Làng Đông Sơn xưa thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Sơn, nay là phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Nằm bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, ngôi làng cổ hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời. Được đánh giá là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất hiện nay.
Có lẽ hiếm có ngôi làng nào nằm giữa lòng một thành phố sầm uất và nhộn nhịp mà lại có khung cảnh bình yên, mộc mạc và giản dị như làng cổ Đông Sơn. Ngôi làng nằm lọt thỏm bên trong một thung lũng nhỏ, xung quanh là những ngọn núi đồi hùng vỹ, một bên là dòng sông Mã chảy êm đềm với cây cầu Hàm Rồng huyền thoại bắc ngang qua. Phía sau làng là ngọn núi Cánh Tiên, phía trước là những thửa ruộng màu mỡ, xanh ngát.
Điều cảm nhận đầu tiên khi đặt chân tới làng cổ Đông Sơn là không gian xưa cũ, trầm mặc nơi thôn quê được thể hiện qua kiến trúc cây đa, giếng nước, mái đình, nét đặc trưng tiêu biểu của làng quê Việt. Đi sâu vào trong làng là những bức tường đá cao rêu xanh phủ bám theo lớp bụi của thời gian, những con đường gạch lát chỉ đỏ dài dẫn vào từng ngõ nhỏ. Điều đặc biệt nữa là giao thông trong làng chủ yếu là đi bộ, rất ít người sử dụng phương tiện xe máy, ô tô, bởi lẽ những con ngõ kết nối các cụm dân cư nơi đây nhỏ và dài chỉ phù hợp với nhịp sống bình dị, chậm rãi. Tô điểm thêm bức tranh làng cổ là những đầm sen, ao súng, hay con đường rợp bóng hàng cây,... tạo nên một không gian thanh bình, lắng sâu truyền thống.
Thêm một điều đặc biệt nữa của ngôi làng chính là những con ngõ được đặt tên mang ý nghĩa: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng như truyền đi thông điệp về nét đẹp văn hóa của người dân trong làng, “Nhân, Nghĩa là biểu tượng đại diện cho quan văn; Trí, Dũng biểu tượng cho quan võ”. Ở giữa 4 ngõ là ngõ Miếu Nhị dẫn vào đền thờ Đệ Nhị Thần Hoàng Trịnh Thế Lợi (Cẩm hoa thị vệ thời Lê, người có công lập nên làng cổ Đông Sơn). Chợ làng cũng rất đơn giản, không tấp nập, xô bồ mà chỉ khoảng hơn chục người bán, thời gian chợ chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ vào sáng sớm rồi tan. Theo lý giải của người dân: “Sở dĩ làng cổ Đông Sơn vẫn luôn giữ được hồn cốt làng quê trong thời buổi kinh tế thị trường là do 90% dân số của làng là người “gốc”, chỉ khoảng 10% là dân di cư từ nơi khác đến. Thế hệ trẻ của làng đều vào trung tâm thành phố lập nghiệp và sinh sống, còn lại người cao tuổi thích sống ở đây, với tổ tiên và xóm làng thân thiết”. Người dân trong làng đều đề cao tinh thần cố kết cộng đồng và sống hòa hợp với thiên nhiên. Ở ngôi làng cổ nghìn năm tuổi này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với hệ thống đình, chùa, miếu, đền như: Đông Sơn Cổ Tự, Phủ Mẫu, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”...
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến làng cổ Đông Sơn mà không nhắc đến những ngôi nhà cổ. Được biết, làng có 13 ngôi nhà cổ, trong đó ngôi nhà cổ của cụ Lương Trọng Duệ, số 10, ngõ Trí, là ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, với tuổi đời hơn 200 năm tuổi. Căn nhà chính gồm 5 gian, 2 chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương, các vì, kèo, xà, bẩy... được chạm trổ công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà gỗ của miền Bắc xưa. Ngoài nhà chính còn có 2 nhà ngang 3 gian, được người thợ xưa kỳ công xây dựng. Năm 2006 ngôi nhà của cụ Duệ được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng Di tích kiến trúc Nhà cổ cấp tỉnh. Ông Lương Thế Tập con cụ Duệ cho biết “Hiện tại ngôi nhà là niềm tự hào của gia đình, của làng cổ Đông Sơn. Khi còn sống bố tôi vẫn luôn dặn dò con cháu giữ gìn ngôi nhà như báu vật”. Trước sự bảo toàn nguyên vẹn của ngôi nhà cổ, hằng tuần, hằng tháng có nhiều du khách, nhà nghiên cứu, ký dã, học sinh trong và ngoài tỉnh, có cả khách nước ngoài đến tham quan.
Để khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của làng cổ Đông Sơn, đầu tháng 3/2019, UBND thành phố Thanh Hóa công bố tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn. Theo đó, có 14 tour du lịch khởi hành từ làng cổ Đông Sơn liên kết với các tuyến, điểm du lịch của thành phố và vùng phụ cận. Với mục tiêu nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch về làng cổ, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung cải tạo cảnh quan, môi trường và trong các hộ gia đình tại làng Đông Sơn. Đồng thời, hướng dẫn, sắp xếp, bố trí các vật dụng khoa học, hợp lý, có hướng dẫn viên phục vụ khách tham quan tại nhà cổ và tạo sự kết nối thành chuỗi giữa các điểm tham quan, trải nghiệm trong làng. Phấn đấu đến năm 2025 có 50% số nhà cổ tham gia làm mô hình du lịch homestay. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như đào tạo kỹ năng làm dịch vụ du lịch, cho các hộ có nhà cổ. Song song với đó, thành phố Thanh Hóa sẽ lựa chọn một số hộ gia đình có diện tích trồng rau tại khu vực đồng bãi để xây dựng mô hình rau sạch, mô hình trải nghiệm thực tế làm vườn; hướng dẫn sản xuất một số sản phẩm, món ăn, quà lưu niệm mang đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương, nhằm phục vụ nhu cầu của du khách khi về tham quan làng cổ Đông Sơn./.
Lê Thanh