TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Vẫn nghe tiếng Người vọng tới hôm nay
10/03/2022 15:02
Thanh Hóa vùng đất với bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, xuyên suốt từ thuở các Vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc đánh thắng giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Biết và ghi nhận, biểu dương sức mạnh truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân Thanh Hóa. Sinh thời Hồ Chủ Tịch đã dành tình cảm đặc biệt cho Nhân dân Thanh Hóa, với bốn lần Bác về với quê hương xứ Thanh và những lời căn dặn của Người còn vọng tới hôm nay.

Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa năm 1961.

Lần thứ nhất Bác về thăm Thanh Hóa ngày 20/2/1947. Thời điểm ấy cả nước đang sôi sục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bác đã có chuyến thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Bác đến Thanh Hóa khoảng 7 - 8 giờ tại rừng Thông, huyện Đông Sơn. Bác gặp gỡ các cán bộ và dự cuộc mít tinh của đại biểu các tầng lớp Nhân dân. Bác động viên cổ vũ Nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến thành công, đồng thời Bác gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
Năm 1957 Bác lại về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Bác nói chuyện với gần 4.000 đại biểu cán bộ và các tầng lớp Nhân dân. Bác biểu dương những thành tích của cán bộ và Nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với vai trò “Hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, Người khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Bác cũng khen tỉnh Thanh Hóa hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình thủy lợi giá trị như: Đập Bái Thượng, đê sông Mã, đê sông Chu, … ngoài những lời khen ngợi, Bác nhấn mạnh vai trò “Đoàn kết tất cả các dân tộc anh em trong tỉnh”. Lấy đoàn kết làm rường cột để phát triển kinh tế và sửa chữa những sai lầm trong cải cách ruộng đất, mở rộng bình dân học vụ và tiếp tục xây dựng hậu phương lớn vững mạnh, chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
Lần thứ ba Bác Hồ về thăm Thanh Hóa ngày 19/07/1960 tại làng Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là Thành phố Sầm Sơn). Bác về lặng lẽ hòa mình với bà con ngư dân như một lão ngư để cùng kéo lưới. Chúng ta nhận ra trong dáng dấp gầy gò của một vị lãnh tụ có gì khác một người ngư dân bình thường không? Tuy nhiên, trong trái tim của Người lại là trái tim của một con người vĩ đại đang lo cho vận nước. Người lãnh tụ đó với đôi chân dép lốp đi vạn dặm chiến trường cùng tham gia chiến đấu, nhưng khi trở về đời thường lại gần gũi với Nhân dân biết bao. Lần này Bác căn dặn: “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải”.
Lần thứ 4, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa ngày 11/12/1961. Bác đã dành thời gian thăm xã Yên Trường, huyện Yên Định. Ngày 12/ 12/1961, Bác nói chuyện với khoảng 40.000 với cán bộ và đồng bào trong tỉnh, Bác biểu dương những thành quả của tỉnh Thanh Hoá trong xây dựng và phát triển kinh tế và những đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Đây cũng là lần cuối cùng Bác về thăm tỉnh ta, tám năm sau Bác đã đi về cõi vĩnh hằng để lại muôn vàn tiếc thương cho Nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ra sức thi đua và đạt được những kết quả to lớn. Nhất là trong năm 2021 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thanh Hóa đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,93% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,7%; giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, vượt 33,5% so với kế hoạch, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Thu Ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao tiếp tục đạt kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Một mùa xuân mới lại đang về, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sức mạnh đoàn kết của toàn dân, Thanh Hóa sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như lời Bác từng căn dặn./.

Chú thích: Các cứ liệu lịch sử lấy trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập

Viên Lan Anh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com