Bá Thước miền sơn cước nên thơ và hùng vĩ của xứ Thanh, những ngọn núi nhấp nhô trùng trùng điệp điệp, nắng vàng trải dài khắp núi non, cánh đồng làng bản, mùi nắng, mùi lúa chín, mùi đất hòa quyện với nhau thành một mùi hương của đất trời, của con người Bá Thước thân thương, trìu mến, nơi quần tụ của nhiều dòng họ cùng sinh sống, từ nhiều miền quê về đây lập nghiệp, họ đã lập nên xóm làng chống chọi với thiên tai, địch họa để xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, thịnh vượng.
* Nguồn gốc dòng họ Hà Công
Các cụ cao tuổi ở bốn vùng: Làng Sanh (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lộc - dân tộc Kinh), Mường Khô (hiện nay thuộc các xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, huyện Bá Thước - chủ yếu là dân tộc Mường), Mường Khoòng (các xã: Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn-chủ yếu là dân tộc Thái) và làng Đắm (nay thuộc thị trấn Cành Nàng - dân tộc Mường), thường kể một câu chuyện dân gian liên quan đến nguồn gốc dòng họ Hà Công ở Mường Khô và sự tích của ba đền thờ: Cơm Mới làng Đắm, đồng Chùa (làng Song Chót), Chùa Mèo - Đền thờ Hà Công Thái (xã Điền Trung).
Vào thời kỳ triều đình nhà Hậu Lê lục đục, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, một tỳ thiếp của Vua Lê Chiêu Tông mang thai chạy đến Mường Khoòng, sinh ra Chù Chổm trong hang đá. Ông Liêm Quốc (Nguyễn Kim) tìm gặp, đưa hoàng tử ra nhà ông tạo Mường Khoòng để ra mắt thiên hạ, gây dựng lực lượng, chống lại nhà Mạc. Hai cha con tạo Mường Khoòng là Hà Nhâm Chính và Hà Thọ Lộc có công lớn trong việc phục hồi Trung hưng nhà Lê, đều được phong tước công. Người cha là Thụy quận công, Tư mã, Tư đồ Nội dinh Hà Nhâm Chính; Người con là Lân Quận công, Thiếu úy (được truy phong là Thái Úy) Hà Thọ Lộc. Từ đó dòng họ Hà ở Mường Khoòng được mang danh Hà Công. Khi đánh bật được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, Vua Lê và chúa Trịnh chuyển triều đình Nam Triều ra kinh đô cũ, giao cho Hà Thọ Lộc trấn giữ ở thành Tây Giai (Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc) để cai quản một vùng rộng lớn dọc theo lưu vực sông Mã, vào Nghệ An. Hà Thọ Lộc mang theo một số người thân từ Mường Khoòng xuống sinh sống vùng lân cận thành, người xưa thường gọi chung là Bồng Báo.
Trong số người họ Hà từ Mường Khòng chuyển xuống Bồng Báo, có vợ chồng một ông già mù, lầm lũi làm ăn trên sườn núi Bót (Bút Sơn). Tuy tuổi đã cao, mà hai vợ chồng chưa có con cái đỡ đần. Một hôm, hai vợ chồng đi làm nương, bất ngờ tìm thấy một cái am giấu của, có bốn chum vàng. Hai vợ chồng mang về chôn cất dưới bốn chân cột lều, rồi loan báo cho thiên hạ biết ai có của chôn dấu ở đây thì đến lấy. Một người sang trọng từ xa tìm đến nhận là chủ am vàng. Hai vợ chồng đem trả lại số vàng. Người nhận vàng định chia cho một nửa, nhưng hai vợ chồng không nhận gì, nói rằng: Chúng tôi không có của, có công gì, không dám nhận phần, của ngài xin ngài cứ mang về dùng.
Người chủ am vàng cảm phục trước tấm lòng nghĩa thảo của hai vợ chồng, dù nghèo mà không tham của, liền tìm cách báo đáp. Ông tìm được một thầy địa lý người Tàu rất giỏi xem phong thủy, hướng mộ, dẫn đến gặp vợ chồng ông già mù. Biết được gia cảnh đang khó khăn, lại chưa có con trai nối dõi, người thầy địa lý bảo: Ông bà muốn có con trai thì hãy cải táng, chuyển mộ các cụ đến nơi mới: Mẹ đặt ở Mã Đà, Cha ở Đá Dựng (Đầm Mã Đà dưới chân núi Bót, Đá Dựng trên đỉnh núi Bót). Hai vợ chồng ông mù làm theo. Quả nhiên, bà vợ có mang, sinh được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Lớn lên, cậu bé ngoan ngoãn thông minh, học giỏi. Cha mất, người mẹ nuôi con học hành. Vùng đất Bồng Báo có truyền thống học hành văn võ, phát tích làm quan, truyền cho cậu ý chí phấn đấu. Nơi đây còn lưu truyền câu sấm trạng: “Khi nào sấm dậy Mã Đà, sông Mã hết nước, họ Hà hết quan”, “Thiên hạ láo nháo, Bồng Báo nổi lên”. Lúc cậu bé mồ côi cha chuẩn bị lên kinh ứng thí thì người thầy địa lý năm xưa quay trở lại và nói rằng: Ở vùng đất này không ai có thể phát lên, qua mặt họ Trịnh được. Con phải đi xa, tới nơi nào đó mà tu chí, phục thời, tất sẽ làm nên!
Nghe lời người thầy địa lý, hai mẹ con dìu nhau trở về quê cũ Mường Khoòng, xin làm con nuôi ông tạo Mường Khoòng. Tạo Mường có chín người con trai, nhưng không ai tài giỏi bằng người con nuôi. Người ta đặt tên gọi là Tiêu Tai (anh hai Tài). Càng lớn lên, Tiêu Tai càng khôn ngoan vượt trội hơn hẳn con nhà Tạo. Tạo Mường lo sau này đứa con nuôi sẽ ăn hiếp con nhà mình, liền nghĩ cách đẩy đi xa. Một hôm, tạo Mường Khoòng gọi con nuôi đến bảo: Đất của cha còn rộng, Mường của cha còn dài. Con hãy thay mặt cha đi xuống vùng dưới làm tạo, cai quản đất mường Khả, mường Khô giúp cha. Tiêu Tai hỏi: Mường Khả, mường Khô ở đâu cha ơi? Cha chia cho một cái sanh đồng to, bốn quai, con hãy ngồi vào đó, thả trôi theo dòng nước, sanh quẩn vào đâu thì Mường Khả, Mường Khô ở đó!
Nghe lời cha nuôi, Tiêu Tai chia tay Mường Khoòng, cùng mẹ ngồi vào chiếc sanh to, làm thuyền, xuôi theo dòng suối Nủa, ra gặp sông Mã. Quá cửa suối một đoạn, chiếc sanh quẩn vào một vụng nước, quay tròn, không thoát ra được. Cái sanh lắc nghiêng, sắp bị đắm. Ông xã Đắm đi chăn trâu trên bờ, trông thấy, liền bơi ra cứu vớt, dìu hai mẹ con vào bờ. Từ đó, vụng sông này có tên là Vụng Đắm. Ông xã Đắm đưa hai mẹ con cùng cái sanh về nhà. Sau khi hỏi thăm nguồn cội, ông xã Đắm ngỏ ý mời hai mẹ con ở lại trong nhà. Tiêu Tai xin nhận làm con nuôi và tự danh là Hà Công Thi. Còn ông xã Đắm, nhận làm cha nuôi có tên là Phạm Văn Á. Từ đó, trong nhà xã Đắm có hai dòng họ Phạm, Hà sống chung. Anh Thi rất hiếu thảo với cha nuôi, và ông Á cũng nhất mực thuơng yêu con nuôi. Lúc này, làng Đắm chỉ mới có vài ba nóc nhà. Xung quanh là rừng bưa bo, gò bưa bứng, hoang vu, rậm rạp. Anh Thi bàn với cha nuôi, đi gọi thêm người nơi khác về, hợp sức khai ruộng, dựng nhà, mở mang làng lũng. Trong đó có cả người Thái Mường Khoòng. Một vài năm sau, đồng ruộng đã nên vằn vặc, tạc nà đã nên vằn von, anh Thi còn hiến kế cho mọi người bắc máng dẫn nước từ trên núi về tưới bãi, đắp đập đào mương tưới ruộng. Một làng Đắm mới ra đời, phong quang rộng rãi, dân tình đông vui, có đủ “cơm nếp tháng năm, cơm chăm tháng mười”. Người làng Đắm có tục ăn cơm mới rất vui và tình cảm. Hai dân tộc hòa nhập làm một. Trong làng bầu ra hai ông xã chòm: Ông họ Phạm gọi là ông Xã Anh, ông họ Hà gọi là xã em. Mỗi khi có việc việc vui, cả làng ăn cơm chung. Khi ấy lại đem cái sanh bốn quai ra nấu. Về sau, để ghi ơn các bậc tiền bối đã có công khai làng, lập bản, con cháu làng Đắm lập lên hai nhà thần (đền thờ) để cúng tế linh hồn các ông. Lễ hội thờ thần hàng năm diễn ra rất sôi nổi, kết hợp cả phong tục người Thái và người Mường.
* Ông lang Khô và sự tích chùa Mèo - Đền thờ Hà Công Thái
Tuy làng Đắm đã có cuộc sống no ấm, đông vui, nhưng làng Đắm vẫn bị quấy nhiễu, phiền hà, do phải chịu sự cai quản, sai khiến của nhà lang Mường Khả, đóng ở làng Chiềng Lẫm (nay thuộc xã Điền Lư). Đến kỳ, ông xã Đắm vẫn phải đi phục dịch, làm việc trong nhà đạo Khả (đạo Khả thuộc dòng dòng họ Hà Văn). Thương cha nuôi, anh Thi xin được đi thay cha. Qua mấy lần đến hầu hạ, làm việc tại nhà đạo, anh Thi tỏ ra rất thông minh hoạt bát, lại đẹp trai. Người cháu gái đạo Khả-con tạo cai, phải lòng, xin cha mẹ, họ hàng giữ lại làm rể. Anh Thi trở thành cháu rể của nhà ông đạo Mường Khả quyền quý. Anh Thi theo vợ về ở nhà bố mẹ tại làng Ngán. Một thời gian sau, đi làm một khu đất khá bằng phẳng, lại có suối nước trong và mó nước mát đùn lên, con chó nhà cứ đứng sủa ở đó, không chịu đi. Đi xem, thầy địa lý bảo: Thần muốn cho chủ chó đến đây ở thì sẽ gặp nhiều điềm lành. Hai vợ chồng xin phép cha mẹ vợ ra ở riêng, dựng nhà, khai hoang nơi con chó đúng sủa (nay là làng Triu xã Điền Lư). Một thời gian sau, nơi này có một ngôi nhà sàn ngay ngắn, tinh tươm. Xung quanh vườn ruộng tươi tốt. đường sá đi lại tứ phương, thật là đáng sống. Hai vợ chồng lại tốt bụng, niềm nở, thường hay đón mời mọi người đến ăn cơm, uống rượu cần, nhất là các quan lang xã chòm đi họp ngang qua.
Năm đó, tạo Mường Khả bị thầy địa lý người Tàu xúi giục, chặt hạ mất cây Mỏ So ở đầu nguồn mương Chạng. Cây Mỏ so chảy máu, chết khô. Trời giận, làm cho hạn hán kéo dài, đồng ruộng khô cạn “rắn bò thấy trốc, ốc bò thấy đuôi”. Dân tình đói khổ, lầm than. Nạn trộm cắp diễn ra liên miên, nhất là nạn ăn cắp trâu. Đạo Khả hối hận, dằn vặt, sinh ốm, không đủ sức cai quản dân chúng. Con trai nhà đạo không có ai ra hồn. Người thì rồ dại, ốm yếu, thiếu sinh khí. Các quan lang, xã chòm lũ lượt đi về nhà đạo để bàn việc hệ trọng của Mường, chọn ra một người thay thế tạo già. Hai vợ chồng anh Thi mời họ lên nhà ăn cơm, uống rượu. Nhân đó hỏi dò về nội tình việc Mường. Người vợ khéo léo gợi ý. Các quan lang xã chòm đồng tình bầu cho cháu rể đạo Khả là Hà Công Thi lên làm đạo Mường Khả. Năm đó, trời đất vẫn còn khô hạn, gay gắt. Ông Đạo Mường mới đổi tên Mường Khả thành Mường Khô và chuyển chiềng từ làng Lẫm xuống làng Triu, bắt đầu có tên Chiềng Triu từ đó. Cho đến nay, Mường Khô có hai làng Chiềng là Chiềng Lẫm và Chiềng Triu. Đạo Mường Khô được gọi là lang Khô.
Hà Công Thi lên làm lang Khô, mở đầu một giai đoạn dòng họ Hà Công cha truyền con nối làm lang Khô. Để tránh tên húy, người ta gọi ông tổ trên cùng là Ông Ngôn (tiếng Mường, ngôn có nghĩa là trên cùng, như ngôn man là đầu thang, ngôn chòng là đầu dốc). Ông Ngôn bắt đầu chấn chỉnh lại công viêc bản Mường. Trước hết tập trung giải quyết việc hạn hán. Ông tìm cách khai thác các nguồn nước ngầm lộ thiên như: Mó Voi, mó Nàng, mó Don, mó Khú,... đắp nhiều mương bai ngăn suối lấy nước vào ruộng. Đồng thời ông tìm người tài giỏi giúp việc, lập thêm chức Ông Viềng, Ông Vá để hiến kế bày mưu, thắt chặt luật lệ, huấn luyện binh mường tinh thông võ nghệ để sẵn sàng ứng chiến. Sau một thời gian lang Khô cai quản, mọi thứ được ổn định trở lại và phát triển thành một Mường giàu mạnh nhất vùng. Dòng họ Hà Công được dân tin tưởng, phục tùng.
Lại nói, người mẹ của Hà Công Thi do đã gắn bó với đất, với người làng Đắm nên khi con trai đã làm lang Mường Khô, quyền thế sang trọng, bà vẫn không đi theo con. Nhớ con, thỉnh thoảng bà lại đi bộ qua đường rừng xuống thăm con. Không may, lần cuối cùng bà bị hổ vồ chết trong rừng, gần làng Song Chót. Con cháu mang thi hài về mai táng tại Đống Sáng (tôồng Cláng), nghĩa địa riêng của dòng họ Lang Khô, giáp giới làng Ngán và làng Muổng. Con cháu và dân Mường dựng đền thờ để thờ cúng linh hồn bà. Lúc đầu có tên gọi nôm na là đền thờ Mụ (tức thờ mẹ của nhà Lang), về sau người ta gọi là đền thờ mụ Mèo (tức mụ bị cọp bắt, gọi tránh đi thành Mèo). Có một thời ở vùng người Mường Thanh Hóa, người ta có thói quen gọi các đền, miếu là chùa, nên đền thờ Mụ Mèo gọi là Chùa Mèo. Nơi bà bị cọp làm hại cũng dựng lên một cái miếu thờ. Nơi đó có tên là Đồng Chùa.
Dòng họ lang Khô do có chí tu thân, cần mẫn việc Mường, lại chăm lo thờ cúng tổ tiên, nên các thế hệ đều phát tích nổi danh. Hà Công Ngôn, Hà Công Ngoan, Hà Công Kinh đều là những ông lang giỏi giang hào phóng. Đặc biệt Hà Công Thái, thời kỳ cuối Lê, đầu Nguyễn, có công dẹp yên loạn tặc, góp phần thống nhất đất nước, được Vua Gia Long phong tước quận công; Hà Văn Mao một nhà yêu nước, lãnh đạo phong trào Cần Vương của đồng bào Mường Thanh Hóa, anh dũng chống pháp cuối thế kỷ XIX; Hà Triều Nguyệt tham gia phong trào chống Pháp đầu thế kỷ XX, thánh sống của đình làng Chàng Lang (Yên Định), lĩnh binh, tri châu Tân Hóa từ năm1928 đến 1940. Chùa Mèo luôn được các thế hệ dòng họ Hà Công và dân chúng Mường Khô chăm lo thờ cúng và cơi nới, mở rộng thêm. Từ một đền thờ dòng họ trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của cả cộng đồng. Đến thời Hà Triều Nguyệt làm tri châu, ông cho tu sửa lại chùa Mèo với quy mô quy củ hơn. Đền được kiến thiết bằng một ngôi nhà gỗ lim, chia làm 3 gian. Gian giữa lồi về phía sau dùng để đặt bàn thờ Mụ. Chính điện thờ Hà công Thái. Bàn thờ được trang trí lộng lẫy uy nghi bằng các đồ vật sơn son thiếp vàng, trên bàn có đặt sắc phong, bài vị của ngài. Bàn thờ bên trái thờ gia tộc Hà Công. Bàn thờ bên phải thờ cộng đồng dân chúng Mường Khô. Phía trước đền thờ là sân chơi lễ hội. Người ta ít gọi tên Chùa Mèo mà gọi Chùa Lang Khô, hay Đền thờ Hà Công Thái.
Lễ hội Chùa Mèo - Chùa Lang Khô - Đền thờ Hà Công Thái, là lễ hội to nhất, nổi tiếng nhất ở Mường Khô, cho nên người ta thường gọi là Lễ hội Mường Khô. Lễ hội Mường Khô diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Dân chúng các làng ở xa mang cơm gạo đến ở trọ các làng xung quanh Chùa để tham gia thờ cúng, vui chơi, thi tài, giao lưu tình cảm. Trai gái rủ nhau đi chơi Đền Sòng, Phố Cát, có khi đến cuối tháng Giêng mới về. Hiệu lệnh của Lễ hội Mường Khô là tiếng trống. Một chiếc trống to treo ở trước cửa chùa. Mỗi khi đánh lên, cả Mường đều nghe. Chuẩn bị lễ hội, dân chúng trong Mường tập trung đông đủ, nhưng phải chờ đến khi ông Xã Đắm đến nơi mới được đánh trống khai hội./.
Hà Nam Ninh