NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Lễ hội Căm Mương - nét đẹp văn hóa độc đáo của người Thái Mường Ký
30/11/2021 10:44
Từ ngàn năm trước, tổ tiên người Thái đã đến định cư trên mảnh đất xứ Thanh, qua quá trình dựng xây và phát triển, Mường Ký ra đời, cùng với Mường Ống, Mường Ai, Mường Lai, Mường Khoòng..., tạo nên một xứ Mường huyền thoại trải rộng khắp núi rừng miền Tây Thanh Hóa cùng với đó là hệ thống những giá trị văn hóa mà nhân dân các tộc người sáng tạo nên. Một trong số đó là lễ hội Căm Mương tại xã Văn Nho huyện Bá Thước với hàm ý tạ ơn thiên nhiên và tri ân những người có công tạo bản, lập mường ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Trò diễn Khua luống trong Lễ hội Căm Mương.

Lễ hội Căm Mương, trong tiếng Thái có nghĩa là “Giỗ mường” xuất phát điểm ban đầu là một nghi thức cúng bản, cúng mường của người Thái. Nhưng sau này, lễ hội được nâng cấp, gắn với nghi lễ quốc gia (lễ giỗ Vua), không chỉ thờ thần, mà thờ cả những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước, với bản mường. Đây là một trong những điểm đặc sắc của lễ hội này, để phân biệt với các lễ hội khác của người Thái. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 20 đến 22 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Xuôi dòng lịch sử vào 600 năm trước, vùng đất Mường Ký là một trong những căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam sơn, nơi bao bọc, che chở nghĩa quân trong buổi đầu khởi binh gian khó. Cho đến ngày nay còn lưu truyền câu chuyện cảm động của chàng Đon Ban giết cả con chó thân thuộc để làm cơm thết đãi nghĩa quân, hay người con gái Thái, giả làm tiên nữ chỉ đường cho nghĩa binh vượt qua vòng nguy hiểm. Nhiều địa danh: Đèo Sống, đồng Ma Háng, suối Voi Kẹt... tồn tại đến ngày nay, đều liên quan đến các tích chuyện của nghĩa quân năm xưa. Sự bao bọc hết lòng của đồng bào các dân tộc nơi núi rừng vùng cao đã giúp chủ tướng Lê Lợi cùng nghĩa quân củng cố lực lượng, tiếp tục kháng chiến cho tới ngày giành thắng lợi cuối cùng. Biết ơn con người và vùng đất Mường Ký, Bình Định Vương đã gọi tên vùng đất này là “Chiềng Ban”, nghĩa là miền đất đẹp. Khi Vua Lê Thái Tổ băng hà, để tưởng nhớ và tri ơn công lao của Vua, người dân Mường Ký đã gộp chung lễ hội cũ và lễ giỗ Vua làm một. Sau này, ngoài các nhân thần, nhiên thần, những nhân vật lịch sử có công lao dựng bản, tạo mường như Hà Công Vụ, Hà Văn Nho... đều được cúng rước trong lễ hội Căm Mương.
Để tổ chức lễ hội Căm Mương được chu đáo, ngay từ tháng 6 âm lịch, cả mường đã tụ họp, giao việc cho các Poọng, bản góp trâu, dê, gà, lợn, “Mỗi hộ một gà, mỗi nhà một gạo” và cắt cử người lo công việc, tập luyện tế lễ. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội tất cả người dân bản mường phải kiêng khem, không phạm vào điều cấm: Củi không được đốn/ Nước không được vác/ củi không được hái/ vải không được dệt/ vợ chồng không được ôm ấp… Đồng thời khuyến khích làm nhiều việc thiện, dọn bản, dọn làng cho sạch sẽ, chuẩn bị cho gia đình những bộ váy, áo, khăn Piêu mới và đẹp nhất.
Bước vào ngày hội, từ tối hôm trước, tại nhà thờ Mường đã làm lễ cáo yết các vị nhiên thần, Thành Hoàng Mường, Vua Lê Thái Tổ và các linh thần xin phép cho dân bản và Mường Ký mở hội. Sáng sớm ngày 20/8 âm lịch các đồ lễ, tế đã được chuẩn bị sắp đặt chu đáo, mọi người rước thầy mo lên hang cá làm lễ. Việc thờ ở hang Cá Thần là thờ Thần linh, thờ Quận công Hà Công Vụ người làm chủ hang cá và có công xây dựng, đặt tên đất Mường Ký, thờ thần Thiềng Kỷ, thờ Vua Lê Lợi ở Đon Ban (xã Kỳ Tân), thờ Thần Núi Lai Ly, Lai Láng... Trong ngày diễn ra lễ hội các bản làng ở Mường Ký cũng tổ chức thờ các Thành Hoàng Làng. Bên cạnh việc tổ chức lễ, tế thờ các vị thần linh và các danh thần có công với dân với nước phù hộ, mang lại nhiều điều tốt lành cho dân Mường, còn có các hoạt động vui chơi của cộng đồng tại một khu đất rộng bên cạnh hang cá. Khi tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang già trẻ, gái trai các bản mường cùng múa hát bên cây bông, múa Khua Luống, nhảy Sạp, hát Khặp, tham gia các trò chơi dân gian như: Đánh cù, đánh mảng, đi cà kheo, ném còn, bắn nỏ thật náo nhiệt và vui nhộn… Đây cũng là dịp để trai gái của các bản trong mường tìm hiểu và nên duyên vợ chồng.
Buổi chiều cùng ngày, các cụ cao niên tới nhà Trưởng mường bàn luận, xem xét việc thực hiện phong tục tập quán của cả mường trong một năm qua, ai mắc tội bị đem xử phạt, ai làm nhiều việc tốt được khen thưởng. Những kẻ trộm cắp, làm những điều không tốt, trái với lệ làng..., bị định tội tùy theo mức độ: Nhẹ thì bị phạt tiền, phạt bò, lợn, trâu mang ra khao bản; nặng hơn thì bị đánh đòn... Người có công với mường sẽ được thưởng cho chức tước hoặc những khoảnh ruộng tốt trong bản. Những cuộc họp bô lão này đều rất dân chủ. Tạo mường, Lang đạo, nếu phạm lỗi vẫn phải nhận hình phạt như dân thường.
Bước sang ngày thứ hai của lễ hội, tại bản Hiềng (xã Kỳ Tân) làm lễ cúng Vua Lê Thái Tổ. Nơi thờ là nhà sàn có một gian lợp lá cọ, hai đầu hồi bằng tre kết lại thành hình đầu cọp có râu dài, gọi là “Xong meo” - biểu tượng của vị thế quyền lực. Lễ vật có nậm rượu bằng vỏ quả bầu khô, điếu thuốc lào, ếp xôi, đùi gà, chó thui, canh uôi, cơm lam, măng rừng… là những món ăn gợi nhớ buổi nào khi Vua tôi gặp gỡ và cùng chung ý chí tiêu diệt giặc Minh. Buổi tế kéo dài ba tuần hương, sau đó mọi người cùng nhau ăn uống, vui chơi tại nhà thờ thần.
Ngày thứ ba, lễ cúng cầu may, cầu mát cho Mường với lễ vật là một con dê đực ở khu vực hang núi Thắm và suối Cá. Sau đó đoàn người kéo nhau lên đền thờ Vua Lê Lợi ở đỉnh Pù Đền (Kỳ Tân) và thần núi Lai Ly, Lai Láng. Cùng với việc tổ chức lễ tế, tri ân các vị thần linh và các danh thần có công với dân với nước, dân Mường còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thu hút sự tham gia của cả cộng đồng. Qua đó đã tạo ra tính cố kết cộng đồng ngày càng bền chặt hơn.
Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, dân các bản không được lên nương lên rẫy, vào rừng đốn củi, xuống suối bắt cá... Tất cả thời gian chỉ dành cho việc cúng lễ, vui chơi. Bởi vậy, chữ “Căm” trong từ Căm Mương, ngoài nghĩa chính là “Giỗ” còn mang nghĩa là “Ngày kị” - “Ngày cấm” của tất cả các hoạt động lao động sản xuất.
Lễ hội Căm Mương đã có lịch sử từ rất lâu đời, trở thành tập quán sinh hoạt có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của đồng bào Thái xã Văn Nho. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hoá, tinh thần mang đậm bản sắc của người Thái, đồng thời qua lễ hội còn giáo dục truyền thống và tinh thần anh dũng quật cường của cha ông trong công cuộc giữ nước. Vì vậy việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội Căm Mương ở Văn Nho - Bá Thước là rất cần thiết, qua đó con mở ra một hướng đi mới về du lịch văn hoá và lịch sử cho vùng đất Mường Ký./.

Văn An

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com