Sự tích về nhà Phủ Mường Khoòng
Trong các bài mo, bài cúng, khi phải xưng danh, dòng họ Kha Khun (Hà Công) ở Mường Khoòng phải tự giới thiệu:
“Tôi đến từ vùng đất Thanh Hoa
Quê ông cha Mường Khoòng Nội phủ
Quê cũ chính thực ở đất Chiềng Thung…”
Người xưa còn gọi Mường Khoòng là Mường Luông hay Phủ Mường Khoòng. Mường Khoòng và nhà Phủ gắn liền với nhau như hình với bóng. Vậy nhà Phủ là gì? Đến thế hệ bây giờ chỉ còn các cụ già ở độ tuổi xưa nay hiếm mới nhớ được một phần các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng nhà Phủ. Nền đất có nơi thờ cúng gọi là nhà Phủ đang còn nằm trơ trọi bên cạnh đường liên xã, ở cuối bản Thung, giáp với bản Nang, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Tuy nhiên về nguồn gốc sâu xa thì chỉ còn rất ít người biết đến.
Theo lời kể của một số già bản ở Mường Khoòng và sách chữ Thái lưu giữ ở nhà ông Quan Kén, thuộc bản Eo Kén, xã Thành Sơn, cũng thuộc Mường Khoòng và lời cúng tế nhà Phủ do dòng họ Kha Đắm ở bản Đốc độc quyền lưu giữ thì sự tích nhà Phủ được kể như sau:
Vào một thời loạn lạc, ở Mường Khoòng xuất hiện một người phụ nữ mang thai chạy đến xin cứu vớt. Ông Mường Khoòng thuộc dòng họ Kha Khun thương hại, nhưng sợ bị lộ, không dám giữ lại ở vùng giữa Mường, liền chỉ lối cho vào trong vùng rừng sâu, núi cao, dễ khuất. Người phụ nữ lần mò đến bản Dôộc, một bản hẻo lánh, xung quanh chỉ toàn khỉ, vượn. Tiếng địa phương gọi con vượn là con Dôộc, bản Dôộc nghĩa là bản Vượn. Ông Quan Dôộc, là người có đức độ, hay thương người, đã đem người phụ nữ dấu vào trong một hang đá, hàng ngày mang cơm đến nuôi. Nghe nói có ông Liêm Quốc là người thông thái, đang ở Mường La, Quan Dôộc lặn lội lên tận Mường La hỏi dò về tung tích người phụ nữ đó. Ông Liêm Quốc nói rằng:
- Dạo này thấy sao Chiêm Vương chầu về phía Mường Khoòng, ứng với điềm sắp có vua chúa ra đời. Ông về chăm sóc tốt người đàn bà có mang đó, nếu thấy điều gì khác lạ thì báo cho tôi biết ngay.
Quan Dôộc hàng ngày cần mẫn đưa cơm và để ý theo dõi. Người đàn bà mang thai được chín tháng mười ngày mà vẫn chưa sinh. Quan Dôộc báo cho ông Liêm Quốc biết. Ông Liêm Quốc về cùng Quan Dôộc, sắm một mâm lễ cầu khấn trời đất. Khấn rằng: Nếu phải con vua cháu chúa thì hãy cho sinh ra vào giờ “cứa cá” (tức buổi sáng sớm), trời quang mây tạnh gió. Nhưng lúc ấy trời đã đến giờ “cỏng pắn” (tức chiều tối), bầu trời đang âm u. Bỗng nhiên, khi nghe lời cầu khấn, bầu trời bừng sáng, trời quang mây tạnh, mặt trời trở lại giờ “cứa cá”. Người đàn bà trở dạ, sinh được một đứa con trai, khôi ngô tuấn tú. Ông Liêm Quốc dặn Quan Dôộc phải chăm sóc đứa trẻ chu đáo. Đứa trẻ mau ăn, chóng lớn, vài năm sau đã biết đi chăn trâu, đánh cù cùng với bọn trẻ trong bản. Người ta thường gọi tên đứa trẻ là Chù Chốm (tiếng địa phương nghĩa là dấu trộm, ý nói dấu diếm, trộm nuôi). Ông Liêm Quốc trở lại, nói cho dân bản biết Chù Chốm là con vua, ngài mang họ Lê. Từ đó có tên vua Chù Chốm, gọi lệch đi thành vua Chổm. Ông Liêm Quốc bảo ông Mường Khoòng làm một khu dinh phủ để rước vua ra lo việc nước. Ông Mường Khoòng chọn nơi làm dinh ở ngã ba đường, tiến thoái tiện lợi. Nơi đó là ở bản Thung, nơi trung tâm Mường Khoòng, chỗ gặp nhau của ba con đường: Từ các bản khu Chiềng lên, bản Lặn sang và Piềng Dồn xuống. Lúc đầu, vua Chổm còn nhỏ, ông Liêm Quốc lấy áo của Chù Chốm ra khoác lên ngai vua để cho các tạo, các quan đến hầu. Có các tạo từ Mường Sang, Mường Hạ, Mường La,… đến đây yết kiến. Đến khi vua lớn rồi ngài mới ra ngồi ngai khiển việc. Ông Mường Khoòng được giao trông coi công việc trong nội phủ, được phong chức là Tư đồ Nội Dinh. Con Ông làm tướng gọi là Thái Ý Lân. Hai cha con phụng sự nhà vua bên cạnh ông Liêm Quốc, được ông Liêm Quốc rất tin tưởng. Nhà vua đi đánh giặc lấy lại được thiên hạ, nhưng chưa có ấn phong vương. Ông Quan Dôộc, cha nuôi của vua Chổm cúng tế Long Vương Mó Nủa, rồi ra cửa bể chìa vạt áo cho thuồng luồng nhả ấn vàng, mang về cho vua. Ông Quan Dôộc được vua thưởng nhiều thứ, nhưng không nhận thứ gì. Thái Ý Lân cũng được phong thưởng. Vua cho Thái Ý Lân năm mươi hai khiêng của, mang về làm một cái đình tại dinh phủ cũ để nhà vua thờ cúng. Các thứ vua cho mang về có cả bốn cái tán vàng, ba cái xiêu vàng, hai đôi tượng, hai đôi vạc, một cái trống đồng, một cái chỉnh rồng. Thái Ý Lân về Mường Khoòng, truyền cho dân các bản đến dựng lên một cái đình ở nơi phủ cũ để thờ cúng. Dân Mường gọi đình là nhà Phủ. Làm xong nhà Phủ, Thái Ý Lân truyền cho dân Mường đến tế Phủ, mỗi bản làm một mâm cơm đặt lên cúng tế. Trước khi tế nhà Phủ phải tế thần Long Vương ở Mó Nủa và thần Pu Mới ở Xộp Ngài. Từ đó thành lệ, truyền đi mãi mãi.
Việc cúng tế nhà phủ Mường Khoòng
Lần cuối cùng tế phủ Mường Khoòng gần đây nhất là năm 1953. Hiện nay, dấu tích chỉ còn mấy gốc cột gỗ lõi bị cháy cụt phần trên mặt đất và 1 con ngựa đá, một con voi đá đã được chuyển đến sân trường phổ thông trung học cơ sở Cổ Lũng. Những người đã từng tham gia lễ hội thờ thần Mường Khoòng kể lại rằng:
Ở Mường Khoòng mỗi năm có hai lần tổ chức lễ hội toàn Mường. Lần thứ nhất vào tháng ba, lần thứ hai vào tháng tám. Địa điểm thờ có 3 nơi, đó là Xộp Ngài thờ thần Pu Mới, gọi linh hồn của Mường; Nhà Phủ thờ thần vua quan, tạo Mường; Mó Nủa thờ Long Vương (thuồng luồng). Tháng ba, cả ba nơi đều cúng thịt lợn. Tháng tám, Xộp Ngài cúng thịt bò đen, Mó Nủa cúng thịt trâu trắng, nhà Phủ cúng thịt trâu đực. Chủ lễ là nhà ông tạo Mường (dòng họ Kha Khun). Thầy cúng phải là người thuộc dòng họ Kha Đắm (tức dòng họ Khăm Panh), là dòng họ tổ tiên dựng nên Mường Khoòng. Dân trong mường gồm 54 bản, có đủ thành phần già, trẻ, gái trai, quan bản, tạo bản, mang theo quần áo, gạo tiền tập trung về vùng xã Chiềng (Cổ Lũng), trọ lại ba bốn ngày. để tham gia thờ thần, giao lưu văn nghệ thể thao. Mỗi ngày thờ ở một địa điểm vào buổi sáng, sau đó thì xuống đồng vui chơi, thi thố tài năng và uống rượu cần, bàn bạc công việc của Mường.
Nhà Phủ Mường Khoòng dựng dưới chân núi bản Thung, trên một khoảnh đất cao, tương đối bằng phẳng, nhìn ra cánh đồng Nong Bang, cách dòng suối Nủa chừng vài chục mét. Nhà Phủ kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân Mường Khoòng, gồm 3 gian, lợp lá cọ, cột chôn bằng gỗ kiêng vững chắc. Sàn lát bằng tre là ngà. Xung quanh thưng ván nửa dưới, còn nửa trên đan thưa như vách thưng các nhà thờ thần khác. So với nhà 3 gian thông thường thì nhà Phủ có phần rộng hơn. Trong lòng nhà để sàn trống, không ngăn vách, nhưg vẫn bài trí theo từng gian. Phía trên cùng của mỗi gian đặt một cái bàn thờ. Trên mỗi bàn thờ đặt 1 cái ngai, sơn son thếp vàng. Tay ngai có hình rồng. Bàn thờ ở gian giữa là để thờ vua, bên phải thờ ông Liêm Quốc, bên trái thờ ông thái Ý Lân. Bốn cái lọng cắm xen kẽ giữa hai bàn thờ. Mỗi bàn thờ có hai câu đối. Dựa vào vách có gươm, giáo, bát xà mâu. Phía cuối nhà treo một trống đồng, một trống đại sơn son thếp vàng, một trống con. Dưới gầm sàn đặt hai cái sanh lớn. Trước nhà đặt hai con voi, hai con ngựa đá. Con voi đá nặng khoảng năm, sáu tạ; Ngựa đá nặng khoảng ba, bốn tạ. Hai con voi đá và hai con ngựa đá đặt vào từ thời Đô đốc Hà Mỹ Hào (cháu chắt Thái Ý Lân), lấy từ núi Nhồi huyện Đông Sơn, chở bằng thuyền theo sông Mã, đến cửa suối Nủa thì đặt lên bè cho trâu kéo, đoạn nào đường khó thì tời và khiêng bộ. Ngoài Cổng đi vào dựng một bia đá ghi lại sự tích nhà Phủ bằng chữ Hán Nôm. Nhà Phủ đã được tu sửa, bổ sung nhiều lần. Đến đời lĩnh binh Hà Công Tú, thời nhà Nguyễn và tri châu Tân Hóa Hà Văn Cao thì trang bị nội thất cơ bản ổn định.
Nhìn nhận về nhà Phủ Mường Khoòng
Nhà phủ Mường Khoòng không phải là một điểm thờ cúng theo dạng Thành hoàng làng (thần bản, thần Mường) và cũng không phải nhà thờ dòng họ, mà đây là một dạng gần giống như thờ cúng tại thủ phủ của vua chúa, quan lại dưới xuôi. Ở miền núi, chỉ có hai địa điểm mang tên Phủ là nhà Phủ Mường Khoòng và bản Phủ do Hoàng Công Chất xây dựng tại Điện Biên Phủ. Thờ cúng nhà phủ là thờ cúng các nhân vật lịch sử gắn với sự kiện đã từng diễn ra tại dinh, phủ (bản doanh) đó. Nhà Phủ Mường Khoòng có 3 bàn thờ đặt trên đầu sàn. Trên mỗi bàn thờ đặt một cái ngai, mỗi ngai thờ một vị: Bàn thờ ở giữa thờ vua Lê, bên phải thờ ông Liêm Quốc; Bên trái thờ Thái Úy, Lân quận công Hà Thọ Lộc.
Nhà Phủ thật sự là một cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội văn hóa của cộng đồng bản Mường. Nguồn gốc xuất phát từ một sự kiện lịch sử mang tầm cỡ quốc gia. Nhà Phủ góp phần làm cho vị thế của Mường Khoòng được đề cao trong các Mường lớn của người Thái Thanh Hóa nói riêng và người Thái trong cả nước nói chung, đồng thời cũng là niềm tự hào của nhân dân địa phương.
Tiếc rằng, thời kỳ tiến hành cải cách dân chủ chống mê tín dị đoan, nhà Phủ bị coi là tàn tích phong kiến, đã bị lãng quên, không được mọi người quan tâm bảo vệ, đã bị mất một số di vật, đặc biệt văn bia bị đập phá hư hỏng nặng, làm cho việc tìm hiểu về nhà Phủ rất khó khăn. Tuy nhiên, còn có nhiều nhân chứng sống đã từng tham gia lễ hôi và một số sách vở chữ Thái, văn bản Hán Nôm giúp chúng ta có thể khôi phục lại được sự tích, thiết kế, trưng bày nhà Phủ, cách thức tổ chức lễ hội Mường Khoòng.
Khôi phục, tái dựng lại nhà Phủ, lễ hội Mường Khoòng là việc làm cần thiết góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thêm một điểm đến tham quan di tích lịch sử, văn hóa tâm linh trong tour du lịch sinh thái Pù Luông./.
Hà Nam Ninh