NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Khặp của đồng bào Thái Thanh Hóa giàu giá trị nhân văn sâu sắc
02/04/2020 17:25
Đồng bào Thái cư trú và sinh sống từ lâu đời ở Thanh Hoá. Về dân số, hiện nay dân tộc Thái có 223.316 người, đứng thứ 3 toàn tỉnh và chiếm 35,6% trong số các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa. Đồng bào Thái có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Qua lao động sản xuất, quan hệ với tự nhiên và xã hội, các thế hệ người Thái trên đất tỉnh Thanh đã sáng tạo và trao truyền nhiều loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị phục vụ cuốc sống.

Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Thái xứ Thanh còn lưu giữ và thực hành khá phong phú, độc đáo với nhiều thể loại đã tạo nên sức hấp dẫn, thể hiện qua truyền thuyết, chuyện kể, truyện thơ dân gian, hệ thống tín ngưỡng đa dạng, lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp… Trong số các di sản văn hoá kết tinh thành giá trị ấy thì Khặp Thái là một trong số những loại hình đặc sắc.

 Khặp Thái là một loại hình văn nghệ dân gian, bắt nguồn từ ca dao, các thể thơ, truyện thơ… được dân gian sáng tác, truyền miệng từ đời này qua đời khác, kết hợp giữa lời ca, điệu thức và không gian trữ tình ở chính nơi được diễn xướng, mang dấu ấn riêng của mỗi vùng miền như: Mường Ca Da, Mường Trịnh Vạn…(Thái Trắng); Mường Yên Khương,  Yên Thắng, Yên Nhân…(Thái Đen); với những nét đặc thù của địa bàn cư trú, sinh hoạt, tập quán, phong tục... ảnh hưởng sâu sắc và chi phối hành động, ứng xử trong cuộc sống của mỗi con người đối với môi trường và xã hội.   .  

Trong số những bài Khặp dân tộc Thái ở Thanh Hóa thì những bài hát đằm thắm nghĩa tình, hàm chứa tính nhân văn chiếm số lượng lớn.

Khặp của đồng bào Thái tỉnh Thanh thường mở đầu lời hát “yêu đu năm ne... lá noọng ời...”, “Thương thiết thương nồng”... được cả nam và nữ, họ là trai thanh gái lịch và cả những người tóc bạc, da mồi cùng hát.

Khặp Thái Thanh Hóa phản ánh muôn mặt của cuộc sống, giàu giai điệu, êm ái, chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm sâu lắng, thiết tha. Khặp không chỉ là tiếng lòng, là lời tâm sự, xẻ chia, trải lòng của người hát và đối tượng mà họ hướng tới, qua đó còn thể hiện sự nhận thức, các mối quan hệ và ứng xử của đồng bào trong cuộc sống đối với tự nhiên và xã hội, chứa đựng tình cảm yêu thương đằm thắm, giàu nghĩa nhân văn giữa cá nhân với cả cộng đồng: Thương thiết thương nồng/Nhìn lên rừng, thấy rừng lắm củi/Ước cùng em hái củi về nhà/Nhìn lên rừng, thấy rừng lắm gỗ/Ước đóng cửi cho em xe tơ/Anh muốn đón em, để nên chồng vợ/…Về cùng anh cấy con ruộng trên/Anh đánh trâu cày làm mùa ruộng dưới... và lắng đọng những nét tinh tế của tình cảm lứa đôi, gắn với tình yêu lao động: Em phát rừng trồng bông để anh làm với/Em phát ruộng trồng dâu để anh rào cho…

Ngay trong nghi lễ cưới hỏi của người Thái, những lời đối đáp ân tình, mộc mạc của hai họ cũng mang đầy nghĩa cử nhân văn: Nhà trai xin được rước con nhà ông bà về nhà tôi giã gạo/Nhà tôi chày nặng đã có chị giã em nâng/Ngày lại ngày ngắt rau nuôi vịt/Ngắt lá dâu cho tằm ăn chóng lớn nhả tơ/Dệt áo đẹp, khăn thêu nên người khéo đảm/Khe mộng tới nhà đón hỏi, chào thưa…

Trong quan hệ, ứng xử ở cuộc đời, nghĩa tình chồng vợ thủy chung và hạnh phúc gia đình phải biết cảm thông và chia sẻ: Nước trào sôi có lúc nguội lại lành/Vợ chồng thành duyên từ lúc trên trời/Đần độn, điếc, đen cũng phải trọn đời hết kiếp/Phải dựa nhau vững như núi đá/Không phải loài rắn thay xác đổi da/Làm vợ chồng không thể thay đi đổi lại…

Dẫu cuộc đời còn nhiều trái ngang, trắc trở không nên duyên chồng vợ, nhưng vẫn không cản được tình yêu chân chính và mãnh liệt, rồi họ cùng nhau hẹn ước để mãi mãi thuộc về nhau: Hẹn không được đời này thì đời cháu ta yêu/Khi tóc ngắn không thành thì tóc dài ta lại yêu/Tuổi xuân qua thì tuổi già cùng nhau ta hẹn/Chờ đến kiếp sau khi anh và em khuất núi/Chúng mình sẽ lại yêu nhau.

Thông qua lời hát, người nghe rút ra những bài học sâu sắc về cuộc sống và ứng xử nhân văn trong mối quan hệ giữa mỗi cá nhân và gắn kết mỗi con người với cả cộng đồng: Sống chung vui, hòa nhập cộng đồng/Sống có anh em, chung một cội cành/Khi khách đến có cau trầu bày đĩa/Sắp sẵn cơm xôi, mời uống rượu cần.../Khi anh em ta đi ra cũng vậy/Đến thăm nhau chào hỏi thiết tha.

Lời Khặp dạy lẽ sống và đạo lý ở đời: Khách đến nhà phải biết chào mời/Khách đến chơi phải có lời thăm hỏi/Thăm hỏi từ gia thế đến ruộng nương/…Đừng để khách đến nhà không chào, không hỏi/Nói điều không hay lửa cháy mất nhà…

Quý khách và kính trọng khách là nét đẹp luôn thường trực trong lòng mỗi người con dân tộc Thái. Qua lời Khặp, thấy hiện lên tình cảm chứa chan biết mấy ân tình, giàu lòng hiếu khách của đồng bào Thái  nơi miền Tây xứ Thanh: Ngài đến sáng nay hay đến đầu hôm/Đến đầu hôm tôi có lời chào/Đến sáng mai tôi có lời thăm hỏi/Xin hỏi thăm cha mẹ nhà ngài/Già mường ngài có còn khỏe không ?/Sông suối mường ngài có nhiều cá, ruộng ?/Lúa mường ngài có tốt hay không ?... Hội xên Mường có tưng bừng, náo nhiệt ?/Tiếng luống khua có rộn rã cầu mùa ?/Gái bản, trai mường có giỏi đẹp như xưa ?/ Trên sông Mã có nhiều thuyền chài lưới ?

Quý trọng khách còn thể hiện ở tấm lòng nồng ấm, luôn rộng mở và cùng nhau chia sẻ ngọt bùi: Em vào bản Hang buổi sớm mời ăn cơm trưa/Em vào bản Hang buổi trưa trưa mời uống chén nước/Em vào bản Hang chiều đến mời uống rượu cần/Em vào bản Hang buổi tối mời ngủ thăm nhà…

Khặp bên chĩnh rượu cần không chỉ là thưởng thức vị ngọt say của rượu mà hơn thế nữa là cảm nhận tình người nồng thắm. Mời khách uống rượu còn là lời dặn dò, nhắn gửi thông điệp và đạo lý sống trên đời phải biết kính trọng, qúy thương nhau như anh em ruột thịt, người trong bản ngoài Mường lấy nghĩa tình làm trọng:… Khách quý đến nhà tôi mới mở/Mến khách quý yêu tôi mới mời/… Rượu nhà tôi ngọt hơn mật ngọt/ Rượu nhà tôi nước suối ban mai/… Mời ngài uống vì tình vì nghĩa/Nếu có say thì cũng vì nhau…

Đặc biệt, tình cảm gắn bó giữa con người trong bản ngoài mường luôn được người Thái trân trọng, nâng niu. Tình gắn bó xẻ chia ấy biểu hiện qua quan hệ giao tiếp, ứng xử, phải trân trọng và tôn kính người già, thông gia, bạn hữu và  cả người thân: Không được nói nhục người già, họ tủi thân muốn chết/Không nói gần xa - bà ngoại bỏ về/Không đặt lời nặng nề khi đang ăn cơm/Không mắng chửi con vừa ăn cơm vừa chảy nước mắt/Không dạy bằng roi vọt lúc con đi nằm/Vết thương do dao, do rìu còn có thuốc chữa/Vết thương trong lòng hết cách vô phường.

Khặp là những lời ca nồng thắm, lời hát  dịu êm, trong sáng, trữ trình, phản ánh điệu tâm hồn của đồng bào Thái và của người mẹ trẻ có trái tim nồng ấm với đứa con yêu: “Ngủ đi út ơi, ngủ ngon yêu à/Con mẹ yêu, ngủ im như thóc/Con mẹ thương, chân thẳng như đũa/Mẹ thương nhiều lắm đấy, con yêu.”

Với Khặp, người nghe hát không chỉ mê say, lắng đọng tâm hồn bởi lời ca, giai điệu trữ tình đong đầy cảm xúc, mà sâu xa hơn, lời khặp đó là chắt lọc và đúc kết  kinh  nghiệm cuộc đời, là thông điệp khiến người nghe suy tư, chiêm nghiệm về lẽ sống, đạo lý, là sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau qua lời dặn dò cháu con của người trước khi đi lên Mường Trời dặn lại: Ăn cơm sáng các con phải để canh/Ăn cơm chiều phải để dành thịt cá/Để canh còn phòng anh em về với/Để có khi con cháu tới thăm/Cháu út cháu yêu về thăm về ngó…

Bắt gặp trong những lời ca nồng nàn, đằm thắm là đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính trên nhường dưới, tôn trọng cái đẹp, cái tốt, ghét cái xấu, lòng thương yêu và bao dung rộng lớn: Mặt trời lặn rồi mặt trời lại mọc/Bố ra đi không trở lại bao giờ/Phải nói lời chia tay vĩnh biệt/Dặn dò con điều ăn ở làm người/Con ở lại muốn nhà cao cửa rộng/Phải có tấm lòng thương mến bao dung/Công việc làm ăn chồng vợ thuận lòng/Nghĩa tình ở ăn anh em đồng ý.

Khặp dân tộc Thái gắn bó như máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh. Khặp Thái với những triết lý về cuộc sống, thông điệp về đạo lý và thấm đẫm tính nhân văn đã góp phần xây dựng nhân cách, nghị lực, lòng bao dung và đạo lý làm người của các thế hệ người Thái xưa cũng như nay để chung sức, đồng lòng làm cho bản mường, đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp. Trải qua thời gian, Khặp có phần đã rơi rụng, song không vì thế mà lời Khặp lặng tắt, trái lại Khặp Thái vẫn có sức sống mãnh liệt tựa như dòng suối ngầm, ngấm vào mạch đất, thấm vào lòng người dâng cho đời dòng nước tinh khiết, mát lành và là dòng sữa dân ca dạt dào tuôn chảy. Hãy gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa những giá trị nhân văn của Khặp Thái trong cuộc sống, không chỉ hôm qua, mà cho hôm nay và cả mai sau./.

Tác giả: HOÀNG MINH TƯỜNG

 

Các tin bài khác cùng chuyên mục:
TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com