Nằm bên bờ sông Mã, có núi Lê đổ bóng và che chở cho làng, khi xưa Cẩm Hoàng là miền đất của giao thương buôn bán từ xuôi lên ngược và từ ngược về xuôi bên dòng Mã Giang lắm thác nhiều ghềnh và khi về đến miền đất Tây Đô, dòng sông ấy bỗng trở nên êm đềm cho những con thuyền tấp nập cập bến. Chính nơi đây đã từng xuất hiện một loại chợ - chợ văn hoá - chợ tình duyên làm đắm say lòng người qua nhiều thế hệ, đó là chợ Quan Hoàng - chợ tình mà Nàng Nga mở hội kén chồng để rồi kết duyên cùng Hai Mối làm nên bản tình ca đẹp. “Chuyện Nàng Nga - Hai Mối” một thiên tình sử thấm đẫm tình người và ngân mãi trong lòng mỗi người dân tỉnh Thanh.
Làng Cẩm Hoàng có tục Kết Chạ với làng Tây Giai (Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc), làng Vân Trai (Cẩm Thủy) và cũng vì lẽ đó mà người Mường Đủ (Án Đổ, Thạch Bình, Thạch Thành) quê hương của Nàng Nga đã Kết Chạ với Cẩm Hoàng (Vĩnh Lộc) nơi Nàng Nga mở chợ. Quan Hoàng - chợ tình duyên xốn sang lòng nam thanh gái lịch dắt díu nhau về chợ, họ gặp nhau thắp lửa tự trái tim mình và lòng tự dặn lòng về mối tình đẹp son sắt thuỷ chung của lứa đôi xưa. Bởi vậy mà mỗi lần thăm Chạ họ luôn thắp lửa trong nhau, dẫu cho: Đường đi lau lách phất phơ/ Tình thâm, nghĩa nặng bao giờ cho quên/ Không đi thì nhớ thì sầu/ Đi ra cách trở Giếng Lau, Eo Dần.
Những lúc làng Chạ đến cũng như lúc trở về đều được các làng Chạ khác đón tiếp và tiễn đưa nồng hậu và chu toàn. Tình cảm gắn bó anh em giữa hai làng Chạ đã được quan viên của cả hai làng gửi gắm trong những vần thơ son sắc: Cánh hoa vàng, nhị hoa vàng/ Án Đổ lân lý, Cẩm Hoàng vạn niên.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, làng Cẩm Hoàng lại tổ chức lễ hội Kỳ Phúc, đây là dịp mừng đón các làng Chạ “nhớ hẹn lại về” bắt đầu phần lễ là đoàn rước kiệu thờ tưng bừng màu sắc, rộn ràng trống chiêng trên khắp đường làng. Lễ vật dâng cúng, tổ chức cỗ thi, cỗ chay với các loại bánh là sản phẩm nông nghiệp. Cỗ được dâng lên Thành Hoàng là những mâm cỗ sang trọng, ngon và đẹp nhất. Mâm cỗ nào được giải thì họ tin rằng sẽ được Thần ban cho nhiều ân phúc. Sau đó cỗ được bày ra để thết đãi các làng Chạ và mời mọi người cùng thụ lộc.
Trong ngày hội Kỳ Phúc, các làng Chạ hân hoan gặp nhau, ôn lại kỷ niệm khó phai, chúc nhau những điều tốt đẹp và hát đối đáp, ngợi ca làng thôn yêu dấu. Mừng quý chạ Cẩm Hoàng, nam thanh, nữ tú làng Tây Giai hát: Nay mừng quý Chạ Cẩm Hoàng/ Khen thầy địa lý tạ đàng ra sông/ Dưới thời sông, trên thời bãi cát/ Đường vào làng đá lát vân vi/ Đầu làng có hai con trì/ Bên thì thả cá, bên thì trồng sen…
Đáp lại sự mến mộ của Tây Giai, chạ Cẩm Hoàng hát Chúc: Nay mừng quý Chạ Tây Giai/ Thị thành đô hội lại là Kinh đô/ Đất Kinh đô, đất Vua Hồ/ Đông Nam văn chỉ, đồng, hồ cũng xinh/ Bên chùa bên chợ phân minh/ Đôi bên đi lại thắm tình cả đôi/ Cẩm Hoàng đánh gỗ Thung Bô/ Tây Giai kéo đá qua hồ đưa lên/ Đưa lên cung phụng việc thờ/ Có đôi hương án phụng thờ khói nhang/ Thắm tình đậm nghĩa cao sang/ Ghi sâu tâm khảm dạ vàng sắc son.
Trong những ngày gặp Chạ, cũng là ngày húy kỵ của Thành Hoàng làng, nhiều trò diễn như diễn xướng chèo Chải của làng Cẩm Hoàng với hệ thống trò diễn liên hoàn, mang đậm yếu tố văn hoá cung đình gắn với các triều đại Trần - Hồ và Hậu Lê được trình diễn dâng lên các vị thần linh và làm vui lòng quý Chạ với các màn hát múa: Giáo đầu, Bắt mái chèo Thầm, Bắt mái chèo Khoan, Bắt mái chèo Thờ, hát Hà thanh, hát Mừng công đức Thánh… mà từ lễ tiết, lời ca, điệu múa uyển chuyển nhịp nhàng mang đậm dấu ấn trò diễn vùng sông Mã và nghi lễ cung đình: Hôm nay ngày kỵ đền ta/ Đức Thánh đền Đún cả ba tổng thờ/ Nối liền đền Đún Thành Hồ/ Cái Hoa đường cũ, không mờ dấu xưa.
Đặc biệt hát múa chèo Chải diễn ra trong không gian thiêng tri ân tiền nhân đã có công khai phá dựng xây nên xóm làng yên vui, trù phú, 12 cô thôn nữ xinh tươi duyên dáng, yếm đào váy lãnh, tuổi độ trăng rằm, trên đầu đội đĩa đèn, tay cầm quạt, tay mang bai chèo thành thục trong điệu vũ: Chạy chữ, múa dầm chèo, múa quạt, múa cờ, chèo cạy, múa khăn, chống sào, múa đèn có lời ca và tiếng đàn phụ họa:… Hai tay cất lấy mái chèo/ Cất lên cho đều bái tạ Thánh vương/ Nay mừng Thánh đề tri trường/ Coi trong thiên hạ bốn phương dân lành/ Canh nông lạc nghiệp đua tranh/ Sĩ tử học hành, võ tập can qua/ Công thương tứ thú đưa ra/ Yêu thương trăm họ âu ca thái bình/ Là xinh,… xinh… xinh/ Chúng tôi xin chúc Thánh minh đời đời…
Những vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, lời ca lúc khoan lúc nhặt, như men rượu ngất ngây, có sức lay động tâm hồn, đưa người xem về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ người xưa, phản ánh tín ngưỡng cầu nước, cầu ánh sáng mặt trời, chống lụt… để cho lúa chín bông vàng, mùa màng ấm no, cuộc sống thanh bình.
Đáp lại sự thịnh tình của Cẩm Hoàng, các làng Chạ cũng mang đến và trình diễn nhiều làn điệu múa hát không kém phần đặc sắc như: Hát Đúm, hát Trống quân của làng Tây Giai, hát Xường, Đang của Án Đổ... diễn tả các cung bậc tình cảm của những người dân lao động gắn bó với ruộng đồng, núi sông, con người và cảnh vật nơi đây. Lời ca nồng nàn đắm say, rạo rực, điệu múa quyện với tiếng trống rộn ràng và những lời hát thiết tha, trầm ấm… làm cho lòng người về thăm làng Chạ phấn chấn, xốn sang.
Trải qua thời gian, mỹ tục Kết Chạ xưa ở Cẩm Hoàng và các làng Chạ có phần sao nhãng, nhưng trong tâm trí của những người cao tuổi nét đẹp đó không phai mờ, trái lại tình nghĩa keo sơn ấy như ánh lửa hồng luôn âm ỉ cháy. Kết Chạ nhằm đoàn kết, tập hợp mọi người vượt qua gian khó, chia sẻ nỗi buồn nhân lên niềm vui, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thắt chặt mối dây cộng cảm, cộng mệnh bền chặt giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cả cộng đồng... cần phải được tiếp tục gìn giữ, tiếp thêm những giá trị mới, không ngừng phát huy trong cuộc sống và xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Hoàng Minh Tường