CHUYÊN TRANG BẢO TỒN, PHÁT HUY, TRUYỀN DẠY
Các bí quyết tạo ra thổ cẩm của người Mông Thanh Hóa
09/03/2021 10:18
Dân tộc Mông ở Thanh Hóa sinh sống ở ba huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Có các nhóm Mông Đen, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa và 10 dòng họ sống đoàn kết bên nhau. Dân tộc Mông di cư vào Thanh Hóa khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX theo hai con đường: Từ Sơn La, Hòa Bình vào Thanh Hóa và một đường từ Điện Biên, Lào Cai sang Lào rồi từ Lào vào Thanh Hóa. Người Mông ở Thanh Hóa chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, chăn nuôi và làm nghề thủ công. Nghề thủ công nổi tiếng như nghề rèn, đúc, đan lát, dệt vải bằng sợi cây lanh, phụ nữ Mông tự dệt vải, thêu thùa, nhất là kỹ thuật in sáp ong lên vải lanh để phục vụ mặc trong gia đình.
Những hoa văn trên vải khá cầu kỳ nên để thêu được tấm vải khổ dài 3m, các bà, các mẹ, các chị phải mất khoảng 1 tháng.

Trồng lanh, dệt vải của người Mông Thanh Hóa
Cây lanh được trồng trên sườn núi vào tháng 2, 3 âm lịch, thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng thì thu hoạch. Sau khi thu hoạch, người ta cắt bỏ lá, ngọn rồi xếp đứng thân cây bên hiên nhà, để 10 - 15 ngày cho đến khi thân cây khô hoàn toàn, cây lanh được bẻ đôi rồi tách vỏ ra khỏi phần lõi. Xé vỏ cây lanh thành những sợi nhỏ, mỗi cây thường cho từ 8 - 12 sợi, sợi dài nhất có thể dài đến 1,5 - 1,6m. Dùng chân giẫm hoặc giã sợi lanh để bỏ lớp màng bám trên vỏ, làm cho sợi lanh mềm và sạch. Sau đó đến công đoạn nối sợi lanh. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và phải có sự kiên nhẫn. Phần đuôi của một sợi lanh sẽ được tách đôi dài khoảng 10cm, chèn đầu sợi lanh tiếp theo vào rồi xoắn chắc lại để không thể trông thấy vết nối giữa hai sợi. Phụ nữ Mông thường quấn quanh bụng và tay những bó sợi, sử dụng thời gian rỗi để nối sợi lanh. Để sợi lanh được chắc hơn, người Mông sáng tạo ra một dụng cụ đặc biệt để se sợi gọi là “Che tu”. Dụng cụ này yêu cầu phải phối hợp chân và tay một cách nhịp nhàng, cùng một lúc có thể se được 4 - 5 sợi lanh. Sau đó, sợi lanh được quấn quanh khung hình vuông nằm ngang làm bằng tre gọi là “Khẩu lỵ” để sợi lanh duỗi thẳng. Kết thúc công đoạn này, người Mông bó sợi lanh thành từng bó. Sợi lanh được ngâm qua đêm trong nước tro lọc, rồi mang đi luộc trong vài giờ để cho mềm và trắng ra. Sau đó được giặt lại bằng nước sạch và phơi khô, luộc như vậy ba lần, đến lần cuối cùng cho thêm sáp ong để làm mềm và trơn sợi lanh, đun trong vài giờ rồi vớt sợi lanh lên phơi khô.
Sợi lanh được làm cho mềm và sáng bằng cách đưa bó sợi vào giữa khúc gỗ tròn và tấm đá phẳng. Người phụ nữ sẽ đứng trên tấm đá và nhún bên phải, bên trái như trò bập bênh. Công đoạn này giúp cho sợi lanh được mềm mại và sáng bóng hơn. Khi sợi đã chuẩn bị xong, phụ nữ Mông sẽ dệt vải trên một khung cửi. Đây là loại khung cửi rất đơn giản chỉ có 2 thanh gỗ tiết diện 12cm x 12cm, dài 1,3m đứng cách xa nhau khoảng 50cm. Giữa 2 thanh gỗ có 4 thanh ngang trong đó 3 thanh nhỏ hơn, 1 thanh dài 70cm rộng 30cm dày 2 cm dùng đỡ cuốn sợi, tất cả tạo thành khung cửi vững chãi. Con thoi để dệt khá to, khi dệt người ta buộc khung dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên chiếc ghế đẩu. Sau khi dệt thành vải người ta phơi trên phiến đá, dùng đá cuội để dập lên vải cho vải mền, bóng, mịn.
Mỗi một tấm vải được dệt và hoàn thành là cả thế giới tâm hồn phong phú, từ đôi bàn tay khéo léo chế biến sợi lanh, chắp vải, nhuộm chàm và in hoa bằng sáp ong. Việc dùng vải lanh đã trở thành tập quán, truyền thống của đồng bào, mặt khác vải lanh rất bền có thể gấp 3 - 4 lần vải bông nên đồng bào rất thích dùng. Đối với người phụ nữ Mông, khi sinh ra, lớn lên phải biết trồng lanh, dệt vải, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất chịu thương, chịu khó, cần cù, kiên nhẫn và cách làm ăn của chị em phụ nữ, đó cũng là cách chọn vợ của các chàng trai dân tộc Mông.
* Kỹ thuật nhuộm chàm, dùng sáp ong và thêu chỉ lên vải lanh
Người Mông có kỹ thuật nhuộm chàm khó ai sánh được. Chuẩn bị chàm để nhuộm là một công việc vất vả, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Để tạo ra màu chàm, họ đem thân và lá chàm ngâm trong các thùng nước, chờ cho mục, nhựa chàm tan hết, nước ngâm chuyển sang màu xanh lá cây, người ta vớt bã ra và cho vôi vào khuấy đều. Khi dung dịch chàm, vôi lắng xuống thì chắt hết nước, dùng vải lọc thành cao chàm. Để có được một thùng nước chàm, người ta lấy cao chàm với một ít rượu, bỏ vào thùng nước (nước lấy từ những khe núi trên cao) khuấy mạnh đến khi sủi đầy bọt thì đậy lại. Cứ đều đặn mỗi ngày, lúc sáng sớm tinh mơ và lúc xế chiều thùng nước chàm lại được mở ra và khuấy đều, sau mấy ngày thùng chàm dậy lên mùi thơm dễ chịu, khi đó có thể nhuộm vải được. Vải lanh của người Mông được nhuộm đi nhuộm lại rất nhiều lần trong nhiều ngày nên màu chàm luôn tạo ra một cảm giác tươi mới. Sau khi nhuộm chàm, những tấm vải sẽ được phơi khô, giặt tẩy sáp và tiếp tục được giặt đi giặt lại nhiều lần rồi mới lăn để tạo độ phẳng và mịn.
Kỹ thuật dùng sáp ong vẽ lên vải lanh là kỹ thuật khó, chỉ có người Mông mới thực hiện được, họ dùng sáp ong để trong chậu than cho sáp ong chảy ra. Bút để vẽ có đầu làm từ 3 miếng đồng ghép lại, thân bằng gỗ. Sáp ong được đun trên bếp lửa cho nóng chảy, người thợ dùng bút nhúng sáp ong nhúng rồi vẽ lên vải lanh. Chất “mực” đặc biệt này vẽ đến đâu khô đến đó, hoa văn ăn vào từng thớ vải. Kỹ thuật này đòi hỏi người vẽ phải tập trung để có tính chính xác cao bởi nếu đã vẽ sai thì không thể sửa được nữa, vì thế người làm công việc này phải thật tinh tế, sáng tạo và có tính thẩm mỹ. Do tính chất cầu kỳ, đòi hỏi kỹ thuật cao nên công đoạn này thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm thực hiện.
So với nhuộm chàm và vẽ sáp ong, kỹ thuật thêu không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Sau khi nhuộm chàm, các cô gái bắt đầu thêu những hình vẽ mà mình mong muốn. Kỹ thuật thêu của người Mông có hai cách, thêu lát và thêu chéo mũi. Hai cách thêu này tạo nét mềm mại, phóng khoáng, không bị gò bó trong kỹ thuật thêu luồn sợi, màu, dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm. Những hoa văn do sự sáng tạo của mỗi người nên vô cùng độc đáo và đa dạng.
Người Mông thường dùng vải màu để ghép thành hình hoa văn hoặc làm các đường viền nhằm làm nổi lên các hoa văn đã thêu sẵn. Chắp vải màu của người Mông rất dầy, nhiều lớp đè lên nhau, tạo thành các đường viền bao quanh các hình, các đường nét. Màu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam. Ngay trên các đồ án hoa văn vẽ sáp ong, nhuộm màu chàm người ta cũng ưa ghép thêm hình vải màu đỏ - trắng, xanh - trắng, rực sáng tươi vui khiến những hoa văn nổi bật.
* Quan niệm trong đời sống tâm linh
Trong cưới xin, người Mông có quy định trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải là những bộ trang phục làm từ vải lanh, được thêu thùa rất kỳ công. Trong lễ tang, họ quy định trang phục từ quần áo cho đến giày, dép của người quá cố phải làm từ vải lanh nó như sợi dây kết nối với ông bà, tổ tiên; chiếc trống trong lễ tang cũng buộc bằng vải lanh… Người Mông có câu “Đói không ăn thóc giống, rách cũng phải có áo lanh mặc lúc chết”. Người Mông quan niệm Sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên và đưa linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu. Người đến phúng viếng cũng phải mặc vải lanh, do đó lanh là một sản phẩm không thể thiếu. Người chết có bao nhiêu con sẽ được bấy nhiêu bộ trang phục bằng lanh do con gái và con dâu làm. Nhìn vào số khăn đắp lên mặt người chết ta có thể biết được người chết có bao nhiêu con. Vì thế người con gái Mông sau khi lấy chồng, ngoài trách nhiệm may quần áo cho chồng con, họ còn phải chuẩn bị cho bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng mỗi người một bộ trang phục bằng vải lanh để mặc khi mất.
Thổ cẩm của đồng bào Mông Thanh Hóa chính là sản phẩm chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo thời gian các bí quyết làm ra tấm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông đang bị tấn công bởi các sản phẩm công nghệ với năng suất cao, giá thành thấp, còn những sản phẩm được làm theo cách truyền thống năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến lớp trẻ không còn mong muốn kế thừa nghề truyền thống. Các bí quyết làm ra tấm thổ cẩm đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, cần có những chính sách đầu tư, khuyến khích sản xuất, phát triển du lịch, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm mới có thể phát triển bền vững, góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Mông trên mảnh đất xứ Thanh./.

Nguyễn Thị Đức

 

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com