* Nền tảng tự hào truyền thống cách mạng và vững tin con đường 90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững bước đi lên.
Thanh Hóa có vị trí địa lý là vùng đất phên dậu khu vực Bắc miền Trung của cả nước. Là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng và văn hóa đặc sắc, là quê hương của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, nơi phát tích của các triều đại Tiền Lê, Hậu Lê, triều Hồ và triều Nguyễn, nơi sinh thành nhiều bậc anh hùng, hào kiệt mà tên tuổi và sự nghiệp đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn giữ vị trí trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (20/2/1947) Bác căn dặn: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.
Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong suốt 90 năm qua và đặc biệt ấn tượng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, lập nên nhiều thành tích xuất sắc, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu là một cực tăng trưởng kinh tế mới ở phía Bắc, góp phần đưa kinh tế miền Bắc đi lên.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua, trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và thế giới diễn biến khó lường, nhất là ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh đạt được nhiều thành tích, kết quả nổi bật ở 10 lĩnh vực trọng điểm sau:
Một là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt khoảng 12,1%, cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước;
Hai là: Cơ cấu các ngành kinh tế như nông, lâm, thủy sản¸ công nghiệp, xây dựng… chuyển dịch đúng hướng;
Ba là: Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 dự kiến đạt 131,199 tỷ đồng ;
Bốn là: Giá trị sản xuất năm 2020 tăng gấp 1,16 lần so với năm 2015, trong đó, sản xuất công nghiệp tăng đột phá;
Năm là: Huy động vốn toàn xã hội đạt khoảng 610.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015, giá trị xuất khẩu cũng tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015;
Sáu là: Vận tải cảng Hàng không Thọ Xuân ra đời, cùng các loại hình du lịch khác, khách du lịch năm 2020 ước tăng nhanh, gấp 5,4 lần so với năm 2015, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại (23/12/2018) với vốn 9 tỷ USD thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và góp phần tăng cường an ninh năng lượng quốc gia;
Bảy là: Chất lượng đời sống nông thôn được nâng lên nhờ lực lượng lao động tại các nhà máy tăng cao, chương trình tích lũy ruộng đất tạo nên những cánh đồng mẫu lớn theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm nhiệm kỳ 2015 - 2020 có 336.000 lao động có việc làm mới và thu nhập ổn định, có 8 đơn vị cấp huyện và 313 xã đạt chuẩn nông thôn mới;
Tám là: Y tế, giáo dục có nhiều kết quả nổi bật, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước;
Chín là: An ninh, quốc phòng được giữ vững;
Mười là: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ trong việc sáp nhập, thuyên giảm các đơn vị hành chính sự nghiệp tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm trên 463 tỷ đồng ngân sách một năm… Những thành tích, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa rất phấn khởi và tự hào, là nền tảng để Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
*Điều khiển, sắp đặt để Thanh Hóa phát triển
Phải khẳng định, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực tạo một dấu mốc quan trọng với bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu đưa tỉnh Thanh Hóa từng bước phát triển. Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển của tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế đó là: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa cao; tỷ lệ lấp đầy một số khu công nghiệp còn thấp… Đời sống Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. An ninh trên tuyến biên giới, tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố có thể gây mất ổn định. Hiệu lực, hiệu quả của công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập…
Vừa qua, trong các ngày 26 - 28/10/2020 Thanh Hóa tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội có 448 đại biểu chính thức, đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh với 65 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bầu 17 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, thành viên Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVII, được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã bầu ra đội ngũ nhân sự cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ 2020 - 2025 mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã gửi gắm nhiều niềm tin, hy vọng sẽ lãnh đạo tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, như ý kiến của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016 - 2021 khẳng định: Cùng với phát triển công nghiệp, Thanh Hóa phải hết sức chú trọng phát triển các dự án nông nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới bền vững để “Người nông dân chân lấm, tay bùn đã hy sinh nhiều cho cách mạng phải được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới, nếu không thì người lãnh đạo cao nhất tỉnh phải có lỗi với Nhân dân”.
Kết quả thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là niềm tin, ý chí, nguyện vọng, mong mỏi của toàn Đảng và hơn 3,6 triệu người dân đồng lòng hướng về một tương lai với biết bao kỳ vọng Thanh Hóa đổi mới và phát triển. Đây là một Đại hội mang dấu ấn đặc biệt bởi tỉnh Thanh Hóa vừa đi qua một nhiệm kỳ với nhiều thành quả về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và vinh dự, lần đầu tiên được đón nhận Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 - Tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện lời Bác Hồ (trong lần đầu Bác về thăm Thanh Hóa, tháng 2 năm 1947) là muốn phát triển mạnh, Thanh Hóa cần phải: “Điều khiển, sắp đặt” sao cho tinh nhuệ và hiệu quả nhất để tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững, là một cực tăng trưởng mới, góp mặt cùng các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đưa kinh tế miền Bắc đi lên./.
Viên Lan Anh