TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Sự giao thoa trong bộ nữ phục người Mường Thanh Hóa với người Mường Hòa Bình
28/07/2020 10:14
Thanh Hóa, có hơn 20 vạn người Mường sinh sống trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn bộ lưu vực rộng lớn sông Mã, Sông Chu là khu vực cư trú của người Mường. Tập trung với mật độ lớn tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước. Ngoài ra, còn phân bố ở một số huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Y phục phụ nữ Mường tỉnh Thanh Hóa.

Trong nhiều vấn đề về lịch sử và văn hóa Mường ở Thanh Hóa có vấn đề về nguồn gốc của khu vực này. Có ý kến cho rằng, họ là những cư dân bản địa, có ý kiến khác lại cho rằng họ là những bộ phận cư dân thiên di từ Hòa Bình vào. Đối chiếu với các tên gọi của người Mường ở Thanh Hóa là: “Mon” “Mon Ha” “Mọi Bi” thì chúng ta thấy, đại bộ phận người Mường có tên gọi “Mọi Bi” là từ Mường Bi của tỉnh Hòa Bình di cư vào. Riêng các bộ phận người Mường được gọi là: “Mon” “Mon ha” thì chưa có được ý kiến thống nhất. Một số nhà nghiên cứu ở Thanh Hóa thiên về quan điểm bản địa của các nhóm cư dân này. Dù sao thì nhóm người Mường ở Thanh Hóa về nguồn hợp thành của nó có các bộ phận sau đây: Di cư từ Hòa Bình vào, có một bộ phận người Kinh bị Mường hóa, một bộ phận là dân tại chỗ. Như vậy, về mặt lịch sử cư trú của người Mường là tộc người có mặt ở vùng gò đồi xứ Thanh từ rất lâu đời.

Y phục phụ nữ Mường tỉnh Hòa Bình.

Con gái Mường Thanh Hóa, người đậm, căng tràn sức sống với nước da rám nắng, hồng hào như nhìn thấy được cả dòng máu nồng nàn đang chảy, vẻ đẹp của cô gái Mường như có cả nắng, cả gió, biển cả và sông núi.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường là đặc trưng mang tính tộc người bao gồm nhiều bộ phận như khăn, áo khóm, cạp váy, thân váy... Mỗi bộ phận như một bức tranh mỹ thuật dân gian truyền thống...
Hiện nay, trước xu thế đổi mới và hội nhập, phần khăn đội đầu và phần cạp váy của bộ nữ phục Mường hầu như được dệt bằng những sợi vải công nghiêp. Phần chân váy được may bằng những loại vải nhung, sa tanh đã làm cho bộ nữ phục tăng thêm sự mềm mại duyên dáng.
Có thể nói, do nguồn gốc tộc người nên bộ trang phục của phụ nữ Mường Thanh Hóa và phụ nữ Mường Hòa Bình cơ bản giống nhau về hình thức và cách trang trí trên một số hoa văn. Hoa văn trên cạp váy Mường Thanh Hóa, Hòa Bình có sự liên hệ với hoa văn trên trống đồng Hêgơ (loại I loại II), trống đồng Đông sơn (loại I), phân bố tập trung ở hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Điều này cho thấy nghệ thuật trang trí cạp váy Mường nằm trong dòng chảy văn hóa Đông Sơn.
Tuy nhiên, áo khóm của phụ nữ Mường Hòa Bình và phụ nữ Mường Thanh Hóa cũng có sự khác nhau. Đối với người Mường Thanh Hóa, áo khóm ngắn, chui đầu, cổ tròn được viền màu ôm khít chân cổ, có xẻ một chút 2 bên vai, chỗ xẻ được dùng dây buộc. Khi mặc, cạp váy phía trước trùm ra ngoài áo khóm, phía sau lưng thì để bung ra ngoài. Còn áo khóm của người Mường Hòa Bình dài đến chấm eo lưng, không có cổ, mở bụng và cài cúc, bên trong có yếm.
Con gái Mường Thanh Hóa, mặc màu sắc đậm đà trầm ấm hơn. Khăn chàm thẫm thêu hoa, áo khóm đủ màu, hai gam màu chính chủ đạo là màu xanh nhạt và vàng nhạt. Ngoài ra, hoa văn trên cạp váy Mường Thanh Hóa có nhiều điểm chung với các dân tộc khác. Sự gần gũi Thái, Mường hay là sự hỗn dung các yếu tố văn hóa của hai tộc người này thể hiện rất rõ ở bộ nữ phục ở các huyện miền núi phía Tây của Thanh Hóa, nhất là ở các huyện vùng cao Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh.
Bộ nữ phục hỗn dung Mường - Thái đã trở thành sở hữu chung của các cư dân này ở Hòa Bình và vùng giáp Hòa Bình - Thanh Hóa. Một số hoa văn trên cạp váy của các nàng Mường có sự tương đồng với hoa văn trên mặt phà (chăn) của người Thái.
Tuy nhiên, do mối quan hệ qua lại, giao lưu thường xuyên, đặc biệt là sự có mặt lâu đời của người Kinh ở khu vực này đã khiến cho sự “Kinh hóa” thể hiện qua các dạng thức của văn hóa vật chất mà quần áo là một ví dụ điển hình đang làm cho người Mường, người Thái ngày càng có xu hướng ăn mặc giống người kinh.
Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa dân tộc Mường Thanh Hóa (Mường trong) với dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình (Mường ngoài) và với các dân tộc khác trong tỉnh đã làm cho bộ nữ phục Mường Thanh Hóa thêm đa dạng và phong phú. Đây là yếu tố độc đáo, mang tính nổi trội làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Mường./.

Phạm Kim Quy

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com