Dự lễ tổng kết có các đồng chí: Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh uỷe viên, Giám đốc Sở VHTT&DL; Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; cùng lãnh đạo đại diện các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của các đoàn nghệ thuật đến từ 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng đông đảo khán giả và Nhân dân TP Sầm Sơn.
Trong 3 ngày qua, tại TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương các nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của các đoàn nghệ thuật đến từ 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã đem tới liên hoan 25 trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hoá, trò chơi, trò diễn dân gian; 90 bộ trang phục dân tộc truyền thống, 65 tiết mục văn nghệ dân gian.
Các tiết mục tham gia của các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân dân gian đến từ các huyện, thị xã, thành phố đều có sự có sự chuẩn bị kĩ lưỡng được đầu tư, dàn dựng công phu, đặc sắc và có chất lượng cao thể hiện được bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc, từng địa phương.
Lễ diễu hành đường phố - trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hoá, trò chơi, trò diễn dân gian được các nghệ nhân thể hiện trang trọng, đúng phong tục, tập quán, tinh thần nhân văn.
Chương trình văn nghệ dân gian đặc sắc với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, những sáng tác ca - múa - nhạc mang âm hưởng, màu sắc dân gian của các dân tộc làm say đắm lòng người, để lại cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Phần trình diễn trang phục truyền thống với hình ảnh những chàng trai, cô gái duyên dáng, tài hoa trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của ngày thường, lễ hội, ngày cưới… mang đậm ý nghĩa văn hoá, gắn bó với môi trường, cảnh quan và đời sống sinh hoạt hàng ngày của địa phương. Từ đó, tạo nên một bức tranh như một vườn hoa mang đậm hương sắc văn hoá về con người và sức sống của dân tộc xứ Thanh.
Các giá trị văn hoá dân gian còn tiềm ẩn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thông qua liên hoan đã được phục dựng, tái hiện lên một mức cao hơn đó là đưa văn hoá từ cuộc sống đời thường lên sân khấu. Qua đó, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hoá truyền thống qua thời gian và không gian, trong sự giao thoa và biến đổi, văn hoá không chỉ là bản sắc quý giá của các dân tộc mà còn là tài nguyên du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua liên hoan góp phần phục hồi du lịch sau thời gian dài trầm lắng vì dịch COVID-19. Đây không chỉ là dịp để bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn cùng hội tụ và tỏa sáng, tăng cường tình đoàn kết, mà còn là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, đua tài, khoe sắc, bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn với Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước.
Liên hoan cũng là dịp để khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, đua tài; góp phần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao 9 giải A, 16 giải B cho phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian; 25 giải A, 31 giải B cho phần thi tiết mục văn nghệ dân gian; 24 giải A, 23 giải B cho phần thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc.