Xường của người Mường nằm trong hệ thống dân ca của các dân tộc trên đất nước ta. Khi nói Xường, người ta thường nói liền Xường - Rang. Thực ra đây là hai thể loại dân ca với làn điệu khác nhau. Không ai hát Xường như hát Rang, nhưng cùng một câu dân ca có thể hát Xường hay hát Rang đều được. Điều này cũng như dân ca Việt (Kinh) một câu dân ca có thể hát trống quân cũng được hay hát ghẹo, xoan, đúm đều được.
Hôm qua anh mất cành sòi
Hôm nay anh bắt được người áo thâm...
Xường lại có hai loại: Xường giao duyên hay là nói theo người Mường gọi là Xường gốc, Xường Cân hoặc nữa là người còn gọi là Xường trai gái. Và một loại Xường khác gọi là Xường tự do. Loại Xường này thiên về độc ca. Khi cần giải tỏa nỗi lòng, nhớ, thương, oán thán.
Công anh công uổng công hoài
Công anh đắp bai cho người ăn cá
Công anh làm ná cho người ăn chim
Nhưng khi nói đến Xường phải nói Xường giao duyên. Loại Xường này như trên đã nói nó là loại dân ca giao duyên. Đó là liên khúc hát trao đổi tình cảm lứa đôi của người con trai và con gái. Ca khúc hát giao duyên này diễn ra quanh năm. Nơi diễn ra các khúc giao duyên Xường có khác với hát Khặp của người Thái chủ yếu là trên sàn khuống. Hát si, lượn của trai gái Tày Nùng diễn ra bên bờ suối, ven các cánh rừng, bờ ruộng và sau lễ hội lùng tùng. Với hát Quan họ Bắc Ninh chủ yếu diễn ra ở bến nước, gốc đa, sân đình. Còn hát Xường giao duyên diễn ra trên nhà dàn trong đêm có bếp lửa hồng. Đêm Xường diễn ra thường là nhà chủ áng Xường có khách con gái ở làng xa đến chơi và người con gái này bằng lòng hát Xường. Khi ấy con trai làng, cơm tối xong rủ nhau đến hát Xường. Người con gái xa lạ, ngồi ở trong buồng có vách nứa kín, con trai ở gian ngoài, họ cử người đẹp trai giỏi nhớ, giỏi biến báo linh hoạt để hát trong đêm nay. Cuộc hát Xường thực ra là cuộc diễn xướng đối đáp thơ. Bởi những câu Xường giao duyên là lời yêu của người con trai con gái chưa có gia đình riêng. Áng Xường rõ ra là một nếp sinh hoạt văn hóa của người Mường xưa vốn ít khi họp mặt đông vui. Ngoài thanh niên còn có người trung niên và một số người già đến nghe. Cuộc Xường bao giờ cũng làm sống lại những gì tươi trẻ, rộn niềm vui.
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết được trên đất nước ta có cuộc hát giao duyên nào có cung bậc, có căn cốt không? Xường giao duyên Mường ngoài những tình cảm lành mạnh, thấm đẫm tình yêu thương, trân trọng tình yêu đôi lứa... đặc điểm lớn nhất của loại Xường vùng là khi hát có cung có bậc. Đây là một sự sáng tạo đáng nể của người xưa. Hát xường giao duyên phải qua hết cung mới được lên bậc trong cung lại có ít ra là 10 bước hay 10 đoạn. Ở cung người ta gọi là Xường lượn áng. Ở Xường lượn áng này ta thấy mở đầu bên nam phải hát Xường chào hỏi một cách tế nhị. Sau khi chào hỏi, bên nam cũng mời khách “Hát Xường cho vui áng, hát xường cho rạng đêm” Đến đây nữ chưa được lên tiếng, nam lại phải hát nàu, nài không thì thích”:
Có cồng vui sao e không gióng
Không gióng nhiều cũng gióng ít
Dẫu có tiếc, có sẻn cũng gióng vài hồi
Thử xem âm than còn tươi hay đà mất tiếng
Đến lúc này nữ phải hát lên. Với lời khiêm tốn nhún nhường xin phép gia đình, chúa làng để được “hầu xướng” “Em từ nhà cha mẹ đến nơi ni/Bảo em hát thì là điều không có” và người con gái cũng hát.
Xường em chưa hay xin em đừng chấp
Vần vè còn lập chập xin anh chớ cười.
Sau khi có vài lời như vậy, bên nữ vào Xường: Đánh thức Xường (dần xướng), khen đất khen Mường, vó nước đẹp mát mẻ, rồi khen đồng lúa (vôi khoong vò pheo, vôi cơm vò rá). Đến đây bên nam cảm ơn những lời khen nhưng đâu dám nhận. Tiến đến hai bên còn hát đối đáp về bước trồng bông, trồng kè và cuối cùng của cung “lượng áng” là sang bước “phát đường” để nên “đường em đi đường anh lại” và bắc cầu, qua cầu để rồi tình yêu rộng đường và có cầu nối nhịp:
Không biết cầu nào em đi
Để anh trồng cây si rợp bóng
Vó nước nào em uống
Để anh cuốn lá làm gầu
Cầu nào em sang
Để anh trồng cau nang đứng đợi
Khi hát đối đáp hết cung “lượng áng” thì nam muốn hát lên bậc. Nhưng nếu là người con gái hát giỏi có giá thì đâu dễ gì vào hát lên bậc ngay và còn giam bậc khá lâu để thử bên nam có cách gì để buộc nữ phải hát lên bậc. Bởi lên bậc đó là bậc tình yêu, nữ đã muốn nhưng “lòng còn e” xưa nay là thế. Còn ở “cung dưới chỉ mới là “lượn áng” chơi bời. Xường đi vào bậc thì đã là khác trước.
Cung Xường đã có căn có cốt
Như cây kè đơm hoa đẹp đốt
Như vốn xanh dây
Ta đã tìm đặt câu đẹp, lời hay
Để đêm nay ta lên chơi Xường bậc
Xường giao duyên có bao nhiêu bậc? có một số nhà nghiên cứu cho rằng có 12 bậc. Thật ra con số 12 này có phải là con số học tuyệt đối không? Thường các con số trong Folklor như số 3,9,12,18 và 36 chỉ là con số nhiều. Người ta thường nói: 36 chước, 12 bến nước... Mười hai bậc của Xường giao duyên có một số bậc mang tên như cu nhu cơp nhơp (gom góp) nhưng có một số bậc mà phát âm theo người Mường không dễ dịch được. Có điều dễ thấy là các bậc này đều là tiếng tượng hình theo chiều cao vút đi lên như zằng zắng, poong soong poỏt soỏt... Các từ này diễn tả các bậc của Xường nhưng cũng là diễn tả 12 bậc của tình yêu. Đáng chú ý là trong mỗi bậc Xường lại có xen vào những đoạn làm cho bậc dài và đẹp hơn mà người Mường gọi là cái wa (gài hoa). Xa hơn nữa không chỉ là hình tượng gài hoa mà còn đưa âm thanh vào làm các bậc sinh động như “Pẳt siềng chim” (theo tiếng chim) hoặc “Pắt siềng vee” (theo tiếng ve). Như vậy trong các bậc của Xường có khối hình, âm thanh
Như vậy, đặc điểm của Xường giao duyên là có cung có bậc. Khi hát đối đáp đôi trai gái phải men theo. Nhưng như thế không có nghĩa là làm hạn chế sự sáng tạo. Trái lại đất sáng tạo của Xường khá rộng
Khi đôi trai gái hát hết bậc cuối “tèn tén” là họ đã tri âm với nhau lắm rồi và chỉ còn là đắm đuối. Hát Xường giao duyên có khác với hát quan họ. Ở đó “liền anh liền chị” hát với nhau dẫn đắm đuối nhưng phải nuốt nước mắt mà từ biệt nhau, không được lấy nhau. Thành ra ở đó “anh”, “em” yêu nhau vẫn mang tính đóng kịch sân khấu. Vì xong hát thì lại trở về rồi “đến hẹn lại lên”. Còn nam nữ hát Xường giao duyên là họ hát thật và yêu thật. Đôi nào đắm ay nhau họ có thể lấy nhau “Ta yêu nên cửa ta thương nên nhà”.
Xường giao duyên là một sự sáng tạo của người xưa. Hát Xường giao duyên là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Lời, câu Xường giao duyên rất đẹp trong sáng, ở đó tiếng Mường có bước phát triển, lời của Xường là những áng thơ dân gian lóng lánh. Từ lâu, Xường gắn với đời sống người Mường vì nó giàu chất yêu thương, nó cho con người biết sống và biết yêu đậm chất nhân văn. Có lẽ vì thế Xường giao duyên được xếp là loại Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với danh hiệu đó chắc chắn sẽ được giữ gìn và phát huy tốt hơn./.
Cao Sơn Hải