Quan Hóa là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, với nhiều bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Trong những năm qua, phong trào “TDĐKXDĐSVH” có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn thể người dân trong huyện; nhiều chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được triển khai. Người dân luôn có ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc trong huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương”.
Ông Trần Văn Tuấn, người dân ở xã Nam Xuân phấn khởi nói: “Thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” chúng tôi đã thực hiện nghiêm các hương ước, quy ước, tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bác bỏ những phong tục lạc hậu xưa kia. Vì vậy, đời sống của người dân chúng tôi ngày càng khấm khá hơn không chỉ về vật chất mà cả tinh thần”.
Thực tế cho thấy, phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện đã thực sự làm thay đổi đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện, tạo được diện mạo mới về văn hoá khắp các vùng miền. Văn hoá đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt việc xây dựng môi trường văn hóa ở các địa phương đã được chú trọng bởi môi trường văn hóa chính là cơ sở để hình thành nhân cách con người. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan công sở văn hóa... với những tiêu chí cụ thể, sát thực, phù hợp đã và đang trở thành phong trào có chiều rộng và chiều sâu trên toàn huyện; đóng góp tích cực vào phong trào “TDĐKXĐSVH”, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Nét nổi bật trong thời gian gần đây là phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy năm 2019, có 80 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm 75%; 46 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 2 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Từ đó đã tạo nên diện mạo xã, thị trấn có sự thay đổi rõ rệt về hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, điện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trật tự an toàn xã hội được ổn định và phát triển ngày một tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của thực tế.
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ công nhân viên chức và người lao động. Nhiều mô hình được các cơ quan, đơn vị xây dựng như: Mô hình “Cơ quan đơn vị xanh - sạch - đẹp”; mô hình: “Cải cách thủ tục hành chính”; mô hình “An toàn vệ sinh lao động”… Năm 2019, toàn huyện Quan Hóa có 25 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Bên cạnh những mặt đã đạt được trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Có lúc, có nơi phong trào phát triển chưa đồng đều, tính ổn định và bền vững chưa cao. Tình trạng các tệ nạn xã hội vẫn còn len lỏi trên địa bàn của địa phương đã ảnh hưởng đến phong trào. Việc chỉ đạo triển khai của một số xã chưa kịp thời gây ảnh hưởng đến việc đăng ký các danh hiệu văn hóa. Công tác quản lý, kiểm tra sau khi được công nhận đạt chuẩn văn hóa ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình xét duyệt, công nhận các danh hiệu văn hóa còn có tình trạng chạy theo thành tích, tăng về số lượng nhưng không đảm bảo về chất lượng, bình xét chưa đúng quy trình, thủ tục. Cán bộ làm công tác tổng hợp báo cáo phong trào một số huyện, xã còn kiêm nhiệm, không ổn định, thiếu về kinh nghiệm chuyên môn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hướng dẫn thực hiện. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ... gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức triển khai phong trào tại cơ sở.
Trong thời gian tiếp theo, để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, huyện Quan Hóa cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa về vị trí, vai trò của văn hóa và môi trường văn hóa cho cán bộ và Nhân dân. Đây là giải pháp đầu tiên nhằm tạo sự hiểu biết sâu sắc, toàn diện về văn hóa, về công tác văn hóa, về đời sống văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho Nhân dân từ đó biến thành quá trình tự giác, thành hệ thống, động cơ đúng đắn cho mọi người đưa phong trào “TDĐKXDĐSVH” đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở các cấp, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo các cấp trong việc kiểm tra, bình xét công nhận gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá hàng năm công khai, dân chủ, đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn và có kỳ hạn nhằm đảm bảo chất lượng thực sự của phong trào. Thực hiện hiệu quả nội dung lồng ghép việc thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” với các nội dung: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...”. Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, vùng khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn và phát huy giá trị văn hoá đặc thù của từng địa phương./.
Hoàng Hải