TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Tết bản, Tết
13/05/2025 08:23

Năm 2023 khép lại, mọi người, mọi nhà lại vui mừng chào đón một năm mới với mong muốn những điều tốt đẹp của cuộc sống. Năm mới, cũng có nghĩa là sức sống mới, hy vọng mới, vận hội mới đang đến. Trong không khí thiêng liêng đó, những phong tục được truyền từ ngàn đời xưa vẫn được đồng bào dân tộc thiểu số trân trọng, giữ gìn và phát triển, như một mạch nguồn chảy mãi của văn hóa dân tộc. 

Nét đẹp văn hóa qua các phong tục ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số
Thanh Hoá có 6 dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú) vào mỗi dịp đầu xuân, những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc lại thể hiện một cách đặc sắc, trang trọng, thiêng liêng hơn gắn với phong tục tập quán của từng dân tộc.
Tết là thời điểm đánh dấu kết thúc một năm lao động sản xuất và đón một năm mới. Với đồng bào dân tộc Mường, cứ đến ngày 25 tháng Chạp cùng với việc chuẩn bị gói bánh chưng, làm thịt lợn, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới, thì mỗi gia đình người Mường đều dựng một Cây Nêu ở vị trí trang trọng phía trước sân nhà hoặc ngay đầu cổng. Tục dựng Cây Nêu có ý nghĩa là sự trấn trị ma quỷ bảo vệ nhà cửa, con người. Đó cũng là cầu mong gia đình sang năm mới được yên lành, mùa màng tươi tốt, vật nuôi khỏe mạnh. Trong những ngày Tết, người Mường có một phong tục đặc sắc mà họ lưu giữ được là hát Sắc Bùa. Vào ngày Tết, Phường Bùa thường tổ chức đi Sắc Bùa các gia đình trong bản. Phường Bùa đi tới đâu rộn vang tiếng chiêng tới đó, tạo nên không khí ngày xuân tươi vui, rộn ràng.
Nhắc đến phong tục ngày Tết của người Thái, không thể không nhắc đến phong tục Lễ tạ ơn nhằm cầu cho gia đình sống vui, sống khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm mới. Cũng như dân tộc Kinh, để năm mới được suôn sẻ, người Thái kiêng cãi nhau vào mùng 1 Tết, không nói to, không quét nhà,… Theo phong tục của ông cha để lại, họ hay đi ra suối lấy nước vào ngày mùng 1 Tết để tất cả mọi người gội đầu, gột trôi đi những xui xẻo, không may mắn của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Đối với đồng bào Mông, bao đời nay đều giữ phong tục làm giấy bản thay “xử ca” vào ngày 30 Tết để đón năm mới. Bởi thế, giấy bản trở thành vật linh thiêng không thể thiếu của người Mông mỗi khi Tết đến Xuân về. Năm mới đến, dù là gia đình giàu có hay nghèo khó đều phải có giấy bản mới để thay xử ca. Giấy bản là vật tâm linh không thể thiếu của người Mông do chính những người phụ nữ trong gia đình người Mông làm nên. Trong 3 ngày Tết, người Mông còn có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và để dưới bàn thờ như một sự tri ân những công cụ đã luôn theo mình trong lao động, sản xuất suốt năm qua. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, ăn bánh dày…
Với người Dao, trong những ngày Tết Nguyên đán đêm giao thừa, người Dao đốt đuốc xung quanh nhà. Đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ nhà sẽ cầm bó đuốc đi nhặt đá và lá cây tượng trưng cho đi hái lộc rồi mang về đặt dưới bàn thờ. Theo phong tục của người Dao, suốt mùng 1 và mùng 2 Tết phụ nữ không được phép ra khỏi nhà, chỉ tới khi đoàn chúc Tết của cả xóm đi hết các nhà trong bản, họ mới được đi chơi. Sang mùng 3, các gia đình quét hết rác, đá và lá nhặt trong đêm giao thừa ra ngoài rồi dùng những thỏi vàng, bạc bằng giấy màu đốt hơ bên trên. Việc này nhằm xin các cụ phù hộ năm mới may mắn làm ra nhiều của cải.
Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thổ bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch, bằng tục lệ làm Lễ tạ ơn tổ tiên. Trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Thổ, bàn thờ cúng phải được đặt trang trọng ở giữa nhà, hướng thẳng với cửa ra vào, theo tục lệ người đàn ông trong gia đình mới được soạn lễ, thắp hương ở bàn thờ cúng tổ tiên với hy vọng sẽ đón một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người được bình an, mạnh khỏe.
Tết được xem như ngày hội lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, thời điểm này cũng là lúc đồng bào đã xong một mùa lúa bội thu và “Lễ đón mẹ lúa” về với bản làng. Họ chuẩn bị đón Tết một cách đầy đủ, chu đáo, ngoài lễ cúng Mường, người Khơ Mú còn có lễ cúng bản, đặc biệt là lễ cúng ma nhà trong dịp lễ, Tết. Người Khơ Mú cho rằng, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn; Nếu lợn hay chó kêu trước sẽ được mùa và no đủ vì chó thì sang, lợn thì sung túc; Con mèo kêu trước sẽ có nhiều chuột đến phá nương rẫy của đồng bào. Trong ngày mùng 1 đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú và họ cũng kiêng sang làng khác chơi hay chúc Tết vào ngày đầu năm bởi họ cho rằng, sang làng khác thì mọi của cải trong làng sẽ đi theo, làm cho bản làng mình đói kém cả năm.
* Sắc màu Tết của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Thanh
Xuân về, miền Tây xứ Thanh được ví như tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bừng sáng vẻ đẹp hoang sơ của núi non trùng điệp. Trên những đồi mía mướt xanh, rừng xoan, rừng lát phủ kín một màu xanh ngút ngàn của rừng cây, màu phớt hồng may mắn, đủ đầy của hoa đào tỏa hương ngào ngạt, càng tô điểm thêm bức tranh tươi đẹp cho bản làng vùng cao mỗi dịp Tết đến. Trong không khí những ngày đầu xuân ấm áp, lộc non cựa mình chào năm mới cũng là lúc hàng nghìn người vui hội, các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi diễn ra sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa.
Thông qua lễ hội để người dân tưởng nhớ đến những người có công với đất nước, đồng thời là dịp để đồng bào tham gia các trò chơi, trò diễn, tranh tài các môn thể thao truyền thống, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong đó, một số lễ hội thể hiện rõ nét đặc trưng, như: Lễ hội đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ ở huyện Như Xuân; Lễ hội Bàn Bù (Ngọc Lặc); Lễ hội Mường Xia ở xã Sơn Thủy (Quan Sơn); Lễ hội Mường Khô (Bá Thước); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hoá); Lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy); Lễ hội Nàng Han (Thường Xuân); Lễ hội Sết Boóc Mạy (Như Thanh); Lễ hội Mường Đòn (Thạch Thành);... Những lễ hội diễn ra vào dịp mùa xuân ở miền núi phía Tây xứ Thanh điểm sao cho hết sắc màu, thanh âm, dư vị... Đó không chỉ là nét đẹp, minh chứng sinh động về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng quê hương. Hơn hết, những lễ hội ấy là biểu tượng cho tinh thần cố kết cộng đồng, là bến đỗ tâm hồn, nẻo về nguồn cội...
Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tết còn là dịp để đồng bào các dân tộc thể hiện mối quan hệ với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; Với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; Với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh… Tết làm cho không khí các bản, làng tưng bừng, sống động. Xuân mới, Xuân Giáp Thìn 2024 đang về trên mọi nẻo đường. Mỗi một dân tộc có những phong tục tập quán truyền thống đón Tết riêng, nét đẹp văn hoá đó đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu trong văn hoá Tết của người Việt Nam./.

Lê Hường

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com