TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị thời cơ và thách thức
29/01/2021 15:29
Thanh Hóa là vùng nối giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, có đầy đủ các vùng miền núi, trung du và đồng bằng ven biển. Có nhiều loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Phía Bắc, Tây Bắc giáp Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La; phía Nam giáp Nghệ An; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào; phía Đông là đường bờ biển chạy qua 6 huyện, thị xã, thành phố. Với sự đa dạng phong phú về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, Thanh Hóa được ví như hình ảnh thu nhỏ của Tổ quốc Việt Nam. Vùng quê “địa linh nhân kiệt” rất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã huy động sức người, sức của góp phần làm nên những thắng lợi diệu kỳ đưa đất nước chung niềm vui hòa bình thống nhất.
Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2020 - 2025

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, XVIII, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung xây dựng khối đoàn kết cùng chung sức, đồng lòng đưa Thanh Hóa phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những nỗ lực cố gắng của Thanh Hóa đã được các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Đảng, Nhà nước ghi nhận, khẳng định. Nhằm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của các tỉnh phía Bắc, cùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển. Ngày 5/8/2020 Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là dấu mốc lịch sử trọng đại, là thời cơ vận hội mới đưa Thanh Hóa bứt phá vươn lên phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết số 58 được các đồng chí lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương, lãnh đạo tỉnh quán triệt sâu rộng tới các chi bộ, các ngành, các cấp và toàn thể Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở qua hình thức truyền hình trực tuyến qua đó giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức hành động trong thực hiện Nghị quyết.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ chủ quản. Lãnh đạo Sở, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tập trung xây dựng khối đoàn kết thống nhất, luôn trau dồi nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Mỗi cán bộ của Ngành đã luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của người dân. Nhiều chương trình hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú có chất lượng, hiệu quả cao được tổ chức phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân cả trong và ngoài tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” phát triển trên cả diện rộng và chiều sâu. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và nghệ thuật ngày một nâng cao. Thiết chế văn hóa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Song, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển văn hóa, con người thời gian qua, Ngành còn bộc lộ những hạn chế: Trang thiết bị ở các đơn vị sự nghiệp, nghệ thuật còn nghèo nàn lạc hậu; việc bảo tồn tôn tạo, chống xuống cấp di tích do kinh phí hạn hẹp nên nhiều di tích nguy cơ trở thành phế tích; thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở nên tổ chức hoạt động ở các nhà văn hóa làng, xã chưa thường xuyên, chưa cuốn hút người dân tham dự; năng lực chuyên môn nghiệp vụ, lòng yêu nghề, say nghề ở một số cán bộ các đơn vị sự nghiệp, các phòng VH-TT, Trung tâm VHTT,TT-DL huyện, thị xã, thành phố xã phường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 58 của Bộ Chính Trị khóa XII, thiết nghĩ thời gian tới Ngành VH,TT&DL nên tập trung thực hiện tốt một số nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, Ngành phải bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, 5 năm, 10 năm. Chủ động tham mưu đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây dựng các đề án, dự án, chương trình kế hoạch về tăng cường quản lý Nhà nước các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa; kiện toàn thiết chế văn hóa theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức các hoạt động sự kiện văn hóa của các đơn vị sự nghiệp và nghệ thuật tạo ra nhiều hoạt động ấn tượng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hai là, tập trung xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện theo Nghị quyết 33 Hội nghị TW 9 khóa XI. Đó là những con người có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có đạo đức lối sống và nhân cách, tôn trọng pháp luật, có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân gia đình và xã hội; khẳng định tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng đồng thời đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu chống các hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa làm tha hóa con người. Đẩy mạnh xây dựng gia đình văn hóa ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ. Đó là những gia đình ông bà, bố mẹ, con cái thương yêu, tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình; có tinh thần nhân ái, đoàn kết, giúp đỡ láng giềng, sống hòa đồng, thân thiện, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Tiếp tục dồn sức chỉ đạo thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Xây dựng những mô hình cưới văn minh, lịch sự chống đua đòi xa hoa, lãng phí, tổ chức tiệc tùng dài ngày, mời khách tràn lan. Kiên quyết chống các tập tục lạc hậu trong việc tang như để người chết lâu ngày trong nhà, lăn ngoài đường, khóc mướn, bắt ma, trừ tà…
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm sát với đặc điểm dân cư, phong tục tập quán, phương thức canh tác sản xuất của vùng miền, dân tộc để văn hóa thực sự là món ăn tinh thần bổ ích với người dân. Nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng xây dựng làng, thôn, xã văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới, cơ quan, đơn vị, trường học có nếp sống văn hóa,… phong trào thi đua lao động, học tập sáng tạo làm nên sức mạnh tổng lực. Tạo nhiều công trình, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa của tỉnh phát triển lành mạnh theo định hướng dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học. Môi trường văn hóa phải thực sự là trung tâm giáo dục con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại; bài trừ những xấu xa độc ác thấp hèn làm xói mòn đạo đức phẩm giá con người.
Bốn là, chú trọng khảo sát, nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị các di sản vật thể như di tích, thắng cảnh… Các di sản văn hóa phi vật thể như trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian gắn với hoạt động du lịch, khai thác tiềm năng kinh tế trong văn hóa. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà Nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh của người dân. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của người dân trong tổ chức các hoạt động văn nghệ, lễ hội, thể thao truyền thống ở vùng miền, dân tộc để mỗi người dân thêm gắn bó, tự hào với truyền thống ông, cha.
Năm là, thường xuyên kiện toàn tinh gọn thiết kế bộ máy. Thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để cán bộ được cập nhật kiến thức mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chọn lựa, bố trí người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, nghệ thuật có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có uy tín, năng lực tập hợp thu hút cán bộ trong thực thi công việc. Tuyển dụng và sắp xếp cán bộ được đào tạo cơ bản theo đúng chuyên ngành. Với cán bộ ở phòng VH-TT, Trung tâm VHTT,TT-DL các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích cán bộ thạo một việc và biết nhiều việc để tương trợ giúp đỡ nhau khi tổ chức các chương trình sự kiện lớn của địa phương.
Là tỉnh rộng, đông dân cư, có 7 tộc người sinh sống trên địa bàn, một số vùng dân trí còn thấp nên việc thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị với toàn tỉnh nói chung, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng có nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng đan xen khó khăn, thách thức. Song chúng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu của cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành sẽ tạo ra nhiều sản phẩm, công trình văn hóa chất lượng góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh bền vững tạo sức lan tỏa trong toàn quốc và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn./.
                                                                                                                                                                                                    Phạm Minh Trị

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com