NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Trấn Lỵ Thanh Hóa thời Nguyễn
02/04/2020 20:39
Thanh Hoá là đất “căn bản” của triều Nguyễn, việc hình thành trấn lỵ Thanh Hoá có tác động nhiều mặt đến lịch sử phát triển của xứ Thanh trong thời kỳ cận đại. Tìm hiểu quá trình hình thành của trấn lỵ Thanh Hoá dưới triều Nguyễn góp phần nghiên cứu sự hình thành các đô thị mới thời Nguyễn.
Thành phố Thanh Hóa, trên đà đổi mới hội nhập và phát triển.

*Từ thành cổ Dương Xá đến Hạc Thành mới.
Thời Nguyễn, đầu niên hiệu Gia Long, vẫn gọi Thanh Hoa nội trấn. Các văn bản hành chính dưới hai triều Gia Long, Minh Mệnh đều gọi tắt là Thanh Hoa trấn. Đến niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), chia cả nước thành 30 tỉnh, Thanh Hóa trấn được đổi gọi là tỉnh Thanh Hoa. Đến năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), mùa thu tháng 7 cho đổi Thanh Hoa tỉnh thành Thanh Hóa tỉnh. Đến triều Tự Đức (1848-1883) các địa danh, vị trí các phủ, huyện đã tương đối ổn định. (1)

Do vị thế Thanh Hoá, triều Nguyễn có phần chú trọng đến việc xây dựng một tỉnh lỵ mới. Việc xây dựng trấn lỵ mới Thanh Hoá được tiến hành ngay từ buổi đầu triều Nguyễn.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất là việc rời tỉnh lỵ cũ và xây dựng tỉnh lỵ mới. Sách “Đại Nam Nhất Thống chí” đã cho biết: “Trấn thành cũ ở bãi sông Dương Xá, huyện Đông Sơn. Từ nhà Lê đến Tây Sơn trấn thành ở đây, bản triều (tức triều Nguyễn) rời đến địa phận xã Thọ Hạc mà bỏ thành này”(2)

Tài liệu thư tịch cũ cho biết: Về mặt cấu trúc thành Dương Xá cũ là một toà thành lớn chu vi khoảng ba mươi sáu nghìn mét chiều dài khoảng một nghìn mét, chiều rộng khoảng tám trăm mét, (tương đương với thành Tây Đô thời Hồ Quý Ly). Thành cao hơn hai mét, mặt cắt hình thang vuông, mặt thành rộng tám mét, chân thành rộng mười mét. Xung quanh có hào sâu. Thành có bốn cửa: Cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu. Đến nay, căn cứ vào dấu vết còn lại có thể phục dựng lại cấu trúc bên trong của toà thành.

Xét về vị thế, thành Dương Xá cũ vào vị trí hiểm yếu, nặng về phòng thủ quân sự. Thành nằm ở vị trí gần ngã ba sông, thuận lợi mặt giao thông đường thuỷ. Theo đường sông, từ đây có thể ra tới biển, nối liền với các tỉnh phía Bắc và miền Tây Thanh Hoá.

Vùng đất triều Nguyễn trọn để xây dựng trấn lỵ, thuộc làng Thọ Hạc - huyện Đông Sơn. Xét về địa lý đây là một khu vực thuận lợi cho việc phát triển lâu dài về nhiều mặt.

Về phong thuỷ, tỉnh lỵ Thanh Hoá mới, được xem là chốn linh địa: Phía Bắc là vùng đất của chín mươi chín con phượng hoàng; Phía Đông là núi Rồng; Phía Tây là núi Long; Tạo thành thế tay ngai như hai con rồng ở hai phía tả hữu của thành Thanh Hoá. Phía Nam có sông nhà Lê uốn khúc, nối liền với sông Mã.

Về mặt kinh tế, đây là vùng đất trù phú với những làng quê, làng nghề và những vùng buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền, thuận lợi về giao thông đường thuỷ cũng như đường bộ và giao lưu các miền.

Chọn vị thế trung tâm hành chính, tỉnh lỵ… chứng tỏ triều Nguyễn đã có một cái nhìn rộng, nhìn sâu cho sự phát triển của đô thị Thanh Hoá trong tương lai.

Làng Thọ Hạc được biết đến như một làng nông nghiệp, được hình thành từ khá sớm. Địa danh Thọ Hạc, trong tâm thức nhân dân là vùng đất có nhiều loại chim, cò, hạc hội tụ. Tên gọi Thọ Hạc, Hạc Oa ở đây cũng gần như tên gọi Bạch Hạc, Hạc Trì ở vùng đất ngã ba sông Phú Thọ.

Cạnh làng Thọ Hạc là hai làng Phủ Cốc và Mật Sơn, trong đó làng Thọ Hạc là làng lớn nhất. Cả ba làng họp lại thành một khu vực rộng lớn có ý nghĩa là một trung tâm kinh tế bên cạnh bờ sông Mã. Từ xa xưa, thời kỳ văn hoá Đông Sơn, vùng đất này đã là một khu vực phát triển về nhiều mặt.

Năm 1804 triều Nguyễn thành lập trấn lỵ Thanh Hoá mới. Để thành lập trấn lỵ, triều Nguyễn đã cắt đất làng Thọ Hạc, Phủ Cốc, Mật Sơn để thành hai giáp trực thuộc trấn lỵ đó là giáp Đông Phố và giáp Nam Phố. Các giáp lại chia thành các ấp.

Giáp Đông Phố có mười ấp: Văn Trường, Đông Trường, Tiền Nghĩa, Hậu Thành, Đông Lân, Đông Lạc, Tả Biên, Phú Mỹ, Hữu Biên, Bắc Biên.

Giáp năm phố gồm có bảy ấp là: Tây Lý, Hữu Môn, Tiền Môn, Nhân Lý, Đông Lý, Nam Lý, Đông Thành.

Sau khi rời tỉnh về Thọ Hạc, triều Nguyễn cho xây dựng thành Thanh Hoá trên đất làng Thọ Hạc, nên có tên gọi Hạc Thành.

Hạc Thành xây dựng theo kiểu Vaulan của Pháp: Chu vi khoảng hai nghìn sáu trăm mét, cao bốn mét. Bên ngoài có hào sâu bao quanh. Ban đầu thành được đắp bằng đất, đến năm 1829 (Minh mạng thứ 9), được xây bằng gạch và đá. Thành có bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. So với các thành được xây dựng cùng thời, thành Thọ Hạc là toà thành bề thế, uy nghiêm nhất (trừ thành Hà Nội).

Trong nội thành, được bố trí các cơ quan hành chính với các dinh thự: Dinh Tổng đốc, Bố chính, Án sát. Thành xây thêm Hành cung để nhà vua ngự khi có dịp về thăm quê hoặc tuần du ở các tỉnh phía Bắc.

Tổng đốc thành Thanh Hoá, vốn người thuộc dòng dõi tôn thất, được vua tin cậy. Mỗi dinh trong nội thành theo dõi các việc cụ thể. Dinh Bố chính coi việc hộ (dân đinh, điền thổ, sưu thuế). Dinh Án sát coi việc hình (xét xử kiện cáo), Dinh Đốc học (coi việc học), Dinh Lãnh binh (coi việc binh).
Với việc xây thành, chuyển trấn lỵ mới cùng với việc xây dựng các công trình khác, một trung tâm hành chính mới đã được hình thành ở Thanh Hoá. Tuy nhiên, ban đầu mới chỉ là trụ sở bộ máy hành chính cấp tỉnh. Bao quanh khu vực thành Thanh Hoá là các làng quê nông nghiệp cổ truyền và các làng nghề thủ công truyền thống.

*Thành Hạc - thị xã Thanh Hoá - thành phố Thanh Hoá
Sau khi xây dựng thành Thanh Hoá và các dinh thự, đặt bộ máy hành chính, triều Nguyễn đã cho xây dựng hàng loạt các công trình nhằm hoàn tất một tỉnh lỵ mới theo quan điểm phong kiến; tiêu biểu là các công trình: Miếu thời Thành hoàng, Văn miếu, Đàn Xã tắc, Đàn Tiên nông .v.v…

Công việc đầu tiên của triều Nguyễn là khẩn trương xây dựng miếu thờ các vua Lê ở phía Nam thành Thanh Hoá. Năm Gia Long thứ 4 (1805), triều Nguyễn đã cho xây dựng miếu nhà Lê ở thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ. Do yêu cầu khẩn trương xây dựng, nên triều Nguyễn đã cho tháo dỡ một số công trình kiến trúc ở Thăng Long và ở huyện Thụy Nguyên về xây dựng miếu nhà Lê “Đại Nam Nhất Thông Chí” cho biết: “Miếu các vua Lê: Trước gọi là điện Hoàng Đức ở thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, nguyên trước miếu ở Thăng Long và Thụy Nguyên, năm Gia Long thứ 4 mới dời về đây” (3).

Năm 1805, Văn miếu được xây dựng ở xã Đông Sơn, bên bờ sông Mã; đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Đàn Xã tắc được xây dựng ở làng Thọ Hạc.
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) Đàn Xuyên Sơn được xây dựng ở Tây Nam tỉnh thành.
Năm Minh Mạng thứ 15 (1825) Đến Tiên Nông được xây dựng ở Đông Nam tỉnh thành thuộc đất Bố Vệ.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), các công trình như: Miếu Thành Hoàng được xây dựng ở phía đông của tỉnh thành, miếu Hội đồng cũng được xây dựng ở phía Nam tỉnh thành.
Năm Tự Đức thứ 4 (1850) Trường Thi Hương được dựng tại làng Thọ Hạc.

Như vậy là trong nửa đầu thế kỷ XIX, một loạt các công trình phục vụ việc truyến bá trí thức hệ phong kiến… được xây dựng ở trấn lỵ Thanh Hoá mới. Việc hoàn chỉnh các công trình này, đã làm cho tỉnh lỵ Thanh Hoá mang đặc trưng của một đô thị phong kiến. Cùng với các hệ thống đền miếu của các làng Thọ Hạc, Mật Sơn, Phù Cốc như: Chùa Đại Bi, chùa Thanh Lương, chùa Thanh Thọ, Võ Miếu, đình làng .v.v… các di tích này đã tạo cho thành Thanh Hoá một diện mạo mới.

Thành Thanh Hoá được xây dựng khang trang bề thế, tỉnh lỵ Thanh Hoá được xây dựng mới; Nhưng trấn lỵ mới của Thanh Hoá vẫn chưa thể trở thành một trung tâm kinh tế, mà chỉ là một trung tâm hành chính của tỉnh. Tuy nhiên sự phát triển của tỉnh lỵ mới, cũng có tác dụng kích thích sự phát triển về mặt kinh tế ở khu vực này. Trên cơ sở những làng nghề thủ công, những điểm buôn bán trên bến dưới thuyền thuận lợi, đã dần dần hình thành ở đây một khu vực phát triển kinh tế, có tình chất trung tâm của tỉnh. Từ sự phát triển đó, trung tâm hành chính tỉnh lỵ Thanh Hoá phát triển thành thị xã Thanh Hoá.

Ngày 12 tháng 7 năm 1899, vua Thành Thái ký đạo dụ thành lập thị xã Thanh Hoá. Thị xã Thanh Hoá lúc này bao gồm bảy làng là: Thọ Hạc, Đông Phố, Nam phố (thuộc tổng Thọ Hạc), Đức Thọ Vạn, Cẩm Bảo Nội, Phủ Cốc, Cốc Hạ (thuộc tổng Bố Đức).

Năm 1918, thành lập 10 phường thuộc thị xã Thanh Hoá là: Phường Tả Môn (cửa Tả), phường Bắc Môn (cửa Hậu), phường Nam Môn (cửa Tiền), phường Đông Lạc, phường Thành Thi, phường Nam Lý, phường Phủ Cốc, phường Văn Trường, phường Bào Giang, phường Đức Thọ (4). Từ đây, thị xã Thanh Hoá bắt đầu một giai đoạn phát triển mới.

Sau khi thị xã Thanh Hoá ra đời, do yêu cầu phát triển mới, thị xã ngày một mở rộng, kinh tế có điều kiện phát triển. Trong điều kiện những năm cuối thế kỷ XIX, nền kinh tế của cả nước đã có sự phát triển hơn trước về mọi mặt; Trong xu thế đó, thị xã Thanh Hoá đã tiếp tục phát triển, mở rộng.

Từ yêu cầu phát triển của thị xã Thanh Hoá, ngày 31/5/1929 toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hoá lên Thành phố Thanh Hoá (5).

Sau khi trở thành thành phố Thanh Hoá, địa giới thành phố được điều chỉnh theo hướng mở rộng về phía Đông: Phía Bắc giáp làng Thọ Hạc; Phía Nam giáp làng Mật Sơn; Phía Đông giáp sông Bến Ngự; Phía Tây giáp phủ Đông Sơn. Từ ngày 01/01/1930 thành phố Thanh Hoá chia thành sáu phường: Phường Đệ Nhất, phường Đệ Nhị, phường Đệ Tam, phường Đệ Tứ, phường Đệ Ngũ, phường Đệ Lục (5) .

Với cách điều chỉnh địa giới và cấu trúc, lúc thành thành phố Thanh Hoá đã mang dáng dấp của một thành phố mới.
Như vậy từ khi triều Nguyễn được thiết lập cho đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất, trấn lỵ Thanh Hoá mới đã hình thành. Từ chỗ chỉ là một trung tâm hành chính cấp tỉnh, đã trở thành một thị xã và nhanh chóng được nâng cấp lên thành phố.

Từ sự ra đời, phát triển của trấn lỵ Thanh Hoá mới dưới triều Nguyễn có thể rút ra một số nhận xét:
- Cùng với việc điều chỉnh địa giới, ổn định đơn vị hành chính các cấp, việc xây dựng trấn lỵ mới Thanh Hoá với quy mô lớn, khang trang cho thấy triều Nguyễn đã chú ý đến việc quản lý hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở.
- Việc chuyển dịch vị trí trấn lỵ Thanh Hoá từ nơi hiểm yếu, nặng về phòng thủ đến nơi thuận lợi về giao thông có đủ điều kiện cho việc phát triển lâu dài đã cho thấy có sự thay đổi về cách nhìn của triều Nguyễn về vấn đề này.
- Cấu trúc của trấn lỵ Thanh Hoá mang dáng dấp của đô thị Việt Nam thời kỳ cận đại. Yếu tố “thành” là chủ yếu, yếu tố “thị” bị lấn át bởi nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông, vì vậy trấn lỵ Thanh Hoá là một trung tâm hành chính cấp tỉnh hơn là một trung tâm kinh tế - thương mại.
- Sự phát triển của đô thị mới Thanh Hoá : Trấn lỵ - thị xã - thành phố đã mở ra khả năng phát triển của thành phố Thanh Hoá; Tuy nhiên do những điều kiện của một nền kinh tế nông nghiệp: “Trong nông, ức thương” của triều Nguyễn, nên thành phố Thanh Hoá vẫn ở trong tình trạng một thị xã nông nghiệp, một trung tâm thương mại. Thực tế lịch sử này là một bài học để phát triển thành phố trong thời kỳ đô thị hoá - công nghiệp hoá đất nước./.
                                                                                                                                                                                                                  Mạnh Hà
Chú thích:
(1) Địa chí Thanh Hoá NXB VHTT, năm 2002.
(2) (3) Đại Nam Nhất Thống Chí. Tập 2. NXB Thuận Hoá - Huế 1992.
(4) Đinh Xuân Lâm - Lê Đức Nghi, Thành phố Thanh Hoá, NXB Thanh Hoá, 1990.
(5) Đến ngày 1/5/1994 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam có Quyết định thành lập thành phố Thanh Hoá.

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com