TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Xôi Trứng Kiến - Đặc sản của người Mường
05/05/2021 11:28
Vào những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch hàng năm, khi núi rừng phủ lên trên mình những chồi lộc non xanh biếc, hoa xoan nở trắng rừng cũng là lúc bà con dân tộc Mường tại các bản vùng cao xứ Thanh bước vào mùa săn trứng kiến.

Trứng kiến được người dân bản địa nơi đây xem là vật phẩm trời cho, từ trứng kiến qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường họ có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: Làm bánh, nấu canh, nấu cháo, xào… nhưng ngon nhất, đậm đà hương vị đặc sắc nhất phải nói đến xôi trứng kiến. Món ăn này là bằng chứng về sức sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực đồng bào dân tộc Mường, những con người mà nguồn sống và tâm hồn của họ gắn chặt với núi rừng.
Theo kinh nghiệm của những người đi rừng lâu năm cho biết, không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng, mà phải loại kiến đen hoặc kiến nâu thì trứng mới thơm và béo ngậy. Đi lấy trứng kiến nên đi vào ngày nắng vì khi hạ tổ xuống gặp nắng to, kiến tản ra ngoài sẽ dễ lấy trứng. Còn nếu mưa, kiến “nằm lỳ” bên trong, trứng bị ướt sẽ mất ngon. Ngoài ra, khi thu hoạch, nhìn tổ có màu đen bạc, lớn và cành cây hơi trĩu sẽ cho nhiều trứng, những tổ đen sì và xốp thì không cần chặt vì ít trứng. Công việc này vô cùng gian nan, vất vả do kiến thường làm tổ trên những cành cây cao, có địa hình hiểm trở, vì vậy đều do đàn ông trong bản làm.
Dụng cụ để người Mường thu hoạch trứng kiến hết sức đơn giản, chỉ cần một con dao và chiếc rá, tổ kiến sau khi chặt xuống sẽ dùng dao tách làm đôi, đặt vào miệng rá có lót thêm vài cành cây để kiến bò ra, đập liên tục cho trứng rơi vào lòng rá. Động tác càng nhanh càng tránh nguy cơ kiến cướp trứng mang đi và không bị cắn. Sau đó sàng sảy cho hết lá cây và tạp chất. Đây là công đoạn hết sức cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, nhịp nhàng để làm sao trứng sạch mà không bị nát. Sau nhiều công đoạn vất vả, thành quả cuối cùng là những hạt trứng kiến li ti màu trắng như hạt gạo, trông rất bắt mắt.
Chế biến xôi trứng kiến nhìn qua tưởng đơn giản nhưng thực tế lại khá cầu kỳ và đòi hỏi sự tỉ mẫn. Để có được nắm xôi dẻo, thơm, không mất đi vị ngọt của gạo trước khi đồ, các bà, các mẹ sẽ ngâm gạo từ 3 đến 4 tiếng. Gạo ngâm xong được vo qua rồi cho vào chõ để đồ chín thành xôi. Người Mường có phương pháp đồ xôi bằng chõ gỗ rất độc đáo. Chõ thường được làm bằng loại cây gỗ mềm, khoét rỗng ruột, một đầu to hơn để đậy vung, đầu nhỏ vừa với miệng của nồi ninh xôi, được cài kín bằng miếng phên nhỏ đan bằng nứa hoặc giang. Đồ xôi cần giữ đều lửa để xôi chín bằng hơi và không bị mùi khói bếp.
Trong thời gian chờ xôi chín, trứng kiến sau khi đã làm sạch sẽ đưa lên bếp xào cùng với hành phi mỡ gà sao cho vừa chín tới. Sau đó múc trứng ra cho vào tàu lá chuối hoặc lá rong bọc lại để giữ cho trứng luôn nóng. Điểm khác biệt trong cách chế biến món ăn này của người Mường so với các dân tộc khác đó là họ không cho thêm bất kì gia vị nào ngoài hành và mỡ gà, có như vậy trứng mới không mất đi vị ngon đặc trưng của nó. Khi hạt nếp nương đã chuyển sang màu trắng trong, căng mọng và hương thơm tỏa ra là xôi đã chín. Xôi sẽ được phụ nữ Mường dùng đũa xới thật nhẹ ra đĩa rồi trộn đều trứng kiến vào nhưng khéo léo để trứng không bị vỡ.
Xôi trứng kiến có thể ăn cùng với nhiều món khác nhau, tuy nhiên cách thưởng thức món ăn này đúng điệu đó là khi xôi đang còn nóng dùng tay trần nhón từng nhúm xôi nhỏ, cho vào miệng nhai từ tốn để cảm nhận vị thơm dẻo của lúa nếp nương, những hạt trứng kiến vỡ lép bép nho nhỏ trong miệng tỏa ra một mùi hương thơm dịu, cay cay, rồi chợt ùa đến vị ngọt bùi ngầy ngậy.
Nếu ai đã từng một lần bước vào không gian xứ Mường, trên những ngôi nhà sàn, bên bếp lửa hồng được ăn một miếng xôi trứng kiến, nhấp chén rượu men lá thơm nồng, bạn sẽ có cảm tưởng như đang tận hưởng hương vị đặc trưng của núi rừng phía Tây Thanh Hóa. Bởi, chất chứa trong đó là thành quả lao động, là tình cảm thiêng liêng của những người con đất Mường dành cho nhau./.

Cao Thị Quỳnh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com