NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 3 - 4/4/1965
10/05/2020 10:32
Đại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Những năm 60 của thế kỷ XX, cầu Hàm Rồng là cây cầu duy nhất bắc qua sông Mã nối mạch giao thông quan trọng thông suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời gian ấy, với các trận đánh Bình Giã, Ấp Bắc... Quân giải phóng đã chiến thắng lớn trên toàn chiến trường miền Nam. Trong tình thế đó, chính quyền miền Nam Cộng hòa và giới chức Mỹ phát động chiến tranh leo thang ra miền Bắc, giới quân sự Mỹ xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc nghẽn, trong đó, điểm tắc nghẽn Hàm Rồng là lý tưởng nhất, đánh sập cầu Hàm Rồng sẽ góp phần ngăn chặn sự chi viện từ ngoài vào miền Bắc và sự chi viện của cách mạng miền Bắc cho cách mạng miền Nam, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, đồng thời phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá hoại cuộc xây dựng CNXH của nhân dân miền Bắc, làm suy yếu kinh tế, chính trị của một tỉnh có vai trò hậu phương lớn đối với nhiều chiến trường, uy hiếp tinh thần, làm lung lay ý chí, quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Thông qua sức mạnh không quân, hải quân trong việc bắn phá, chúng hy vọng củng cố tinh thần binh lính cũng như chính giới Mỹ trong cuộc chiến tranh kiểu mới mà Mỹ đang ra sức tiến hành ở miền Nam Việt Nam.
Từ tòa Bạch ốc, Tổng thống Mỹ Lydon B.Johnson đã nói“Đã đến lúc Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống Quân đội Việt Nam bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu thép mang tên Hàm Rồng cách Hà Nội 75 dặm về phía Nam”. Đế quốc Mỹ xác định đánh phá cầu Hàm Rồng là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong nhiều hội nghị, giới chỉ huy quân sự Mỹ đã đưa ra kế hoạch đánh phá Hàm Rồng vào chương trình nghị sự và được bàn tính kỹ lưỡng, với mọi thủ đoạn tàn bạo nhất và huy động tất cả các loại vũ khí mà chúng có thể huy động được.
Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định bằng mọi giá phải đảm bảo giao thông thông suốt trên những tuyến đường huyết mạch, trong đó có địa bàn Quân khu IV, một địa bàn chiến lược nối liền miền Bắc với miền Nam. Bảo vệ cầu Hàm Rồng và chi viện cho chiến trường miền Nam trở thành mệnh lệnh của mọi trái tim, khối óc của những người con xứ Thanh. Từ đây, những giá trị truyền thống tốt đẹp trong chống giặc ngoại xâm được phát huy trong chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Người người khắc ghi trọn vẹn lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lời kêu gọi của Bác Hồ là nguồn cổ vũ quân và dân Thanh Hóa xây dựng tỉnh nhà có tiềm lực kinh tế và quốc phòng, sẵn sàng đối phó với hành động phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận định:“Trọng điểm đánh phá quân khu vào lúc này là Thanh Hóa, trọng điểm Thanh Hóa là Hàm Rồng, bảo vệ cầu Hàm Rồng là góp phần bảo vệ giao thông thông suốt”. Nhận định rõ âm mưu của địch, Bộ tư lệnh phòng không điều 2 đại đội pháo 57 ly của Trung đoàn 234, Bộ tư lệnh Quân khu III điều động về Thanh Hóa, 4 đại đội pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 213, sau đó lại điều thêm một đại đội 37 ly và một đại đội 14.5 ly của sư đoàn 304 và sư đoàn 350 về khu vực Hàm Rồng. Ngày 3/3/1965, Bộ tư lệnh Phòng không tăng cường cho Thanh Hóa Tiểu đoàn 14 cao xạ 37 ly và 14.5 ly phối hợp với các đơn vị Quân khu IV và các đơn vị tỉnh Thanh Hóa chiến đấu. Bộ tư lệnh Phòng không không quân được lệnh cho bộ đội không quân sẵn sàng xuất kích. Một phân đội Hải quân được điều động làm nhiệm vụ thường trực chiến đấu tại khu vực Lạch Trường Thanh Hóa. Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và nhân dân các vùng phụ cận Hàm Rồng đã đoàn kết một lòng, bám đất, bám làng, bám quê hương phục vụ chiến đấu. Lần đầu tiên, trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ta có chủ trương và kế hoạch đưa cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ phối hợp cùng tác chiến.
Tối ngày 02/4/1965, Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam điện thông báo cho Bộ tư lệnh Quân khu III: “Địch sẽ đánh vào Hàm Rồng ngày 3/4”. Bộ tư lệnh Quân khu III điện thông báo nhận định của Bộ và Quân khu xuống tỉnh đội Thanh Hóa. Bức điện có đoạn nhấn mạnh:“Phải đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ được mục tiêu, tiết kiệm đạn dược...”. Đến 21 giờ ngày 2/4, tất cả các thị đội, huyện đội, chỉ huy dân quân tự vệ quanh khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn đã được truyền đạt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Đúng 8h45’ ngày 3/4/1965, địch mở cuộc tấn công cầu Đò Lèn, với mục đích cắt đứt tuyến đường chi viện của ta khi đánh vào Hàm Rồng và buộc ta phải phân tán lực lượng. Đúng 13 giờ ngày 3/4/1965 cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm Rồng bắt đầu. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Mặt đất rung chuyển với những loạt bom hạng nặng của kẻ thù. Các hướng đánh chủ yếu của máy bay Mỹ là hướng Đông Nam, Bắc Nam, Đông Tây, Đông Bắc.
Trên mọi hướng, máy bay Mỹ vấp phải sự chống trả quyết liệt của 5 cụm hỏa lực bảo vệ cầu Hàm Rồng, từ pháo cao xạ 57 ly, 37 ly, 14.5 ly đến các đại liên, trung liên của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Quân dân Hàm Rồng đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bám trận địa với ý chí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng. Ngay trong ngày đầu tiên 3/4 quân dân Hàm Rồng đã bắn rơi 17 máy bay phản lực trong đó có máy bay Thần sấm F105 lần đầu tiên xuất trận đánh phá miền Bắc.
Bị thất bại nặng nề, ngày 4/4/1965, Mỹ điều hàng trăm máy bay hiện đại trút hàng nghìn tấn bom đạn xuống Hàm Rồng và vùng phụ cận. Trên bầu trời Không quân nhân dân Việt Nam, dưới mặt đất là Trung đoàn pháo phòng không 228, 234, dân quân tự vệ các làng Đông Sơn, Nam Ngạn, Yên Vực và các tay súng tự vệ nhà máy điện Hàm Rồng, nhà máy phân lân Hàm Rồng, giữa dòng sông Hải quân nhân dân Việt Nam đã hợp thành lưới lửa của cuộc chiến tranh nhân dân. Những giờ phút chiến đấu ác liệt của quân và dân Hàm Rồng cũng là giờ phút lịch sử của Không quân Việt Nam khi hai phi đội Mic17 do phi công Trần Hanh và Phạm Ngọc Lan chỉ huy được lệnh xuất kích đã bắn rơi 2 máy bay F8U và 1 máy bay F105.
Đến 17 giờ ngày 4/4/1965 trận chiến đấu kết thúc, quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 30 chiếc máy bay Mỹ. Trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, 47 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè trên thế giới.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, các địa phương khu vực phụ cận đã huy động trên 2.000 dân quân tự vệ, 1.000 cán bộ công nhân ngành giao thông vận tải làm nhiệm vụ chuyển đạn qua sông, san lấp hố bom, thông đường hai bên đầu cầu Hàm Rồng để xe pháo qua lại nhanh chóng, vận chuyển vũ khí phục vụ chiến đấu. Hơn 1.000 thanh niên xung phong đào đắp, tu sửa công sự, giúp bộ đội, dân quân tự vệ củng cố trận địa, ngụy trang, lau chùi pháo. Hàng nghìn người hăng say làm việc, nhiều nam nữ thanh niên xung phong làm pháo thủ dự bị và phục vụ chiến đấu. Không khí lao động hết sức khẩn trương, chỉ trong một đêm mà khối lượng công việc được ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ không có sử sách nào ghi chép hết được tinh thần, ý chí của quân dân Thanh Hóa cùng cả nước “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng đã tạc vào lịch sử dân tộc một biểu tượng oai hùng mang tầm thế kỷ giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng Hàm Rồng ngày 3, 4/4/1965 một lần nữa khẳng định hùng hồn rằng, khi lòng yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân ta được đoàn kết dưới lý tưởng cách mạng chân chính sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong ước!

Đỗ Hữu Cương

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com