TIN TỨC
Tình cảm của Bác Hồ với Thương binh, Liệt sĩ.
14/05/2020 14:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Tuy đã đi xa, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước và nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) - Nhớ đến Người, chúng ta ôn lại những câu nói, hành động thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ, chúng ta càng cảm thấy tấm lòng yêu thương cao cả của Bác đối với thương binh, liệt sĩ nói riêng và đối với nhân dân nói chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951).

Trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thế hệ đã lên đường, chung sức, đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đã hi sinh cả mạng sống của mình cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Là người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu những mất mát lớn lao này. Người luôn dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với Tổ quốc. Suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thể chế hóa thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng. Trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, tấm gương sáng của tư tưởng nhân văn đó. Bác từng nói trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng: ''Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta''.

Sinh thời khi làm Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng tri ân. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Trong bức thư gửi Thường trực Ban tổ chức ''Ngày thương binh toàn quốc”, đăng trên Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27/7/1947 - năm đầu tiên kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác viết: ''Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh. Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ''.

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh.

Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan “Tàn nhưng không phế”, Bác khuyên anh em thương binh: “Khi đã khôi phục sức khỏe phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân kiểu mẫu”. Bác chúc các gia đình liệt sĩ trở thành những “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Bác nêu gương, biểu dương, khuyến khích, tặng huy hiệu của Người cho những thương binh khắc phục đau yếu, thương tật có nghị lực vươn lên trong cuộc sống và động viên anh, chị em thương binh tuy đã suy giảm sức khỏe mà vẫn cố gắng học tập, làm việc, cống hiến cho xã hội. Người còn căn dặn thương, bệnh binh phải khiêm nhường, biết ơn sự săn sóc của đồng bào, không được ra vẻ công thần, cần cố gắng tự lực, cánh sinh…

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự tiếc thương, ngậm ngùi, đau xót và tự hào, mà còn gợi lên tinh thần bất khuất, làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người đã hy sinh, những người cống hiến một phần cơ thể của mình cho đất nước. Người đã làm cho sự hy sinh, mất mát của các thương binh, liệt sĩ càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tổn thất lớn lao ấy vào ý thức của những người còn sống về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những người đã khuất cũng như những người đã để lại một phần xương máu ở chiến trường. Bác đã làm cho những điều vinh quang càng vinh quang, đáng tự hào hơn, trách nhiệm của những người còn sống đối với gia đình liệt sĩ và các thương binh càng cao hơn.

Cảm động biết bao, trước khi "từ biệt thế giới này", tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thêm mấy điểm vào Bản Di chúc lịch sử. Trong những điểm ấy, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương... cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

   Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đền ơn đáp nghĩa ngày nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… tích cực, chủ động tham gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống người có công.

   Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo đời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Lâm Bình

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com