Trong nhiều năm qua cùng với cả nước, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, được Trung tâm Văn hóa tỉnh - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thực hiện tốt thông qua việc tổ chức Liên hoan văn hóa các dân tộc định kỳ 2 năm một lần, việc làm này góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Trong mỗi kỳ Liên hoan, Nhân dân tại địa phương đăng cai và các Đoàn về tham gia lại được thưởng thức những di sản văn hóa của từng dân tộc thăng hoa trên sân khấu. Từ đó những giá trị văn hóa ấy lan tỏa, hòa quện trong tâm hồn mỗi người dân xứ Thanh, để rồi khi nhắc đến Pôồn Pôông ai cũng biết đó là Di sản của người Mường, Kin Chiêng Bọc Mạy của người Thái, múa Bát của người Dao, nhảy Pá Hộc của người Mông….
Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XVIII năm 2020 được lồng ghép cùng với Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc và Tuyên truyền cổ động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đây là kỳ Liên hoan đặc biệt, bởi nó được diễn ra trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh và không chỉ có những tiết mục văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn có giá trị bởi những bộ trang phục tuyền thống của 7 tộc người sinh sống trên mảnh đất xứ Thanh được tôn vinh. Chính sự đặc biệt này mà Liên hoan cũng được tổ chức theo một cách chưa có tiền lệ trong các kỳ Liên hoan văn hóa dân tộc trước đây. Có thể nói, đây là kỳ Liên hoan được tổ chức mới lạ, sáng tạo nhằm biểu dương sức mạnh đoàn kết các dân tộc thông qua những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Thanh. Ngay phần Khai từ đầu tiên của buổi khai mạc, tình đoàn kết của các dân tộc đã được thể hiện trong bản “Hòa tấu nhạc cụ dân tộc” với sự góp mặt của 150 nghệ nhân, diễn viên của 27 huyện, thị xã, thành phố và từ đây “Tiếng Cồng chiêng, điệu Khua luống, âm thanh Boong bu, tiếng Khèn, gậy Tiền vang vọng giữa đất trời/Để giao hòa tình đoàn kết quê Thanh”.
Điểm mới tại Liên hoan lần này đó là phần diễu hành đường phố đồng thời thi diễn Trò chơi, Trò diễn dân gian, trích các Nghi thức sinh hoạt văn hóa và cũng là Lễ dâng hương báo công với Bác Hồ kính yêu tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên những nghệ nhân, diễn viên, nhạc công không chuyên của các địa phương trong tỉnh biểu diễn trên đường phố và cũng là lần đầu tiên những con người tâm huyết với văn hóa truyền thống từ mọi miền quê Thanh được về dâng hương báo công với Bác.
Qua mỗi phần trình diễn, người xem được hiểu hơn về bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Đó là lễ hội, trò chơi, trò diễn của các vùng miền xứ Thanh nhằm tái hiện toàn bộ đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh từ thuở sơ khai như: Múa trò Xuân Phả, Lễ hội Séc Booc Mạy, Múa bắt nhái dân tộc Thổ... Với đồng bào miền xuôi thì nét đẹp văn hóa lại hiện hữu trong đời sống hàng ngày, ở những làn điệu “í a”, ở sự chịu thương, chịu khó, cần cù khéo léo như: Múa đội đèn Đông Sơn; nấu cơm thi Hoằng Hóa; đi cà kheo Sầm Sơn... ở đó, mỗi trò chơi, trò diễn đều bắt đầu từ thói quen mưu sinh của cha ông trong quá khứ, qua thời gian nó trở thành nét đẹp văn hóa, được gìn giữ, trao truyền để mỗi người không quên nguồn cội. Bằng hình thức vừa di chuyển diễu hành vừa biểu diễn, các đoàn nghệ thuật quần chúng đã đem đến cho Nhân dân và du khách những cảm xúc khó quên khi được đắm mình trong giá trị di sản văn hóa quê Thanh.
Hòa với những cảm xúc không thể nào quên trên đường phố, Nhân dân lại được thưởng thức chương trình văn nghệ dân gian đặc sắc với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, những sáng tác mới ca - múa - nhạc mang âm hưởng, màu sắc dân gian của các dân tộc. Với gần 100 tiết mục văn nghệ đã thực sự đưa khán giả đi từ miền ngược đến miền xuôi rồi ra vùng biển rộng tất cả hòa quện với nhau làm bản hòa ca của những thanh âm đặc sắc chỉ có ở xứ Thanh. Nếu các tiết mục văn nghệ dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn bởi sự sôi động thì phần thi triền diễn trang phục truyền thống lại lôi cuốn những khán giả bởi sự tinh tế, giản dị và trang trọng trong từng trang phục. Trong ánh đèn sân khấu lung linh, những bộ trang phục Ngày thường, Ngày cưới, Ngày hội của các dân tộc Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Mông, Thổ, Kinh... sáng rực rỡ bởi những giá trị văn hóa mà nó mang lại. Nếu trang phục của cô gái Mường, Thái đẹp bởi hoa văn, họa tiết thổ cẩm đan xen khéo léo; trang phục của những cô gái Mông, Dao lại lôi cuốn bởi những sắc màu rực rỡ và trang sức đi kèm; hay sự kín đáo, giản dị trong trang phục của các cô gái Thổ, Khơ Mú thì Áo dài giúp người phụ nữ dân tộc Kinh tinh tế khoe nét đẹp hình thể gợi cảm. Sự đa dạng, nét độc đáo về trang phục của các dân tộc đã tạo nên bức tranh đầy màu sắc trong kho tàng văn hóa, góp phần tạo nên dấu ấn riêng của văn hóa xứ Thanh.
Liên hoan văn hóa dân tộc lần thứ XVIII là dịp để khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là cơ hội giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hoá phi vật thể đa dạng, độc đáo của các vùng miền trong tỉnh; là hoạt động văn hóa có ý nghĩa để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58/NQ-TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước./.
Hoàng Hằng