Vào thời vua Lê đứng lên đánh quân Minh, bản Bo thuộc Mường Muần, ruộng lắm, người đông. Nghe danh, tạo Mường Vìn Mường Cham đứng lên đánh giặc, người dân các bản Thái ở đây đã mến mộ vua Lê, nhưng chưa ai biết mặt. Một hôm, vào giữa tháng tư âm lịch, mùa cày ruộng, một anh nông dân họ Hà (Kha Quan - Hà Văn), đang cày ruộng giữa cánh đồng, nơi có một cái gò, có con đường nhỏ, khách thường hay qua lại, bỗng gặp ba người lạ tự xưng là lái buôn, ghé vào lều ruộng, xin nghỉ trưa. Anh nông dân vốn hiếu khách, liền mời họ vào lều nghỉ tạm. Hiềm nỗi, đến bữa rồi mà anh chỉ có một ép xôi nếp, một bát canh uôi nấu lẫn măng giang với thịt gà, cả chủ và khách là bốn người, làm sao cho đủ bữa. Đang băn khoăn, bỗng thấy con chó thân thiết nhất theo anh đi cày từ sáng sớm đang quấn quýt quanh chủ, anh chần chừ một lúc, đọc lời khấn trời đất và xin linh hồn con chó tha thứ cho, rồi rút đoạn cạp cày vung lên đập đầu con chó chết ngay tại chỗ. Ở giữa cánh đồng, không có nồi niêu, đồ nấu, anh đành đốt đống lửa hồng để thui lông, nướng thịt. Khi dọn ra ăn, cả chủ và khách đều ngồi ăn rất vui vẻ, ngon lành. Người đứng đầu tốp lái buôn có tướng mạo cao thượng vừa hỏi thăm dân tình, dò xem thái độ của bà con đối với nghĩa quân của tạo Mường Cham thế nào. Anh nông dân thật thà bộc bạch, nói hết ruột gan của mình và bà con dân bản, căm ghét giặc, đang mong vua Lê về đánh giặc. Người lái buôn nói: “Vua Lê đang còn phải đi các nơi, rủ thêm các tạo, các Mường cùng nhau đánh giặc, chỉ mong khi vua về đến đây thì được bà con giúp sức”. Ăn xong bữa trưa, tốp lái buôn chuẩn bị lên đường, người dẫn đầu có tướng mạo cao thượng nói với anh nông dân rằng:
Bữa cơm hôm nay rất ngon lành, và ngọt ngào tình nghĩa, rất đáng ghi nhớ. Nếu sau này tôi làm nên nghiệp lớn, bà con nhớ đến tôi thì hãy thờ cúng bằng các thứ tôi được ăn hôm nay.
Anh nông dân ngờ ngợ mình đã gặp được quý nhân, trong lòng rất cảm kích, tiễn đưa khách lên đường đi tiếp về phía Quan Da. Về nhà, anh kể lại chuyện cho mọi người trong bản nghe. Nhiều người đoán, vị khách hôm nay có thể là vua Lê đã cải trang làm lái buôn để che mắt giặc, mong sao được gặp lại một lần.
Quả nhiên, dự đoán không sai. Một thời gian sau, Lê Lợi chạy giặc từ phía Bù Dinh hướng về Mường Muần. Khi qua khỏi con đèo, cửa ải vào Mường, nhận ra vùng đất đã từng quen biết, vua mới thốt lên: “Sống rồi, sống rồi!”. Từ đó con đèo có tên là Kẹm Hanh, nghĩa là Đèo Sống. Nhà vua được dân Mường cưu mang, chăm sóc. Quân tản mát các nơi cũng tìm về hội tụ lực lượng, mang theo cả voi chiến, ngựa chiến. Anh nông dân bản Bo đi cày năm trước nhận ra chủ soái của nghĩa quân chính là người lái buôn đã từng gặp nhau ở lều ruộng, cùng ăn thịt chó thui hỏi chuyện bản Mường. Dân Mường vui mừng đón tiếp nghĩa quân như người thân trở về nhà, gom góp gạo thịt nuôi quân, chăn dắt voi, ngựa giúp vua. Quân giặc thường cho chó ngao đi lùng sục, tìm dấu vết nghĩa quân. Dân Mường đã vận dụng kinh nghiệm đánh bẫy thú rừng nhử chó sa xuống, đầm lầy mắc bùn ở trong bùn tại Pung Ma Háng và bị hất xuống sông Lò nước chảy xiết ở Ma Pát. Sau một thời gian dưỡng sức, nghĩa quân chuyển sang đánh giặc ở Quan Da. Không may, con voi của nhà vua bị mắc kẹt ở suối Chạng Ca. Dân bản Bo hiến kế, bỏ con đường cũ, đi chéo trở lại, theo con suối ngược lên đỉnh núi Lai Láng. Con suối ấy mới có tên là suối Kéo Léo (bây giờ gọi trệch thành Kếu Lếu). Lên đến đỉnh, nơi có gốc cây Chu Đá, trên tầm cao vời vợi, phong cảnh rộng rãi, khang trang, đẹp tuyệt vời, lại có cả mỏ nước trong vắt chảy ra, thật dễ sống. Từ đây có thể nhìn khắp bốn phương, nhìn xuống các bản Mường ở chân núi như nhìn xuống sân nhà. Nhà vua cho quân dừng lại, nghỉ ngơi, đồng thời quan sát địa hình, địa vật và theo dõi động tĩnh quân giặc đang đóng đồn ở Quan Da, bên kia chân núi. Nhìn rõ đường đi, lối lại và vị trí của quân địch đóng chốt, vua Lê quyết định bày lại trận địa, chia quân ra nhiều hướng, dùng quân mai phục, bí mật, bất ngờ, đánh từ trên núi đánh xuống. Trận ấy thắng to. Quân giặc chết hàng nhìn tên, máu đỏ cả dòng sông Mã.
Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, dân tình được hưởng phúc nước, lộc vua, Mường Muần ghi nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã dựng lên hai đền thờ tại nơi in đậm hình ảnh của vua để tế lễ hàng năm.
Đền thờ thứ nhất, đặt trên gò đất cao, giữa cánh đồng bản Bo, nơi có lều ruộng mà nhà vua đóng vai lái buôn nghỉ trưa, được ăn bữa cơm đặc biệt. Đền đó có tên gọi là Thiềng Xân Đon Ban. (Tiếng Thái, Thiềng Xân là nhà thờ thần - đền thờ; Đon Ban là gò ngọt ngào, nghĩa là ghi nhận một sự việc ngọt ngào, thơm thảo, tốt đẹp). Đồ lễ thờ vua tại nhà thần Đon Ban nhất thiết phải có ba thứ là: Một con chó thui chín, để nguyên cả con; một ép xôi nếp và một bát tô canh uôi nấu lẫn măng giang, thịt gà. Người sắm lễ phải thuộc dòng tộc Kha Quan bản Bo (dòng họ Hà Văn), là dòng dõi con cháu người đi cày tiếp vua năm xưa. Mỗi năm hai lần dân Mường thờ vua, vào tháng tư, mùa cày ruộng và ngày lễ hội Căm Mương từ ngày 20 đến 22 tháng Tám âm lịch. Lễ hội Căm Mương là một lễ hội lớn của Mường Kỷ, kết hợp thờ Thành hoàng Mường Kỷ với ngày quốc giỗ “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi.”
Đền thờ thứ hai, đặt trên đỉnh núi Lai Li Lai Láng, nơi Lê lợi dừng chân để quan sát đồn Quan Da. Đền thờ đặt trên một phiến đá nhô cao, mặt phẳng, rộng hơn một gian nhà, gần khối đá gốc cây Chu Đá. Từ khi có đền vua, núi Lai Li Lai Láng đổi tên thành Bù Đền, nghĩa là Núi Đền. Đền này mỗi năm thờ một lần vào dịp lễ hội Căm Mương vào ngày 22/8 âm lịch.
Chính quyền xã Kỳ Tân kết hợp với nhân dân bản Bo đã tiến hành khôi phục lại đền thờ Đon Ban và tổ chức thờ cúng hơn chục năm nay. Tuy nhiên, hình thức thiết kế và quy mô tổ chức chưa được như trước đây và chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử. Còn đền thờ trên đỉnh núi Bù Đền chưa được khôi phục lại, đang còn tự phát.
Thiết nghĩ, hai đền thờ này có ý nghĩa to lớn, góp phần khắc họa hình ảnh người anh hùng dân tộc Lê Lợi và chứng minh lòng yêu nước, tình đoàn kết dân tộc của nhân dân địa phương đã hình thành sâu đậm từ xưa đến nay. Do đó, các cấp, các ngành cần phải xác minh tư liệu, công nhận di tích lịch sử và tổ chức lễ hội truyền thống cho đúng tầm sự kiện./.
Tác giả: Hà Nam Ninh