng đồng người Thái xứ Thanh. Các điệu múa Chá là di sản văn hóa tâm linh, những nhịp điệu của lễ hội Chá Chiêng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu múa dân gian của đồng bào Thái nói chung và của người Thái ở Quan Sơn nói riêng, trong các dịp hội diễn văn nghệ quần chúng hay những ngày vui của đồng bào./.

Đào Thị Vinh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com