TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Thành Nhà Hồ hành trình 10 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới Đàn tế Nam Giao Tây Đô
30/11/2021 10:41
Để khẳng định tính chính thống của vương triều và uy quyền của Hoàng Đế, đồng thời tỏ rõ ý thức tự cường, tự tôn dân tộc, hầu hết các triều đại phong kiến của các quốc gia phương Đông trong lịch sử hình thành và phát triển của mình đều lập đàn tế Nam Giao và tổ chức lễ tế giao hàng năm. Đàn tế Nam Giao Tây Đô được vương triều Hồ xây dựng không nằm ngoài mục đích đó. Được Hồ Hán Thương cho khởi công xây dựng và hoàn thành năm 1402, nằm trong lòng tay ngai của dãy Đốn Sơn thuộc động An Tôn, phủ Thanh Hóa lúc bấy giờ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), đàn tế Nam Giao Tây Đô có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, kiến trúc. Được đánh giá là một trong những đàn tế cổ còn nguyên vẹn nhất và độc đáo riêng có cho đến ngày nay.
Kiến trúc “Đàn tế Nam Giao” thuộc Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ ngày nay.

Đàn Nam Giao là nơi dùng để tế trời - đất. Chữ “Giao” có một nghĩa là lễ tế trời ở vùng phía Nam kinh thành. Vì vậy, lễ tế này thường được gọi là lễ tế Nam Giao, nơi thực hiện nghi lễ này gọi là đàn Nam Giao. Dưới thời các triều đại quân chủ trung đại, khi mà các đấng quân vương luôn khẳng định mình là con trời - thiên tử thuận theo mệnh trời mà cai trị dân chúng, lễ tế trời - đất luôn được coi là một Quốc Lễ. Chính vì vậy, ở mỗi một kinh đô xưa, đàn tế Giao thường là một thiết chế kiến trúc quan trọng cùng với đàn Xã tắc. Đàn tế Nam Giao là nơi diễn ra nghi lễ quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia dưới các triều đại phong kiến phương Đông vì chỉ có Vua mới đủ tư cách chủ trì tế lễ tại nơi này. Mục đích là để tế càn khôn, xưng đế tỏ rõ ý thức độc lập, tự cường tự tôn dân tộc, không làm nô lệ, chư hầu cho nước lớn, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, muôn loài được phồn thịnh, vạn vật được phong phú tốt tươi.
Đốn Sơn (dân địa phương gọi là núi Đún) thuộc địa bàn hành chính xã Vĩnh Thành và Tiểu khu 3 thị trấn Vĩnh Lộc. Đốn Sơn là một quả núi dài, có hai đỉnh. Vị trí cách Quốc lộ 1A khoảng 20 km đường chim bay về phía Tây, cách cổng Nam thành Tây Đô khoảng 2,5 km về phía Tây Nam. Đàn tế Nam Giao Tây Đô được chọn đặt ở giữa hai đỉnh của quả núi này. Với vị trí đắc địa, lưng tựa vào lòng tay ngai của núi Đún, mặt ngoảnh xuống cánh đồng Nam Giao rộng lớn trải dài đến tận Lỗi Giang (dòng Thạch Lỗi - một nhánh của sông Mã ở phía Đông của đàn tế). Đốn Sơn và Lỗi Giang cũng chính là tả thanh long và hữu bạch hổ của công trình này vậy.

Nền Đàn 1 Đàn tế Nam Giao.

Di tích đàn tế Nam Giao Tây Đô được Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc phát hiện từ năm 1980. Từ năm 2004 đến năm 2010, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành 4 đợt khai quật với tổng diện tích hơn 18.000m2. Qua các cuộc khai quật đã xuất lộ hàng loạt dấu tích và nền móng kiến trúc thể hiện quy mô hoành tráng và nghệ thuật xây dựng đạt đến đỉnh cao của thời kỳ này. Dấu tích kiến trúc đàn tế đã xuất lộ chạy theo hướng Bắc - Nam là 290m, hướng Đông - Tây là 150m với tổng diện tích trên 43.000m2. Đàn được chia làm nhiều tầng giật cấp cao dần lên, trong đó tầng đàn trung tâm cao 21,7m, chân đàn có độ cao khoảng 10,5m so với mực nước biển. Hiện nay, bước đầu đã khai quật được hơn 18.000m2 và phát lộ được cấu trúc tổng thể của phần đàn trung tâm bao gồm 3 vòng tường đàn bao bọc lẫn nhau: Vòng đàn ngoài cùng phần đã xuất lộ dài 145m, rộng 113m có hai đầu lượn tròn; vòng đàn giữa gần hình vuông 65m x 67m; vòng đàn trong cùng hình đa giác (60,6m x 52m) có hai cạnh trên vát chéo. Toàn bộ 3 vòng đàn trên ôm trọn nền đàn hình chữ nhật 23,6m x 17m. Trong lòng nền đàn có dấu tích đàn tế hình tròn (viên đàn), đường kính 4,75m. Cấu trúc nền đàn hình vuông bao bọc viên đàn hình tròn là biểu tượng cho trời (tròn) - đất (vuông), đây cũng chính là một trong những yếu tố độc đáo, hấp dẫn của đàn tế Nam Giao, kiến trúc xây dựng đậm chất tín ngưỡng và phong thủy.
Về chất liệu, mặt nền đàn được lát bằng loại gạch vuông cỡ lớn. Các đường đi trong đàn được lát đá. Trong lòng đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ, 5 cửa ra vào, 4 cổng lớn, dấu tích đường đi và dấu tích của 25 cống nước được xây dựng và bố trí hết sức khoa học nhằm đảm bảo cho việc tiêu thoát nước cho một công trình kiến trúc có diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông. Nền đàn tế được đầm nện bằng các loại đá dăm núi, móng tường và tường đàn được xây dựng bằng các loại đá xanh và gạch ở hai bên, ở giữa nhồi đất.
Dấu vết của con đường trục chính giữa “linh đạo” dẫn lên phần trung tâm đàn tế đã xuất lộ một phần qua các cuộc khai quật. Con đường này rộng khoảng 9,5m - 9,55m, được chia làm 5 làn. Làn giữa rộng 3,2m, được bó nền và lát nền bởi các khối đá lớn xanh được gia công nhẵn ở các bề mặt. Làn này cao hơn các làn bên từ 7cm đến 10cm. Theo quy định của điển lễ xưa thì đây chính là làn đường dành cho thượng đế và các thần, do đó gọi là Thần Ngự đạo. Ngay cả hoàng đế cũng không được đi trên làn đường này. Hai làn bên, mỗi làn rộng 1,5m - 1,55m được lát bằng đá phiến. Theo quy định, đây là 2 lần Hoàng đế và các quan đại thần đi. Riêng làn phía Đông là làn dành cho vua, gọi là Ngự đạo. Hai làn ngoài cùng, mỗi làn rộng 1,6m - 1,7m được dùng để cho những người theo Vua phục vụ việc tế lễ.
Góc Đông Nam đã tìm thấy một giếng nước lớn (dân gian gọi là giếng Vua hay giếng Ngự Duyên, giếng Ngự Dục). Giếng có cấu trúc 2 phần: Phần thành giếng được xây bằng các khối đá xanh được gia công kỹ lưỡng, thành giếng có mặt bằng hình vuông (13m x 13m), được cấu trúc thành 9 bậc thoải dần về phía lòng giếng hình tròn, phần lòng giếng có đường kính khoảng 6,5m. Toàn bộ phần thành giếng và lòng giếng tạo nên một mặt cắt hình phễu. Độ sâu tính từ miệng giếng xuống lòng giếng là 4,9m (7x7). Đây là giếng cổ có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Kết cấu vuông - tròn cũng là kết cấu giếng duy nhất thấy ở Việt Nam, vì các giếng cổ tìm thấy của người Việt thường có hình tròn. Giếng Vua ở đàn tế Nam Giao Tây Đô có kết cấu vuông - tròn vì lẽ đây là giếng phục vụ tế lễ vốn là nơi tế trời (có biểu trưng hình tròn), kết hợp với tế đất (được biểu trưng hình vuông). Các con số 9 (9 bậc thành giếng) và 7x7 (4,9m đường kính của lòng giếng) cũng là những con số mang nhiều ý nghĩa tượng trưng đậm tính chất tâm linh.
Với tổng diện tích trên 43.000m2, có thể nói đàn tế Nam Giao Tây Đô là một kiến trúc khá hoành tráng trong tổng thể Khu Di sản Thành Nhà Hồ. Không những thế, qua những di vật còn lại, chúng ta còn thấy đàn tế Nam Giao Tây Đô được trang trí khá độc đáo ở trên các kiến trúc có mái. Tường đàn có mái được lợp bằng nhiều loại ngói: ngói mũi sen, ngói mũi lá, ngói mũi hài, ngói ống trang trí, ngói âm dương, ngói là đề. Trang trí bờ nóc, bờ mái là hệ thống kiến trúc phỏng các linh vật được làm từ đất nung hết sức tinh xảo và mềm mại như: Rồng, phượng mỏ vẹt, chim uyên ương, hệ thống gạch trang trí chạm rồng, hoa cúc, sấu thần... cho thấy có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Phật giáo trong trang trí Nam Giao. Trong thời đại hạn chế Phật giáo thì đây cũng là điều hết sức đáng lưu ý của Di tích đàn tế Nam Giao Tây Đô nói riêng và nghệ thuật kiến trúc thời nhà Hồ nói chung. Thêm vào đó, các phần núi non phía sau đàn được lưu giữ khá nguyên vẹn kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc cũng làm tăng thêm vẻ đẹp, tính hấp dẫn riêng có của đàn tế Nam Giao Tây Đô.
Trong lịch sử Việt Nam, đàn tế Nam Giao Tây Đô có giá trị thể hiện ở chỗ đây là một Di tích có mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn, có niên đại sớm nhất nước ta còn tồn tại, được xây dựng cách đây tròn 612 năm. Các đàn tế ở kinh đô Thăng Long nghìn năm không còn nữa; đàn Nam Giao ở kinh đô Huế - thời Nguyễn thế kỷ XIX đều có niên đại muộn hơn. Cho nên, hiện nay chỉ có dấu tích đàn tế Nam Giao Tây Đô là có thể cho chúng ta biết được đôi nét về diện mạo đàn tế Nam Giao thời cổ xưa.
Cấu trúc đàn tế Nam Giao Tây Đô vừa mang đặc điểm chung của các đàn tế Nam Giao phương Đông, vừa mang đặc điểm riêng của Việt Nam. Điểm khác biệt đó là phần trung tâm và cao nhất của đàn tế không phải ở chính tâm mà dựa vào sườn núi. Mặc dù vòng ngoài khá giống với vòng ngoài mô hình đàn Nam Giao ở Bắc Kinh, đời nhà Nguyên - Trung Quốc. Đặc biệt, riêng đàn Nam Giao Tây Đô có trục linh đạo quay theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Nền đàn trung tâm dịch hẳn về phía Tây Bắc, lớp tường trong cùng có góc chạy vát chéo. Vị trí xây dựng và cách thức quy hoạch các công trình theo lối cao dần lên và dựa vào núi cho thấy sự gần gũi với di sản văn hóa Vat Phu (Lào), nơi đây Nhân dân luôn tín ngưỡng và quan niệm về một ngọn “núi thiêng” có thần linh ngự trị và cai quản. Quan niệm này phổ biến trong cộng đồng cư dân Đông Nam Á.
Mỗi một triều đại đều để lại dấu ấn của mình trong tiến trình lịch sử. Dẫu tồn tại trong thời gian ngắn ngủi 7 năm (1400 -1407) nhưng triều đại Nhà Hồ đã để lại cho lịch sử dân tộc với nhiều dấu ấn đậm nét về tư tưởng đổi mới, canh tân đất nước, đó là những công trình kiến trúc đỉnh cao như thành Tây Đô (Thành Nhà Hồ ngày nay đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới) và một đàn tế Nam Giao Tây Đô với nét kiến trúc độc đáo và những đặc điểm riêng có đã và đang góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của quần thể Di sản Thành Nhà Hồ. Di tích này đang được bảo tồn một cách toàn diện và ngày càng phát huy tốt giá trị./.

Nguyễn Bá Linh

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com