CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Họa tiết hoa văn thổ cẩm của người Mông xứ Thanh
09/03/2021 10:29
Thổ cẩm được xem là mảnh ghép tạo nên văn hóa các dân tộc thiểu số, vẻ đẹp của trang phục là tác phẩm văn hóa gắn chặt với nhu cầu của đời thường và thẩm mỹ. Mỗi dân tộc có những hoa văn trang trí khác nhau là yếu tố chính góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục. Người Mông ở Thanh Hóa thường sống trên những rẻo núi cao của huyện Mường Lát, Quan Sơn và một số bản ở Quan Hóa nhiệt độ thường thấp, nhiều sương mù nên màu sắc hoa văn trên thổ cẩm thường là màu sắc rực rỡ, nó không những thể hiện tính thẩm mỹ, mà còn biểu trưng cho tâm lý, ước vọng về sự ấm áp, no đủ và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp tất cả làm nên ý nghĩa văn hóa vô cùng độc đáo trên mỗi họa tiết hoa văn.

Hoa văn trên trang phục của người Mông, ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng, họ còn thành thục trong việc bố cục đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, đường xoáy hay các biến thể của nó. Những họa tiết hoa văn này dứt khoát, thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo bố cục hài hòa, không đơn điệu và đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, ngũ hành, sự trường tồn của cuộc sống.

Hoa văn biểu tượng mặt trời với ngôi sao 8 cánh, 12 cánh xuất hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Đó là dạng vòng tròn, ở giữa có 8 hình tam giác ghép thành 4 cặp hoặc phức tạp hơn gồm nhiều mô típ biểu hiện cho sự chuyển biến của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian trong vũ trụ.

Họa tiết hoa văn trang trí hình học.

Hình ảnh con Rồng thường được người Mông quan niệm là biểu trưng cho sự tốt đẹp, hạnh phúc. Ở nhiều mô típ hoa văn trên nền vải, Rồng là đường zích zắc, ở giữa là các chấm biểu thị cho mắt và các xoắn ốc là biểu tượng của mây mưa, biểu trưng cho cư dân nông nghiệp lúa nước… mặt khác hoa văn hình Rồng còn là biểu tượng của quyền lực.

Biểu tượng sấm chớp và hình rau dớn ở dưới gấu váy, gồm hai hình tròn có chung nếp tuyến chéo. Thể hiện tín ngưỡng sùng bái thần linh và
ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Cũng như hoa văn nhiều dân tộc khác, hoa văn người Mông có bố cục thành các dải ngang. Mỗi dải băng ngang hoa văn phản ánh quá trình thiên di trong lịch sử của người Mông, thường có bố cục: Ở giữa là họa tiết hoa văn thêu chủ đạo khổ lớn, phía rìa có tiết diện nhỏ hẹp bề ngang bao bọc, thường được trang trí trên gấu váy, 2 ống tay áo và trên thắt lưng. Qua đây người Mông mong muốn gửi gắm khát vọng sinh tồn và phát triển của dân tộc mình.

Các hình tượng thuộc lĩnh vực âm dương phổ biến nhất là hình chữ thập, chữ X, hay bông cúc phản ánh tín ngưỡng và nghi lễ dân gian. Theo truyện cổ người Mông, các hình tượng này là sừng trâu - con vật gắn với nông nghiệp và dùng trong hiến tế người chết. Con trâu cũng là vật gắn với sự vận hành của mặt trăng, biểu hiện cho âm dương đối đãi, cho sự phát sinh và phát triển. Dạng hoa văn này thường thấy trên y phục và mũ của trẻ em.

Họa tiết hoa văn trang trí hình hoa đào.

Ngoài ra trong quan niệm người Mông, gà trống là một biểu tượng của vị thần giữ cửa, chống ma ác vào nhà, bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ. Vì vậy hoa văn gà trống thường được thêu trên mũ trẻ nhỏ.

Hình ảnh hoa đào biểu tượng cho mùa xuân và cũng là mùa cưới hỏi nên hình ảnh hoa đào thường được thêu trên trang phục ngày cưới để cầu ước chuyện nhân duyên, chúc cho cô gái lấy được chồng tốt.

Họa tiết hoa văn trang trí hình ốc sên.

Hoa văn hình ốc sên biểu hiện của tình thân, sự thịnh vượng trong gia đình, hình xoắn đối ngược của hai con ốc sên tượng trưng cho sự phát triển, hòa hợp của hai dòng họ. Hình vuông biểu hiện của bàn thờ, thể hiện sự bảo vệ của tổ tiên đối với con cháu...

Như vậy, phong cách trang trí và tính quy phạm trong các loại hoa văn với màu sắc của nó ngoài là biểu trưng, thể hiện tín ngưỡng, phong tục hầu hết đều hướng vào đời sống thực và thiên nhiên. Ta có thể nhận thấy rõ các mô típ hoa lá, động vật trang trí trên vải đều là những loài có thực và hữu ích. Thiên nhiên, con người được nghệ thuật hóa phản ánh trên hoa văn đã thể hiện thế giới nhân sinh quan đầy sinh động trong cuộc sống của người Mông xứ Thanh./.

Ths. Trần Thùy Dương

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com