Vào thời điểm diễn ra sự kiện 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2020), chúng tôi có dịp tìm gặp cựu chiến binh (CCB) Lê Quang Phúc - một trong số ít nhân chứng còn sống của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn năm xưa. Tại ngôi nhà nhỏ nằm trên phố Cửa Hữu, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, chúng tôi nhìn thấy: Những bằng khen trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, những cuốn sách, tấm ảnh kỷ niệm… Về đất và người xứ Quảng được ông treo ở vị trí trang trọng nhất ngay trong phòng khách. CCB Lê Quang Phúc rưng rưng nói: “Những năm tháng, tôi tham gia chiến đấu ở Quảng Nam mặc dù chỉ có 1 đến 2 năm thôi nhưng thật sự đáng nhớ, đáng trân trọng. Cuộc chiến nơi xứ Quảng rất khốc liệt, cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ nhưng bản thân tôi và đồng đội luôn nhận được sự quan tâm, che chở của người dân nơi đây. Vì thế, thời gian trôi qua, hình ảnh đất và người xứ Quảng luôn ở trong trái tim tôi”.
Ngược dòng thời gian, CCB Lê Quang Phúc bồi hồi nhớ lại: Ông sinh ra và lớn lên tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, khi đang học cấp 3 trường huyện, chàng trai trẻ Lê Quang Phúc đã hăng hái tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), tình nguyện vào chiến trường miền Nam đầy khói lửa. Đầu năm 1967, do nhu cầu của tỉnh Thanh Hóa thành lập Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn vào chi viện cho Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được tập trung ra Sơn Tây - Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) học tập sau quay về Thanh Hóa rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Ông cho biết: “Lúc bấy giờ, Quảng Nam là một chiến trường vô cùng ác liệt. Giữa ta và địch có 2 phía cài răng lược, vùng giải phóng xen vùng địch rồi lại vùng giải phóng. Cho nên lính đặc công chủ yếu hoạt động về ban đêm, chiến đấu đánh những đợt mở rộng, đánh đồn, bốt của địch”.
Với sự gan dạ, dũng cảm, người lính đặc công Lam Sơn Lê Quang Phúc đã từng tham gia 8 trận đánh, chống càn, tiêu diệt được 25 tên giặc Mỹ và được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Đến năm 1968, trong lúc ông và 2 đồng đội đang chuẩn bị cho 1 chiến dịch lớn thì bị vướng mìn, đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, còn ông may mắn được một má Quảng Nam cứu, đưa xuống hầm bí mật. Người mẹ Quảng Nam đã băng bó vết thương cho ông, chăm lo cho ông từng bữa ăn giấc ngủ. Nhờ đó, sức khỏe của ông dần hồi phục. Ông cho rằng: “Tất cả những người lính Lam Sơn đều xem những người mẹ Quảng Nam là người mẹ thứ 2 của mình. Sau này, hòa bình lập lại, mỗi lần vào thăm lại xứ Quảng, tôi và đồng đội đều dành thời gian thăm hỏi, động viên từ 1 đến 2 người mẹ Quảng Nam”.
Năm 1969, ông được đưa ra Bắc điều trị tại Bệnh viện 103. Mặc dù bị thương nặng, mất 65% sức khỏe nhưng ông vẫn không nản lòng. Năm 1985, ông tham gia học Trường bổ túc văn hóa Hải Hưng và thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học, ông về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho tới tận lúc về hưu. Hiện nay, ông là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. CCB Lê Quang Phúc cho biết: 500 người tham gia Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn năm xưa giờ chỉ còn lại có 22 người. Mong muốn nhất của họ là tất cả các cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn được thăm lại chiến trường xưa: “Tất cả anh em giờ tuổi đã cao, sống chẳng còn được mấy, nguyện vọng chỉ mong vào để thắp hương cho các đồng đội ở các nghĩa trang”.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, ký ức về một thời tham gia chiến đấu trên đất Quảng lại ùa về trong trái tim CCB Lê Quang Phúc. Chúc ông và những người lính đặc công Lam Sơn năm xưa sớm thực hiện được ước muốn giản dị, chân thành và đầy ý nghĩa trong thời gian sớm nhất.
Tạm biết CCB Lê Quang Phúc, chúng tôi tìm gặp CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh - người đã có nhiều năm tham gia chiến đấu và công tác tại đất Quảng. CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa cho biết: Những năm tháng trực tiếp tham gia chiến đấu tại đất bạn Quảng Nam vô cùng ác liệt, gian khổ nhưng thật đáng nhớ và tự hào. Vào năm 1972, cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Lúc bấy giờ, đơn vị của ông được lệnh đánh quận lỵ Quế Sơn nhưng do tương quan về lực lượng nên ta chịu nhiều tổn thất về con người và vật lực. Đối với ông, đáng nhớ nhất chính là được cùng đồng đội tham gia chiến đấu, giải phóng Nông Sơn, Trung Phước vào năm 1974. Lúc bấy giờ, mặc dù trực tiếp đối mặt với không quân Ngụy, giáp mặt cả với bộ binh của kẻ thù nhưng đơn vị ông vẫn thu được nhiều vũ khí và bắt sống được nhiều tù binh của địch. Ông chia sẻ: “Sư đoàn 2 mở chiến dịch đánh Nông Sơn; Trung Phước thì Tiểu đoàn 28 của chúng tôi tham gia bảo vệ đội hình xe tăng, pháo binh, bộ binh tiến công. Trận đó đúng là ác liệt thật. Chiến thắng của ta vang dội, chỉ hơn 1 tiếng là chúng ta giải phóng, bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều pháo, nhiều xe”.
Dưới mưa bom bão đạn, CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh luôn nhận được những tình cảm chân thành, sự đùm bọc, chở che của người dân đất Quảng. Ông đã được người dân địa phương bày cho mặc quần áo bà ba đen, đi dép giống họ và nói tiếng Quảng Nam để tránh tai mắt của kẻ thù. Đặc biệt, cuối năm 1969 đầu năm 1970, ông vướng phải mìn, bị thương nặng, mất liên lạc với đồng đội nhưng may mắn được má che giấu, nuôi dưỡng rồi nhận làm con nuôi. Sau này, khi hòa bình lập lại, gia đình ông và gia đình má Giang Thị Tơ vẫn thường xuyên qua lại với nhau. Ông đã là thành viên của gia đình và má là người mẹ thứ 2 của ông.
Hòa bình lập lại, CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh tiếp tục công tác trong ngành quân đội trên đất Quảng Nam mãi tới năm 1984 mới chuyển về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1999, ông về nghỉ chế độ tại địa phương. Quãng thời gian chiến đấu, công tác nơi đất Quảng, lúc nào ông cũng nhận được những tình cảm yêu thương, chân thành của người dân nơi đây. Vì thế, dù nghỉ chế độ và sinh sống tại quê Thanh nhưng trong trái tim của CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh, hình ảnh người mẹ Quảng Nam Giang Thị Tơ nói riêng, đất và người xứ Quảng nói chung luôn đầy ắp trong tim. Hầu như năm nào, ông cũng cùng với gia đình hoặc các CCB Tiểu đoàn 28 trở lại thăm đất Quảng Nam, thăm gia đình má Giang Thị Tơ tại huyện Quế Sơn.
Có thể nói, với những người lính từng chiến đầu nơi đất Quảng như CCB Lê Quang Phúc, CCB Nguyễn Ngọc Thỉnh thì xứ Quảng mãi là quê hương thứ 2 sâu nặng nghĩa tình./.
Tường Vân