TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
"Sống chung với Covid- 19" là lựa chọn tối ưu
10/03/2022 10:38
Nhân loại sắp đi qua năm 2021 đầy thử thách bởi đại dịch Covid- 19, mà mọi nỗ lực của con người chỉ mới tạm thời chặn đứng nguồn lây lan và giảm thiểu thiệt hại, nhưng chưa có phương án hoàn hảo nào có thể xóa bỏ dịch bệnh khỏi đời sống xã hội.

Ngay ở Việt Nam, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng dù đã ứng phó kịp thời, nhưng sức tàn phá của đại dịch Covid- 19 đã để lại vết thương trong lòng đất nước, khi có hơn 1,3 triệu ca nhiễm, hàng chục ngàn ca tử vong và rất nhiều những bệnh nhân nặng đã tạo áp lực tới đời sống Nhân dân, tới nền kinh tế và hệ thống y tế đất nước. Đỉnh điểm là đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4 năm 2021, đầu tiên là Bắc Giang, Bắc Ninh sau đó lớn dần lên ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam rồi lan ra hầu hết ở các tỉnh, thành trên cả nước. Đất nước căng mình chống dịch, mọi nguồn lực được huy động và đặt trong tình trạng “đất nước như đang ở thời chiến”. Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đã tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua “làn sóng dữ Covid- 19”, dần dần đưa đất nước trở về trạng thái “Bình thường mới”. Những số liệu thống kê, cập nhật hàng ngày của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 ở các địa phương trên cả nước đã cho chúng ta cái nhìn tổng thể, khách quan về diễn biến của dịch bệnh từ đó có các phương án hiệu quả hơn trong cuộc chiến với Covid- 19.
Trước sự khó lường của “kẻ thù biến hình” virus Sars-Cov-2 như biến thể Delta mà mới nhất là biến thể Omicron (B.1.1.529) có nguồn gốc từ Nam Phi đang gây quan ngại trên thế giới, với tốc độ lây lan rất nhanh đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao độ để đối phó. Bên cạnh phải tập trung sức người, sức của để chống dịch đất nước vẫn phải phát triển nên việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện bắt buộc. Chính vì thế chúng ta cần thay đổi tư duy, phải có phương châm chống dịch mới với chiến lược lâu dài, thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh. Ngày 29/8/2021 tại cuộc họp với 20 tỉnh thành về công tác phòng, chống dịch Covid- 19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 đã nói: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, xong cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Lời phát biểu vào thời điểm dịch bệnh đang bùng phát dữ dội đã thể hiện tư duy mới trong phòng chống dịch Covid- 19 của Chính phủ. Đặc biệt là thông điệp “Sống chung lâu dài” với Covid- 19, từ đó tạo ra bước ngoặt trong tư duy chống dịch vốn dựa vào triết lý “Zero Covid ” kể từ năm 2020. Thông điệp đó là quá mạnh đã triệt tiêu dần các Chỉ thị với phương châm “đóng cho lành, đóng cho an toàn” khi chỉ cần một ca nhiễm Covid- 19 là phong tỏa cả một khu vực, có khi cả xã, cả huyện,… Việc thay đổi phương châm chống dịch là cần thiết bởi việc phải “sống chung” với Covid- 19 là cách chống dịch “sống trong lòng địch” để “biết mình, biết ta” từ đó tạo ra sự chủ động trong phòng chống đại dịch. Việt Nam đang đồng thuận với xu thế tất yếu trên thế giới, chọn phương án “Sống chung với Covid- 19”.
Nói đến từ “Sống chung” hẳn sẽ có những băn khoăn nghi ngại nhưng ta cần phải hiểu “Sống chung với Covid- 19” nghĩa là có các giải pháp dịch tễ và y tế linh hoạt, uyển chuyển theo từng mức độ lây lan của virus Sars- Cov-2 . Không áp dụng các biện pháp phong tỏa cực đoan, bởi nền kinh tế của Việt Nam cũng có giới hạn chịu đựng khi nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp mất nhiều hợp đồng, các nhà máy đóng cửa, nhân lực thiếu hụt,… Đặc biệt hơn cả là nỗi khổ sinh kế của người dân, khi mọi cứu trợ của Nhà nước chỉ là tạm thời. Trong biện pháp chống dịch mới đã phân loại cấp độ dịch từ thấp đến cao, đó là: Màu xanh - nguy cơ thấp (bình thường mới); màu vàng - nguy cơ trung bình; màu cam - nguy cơ cao; màu đỏ - nguy cơ rất cao. Việc phân loại cấp độ dịch là cần thiết, bởi sự cụ thể, rõ ràng sẽ có cách ứng phó phù hợp.
Không ai lại muốn “Sống chung với Covid- 19”, nhưng đấy là điều chúng ta phải chấp nhận với việc loại bỏ vĩnh viễn virus Sars- Cov-2 có thể là bất khả kháng nên hãy xem nó như một “hiện tượng”, hay một phần tất yếu của thế giới hiện đại, do đó chúng ta không có sự lựa chọn hoàn hảo mà chỉ có sự lựa chọn tối ưu. “Sống chung với Covid- 19” không có nghĩa là sống chung với đại dịch, mà giảm thiểu tác hại của nó một cách khoa học, chủ động, vẫn xem sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, người dân vẫn phải là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống đại dịch và vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch đó là : “5K + Vaccine + Thuốc điều trị + Công nghệ +Ý thức người dân + Các biện pháp khác”. Trong các biện pháp thì 5K và tiêm Vaccine là cực kỳ quan trọng vì 5K sẽ giảm sự lây lan còn tiêm Vaccine sẽ giúp con người có một kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus Sars-Cov- 2, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc” cùng cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Dù Thanh Hóa đã có hơn 4000 người nhiễm virus Sars-Cov-2 và có hơn chục bệnh nhân tử vong, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trên dân số và tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc Covid- 19 vẫn thuộc nhóm thấp so với cả nước. Mỗi khi có công dân trở về (đặc biệt là từ các tỉnh thành phía Nam) đều được cách ly, xét nghiệm, sàng lọc kịp thời, những ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng ngay lập tức được khoanh vùng, truy vết, phong tỏa khu vực hẹp, triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Dịch bệnh Covid- 19 vẫn còn đấy, những khó khăn khi mở cửa trở lại vẫn chưa hết, nhưng những câu chuyện tử tế khiến cuộc sống thêm phần ý nghĩa với “Phiên chợ không đồng”, “bếp ăn miễn phí”, “ATM gạo”, “ATM oxy”... Đây như một minh chứng hùng hồn về tình người của những người dân đất Việt trong gian khó dành cho nhau. Chúng ta mới làm lễ tưởng niệm hơn 23 ngàn đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Những mất mát đã để lại nỗi đau đến tận cùng, đấy cũng là sự thấm thía “tưởng niệm người mất, nhắc nhở người sống” hãy ý thức hơn nữa trong phòng chống dịch Covid- 19, hãy sát cánh, đoàn kết vượt mọi khó khăn để chiến thắng dịch bệnh. Mọi thành công đều có bài học, mọi thắng lợi đều có mất mát. Nhưng, chúng ta tin tưởng vào con đường phía trước, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid- 19, phát triển kinh tế - xã hội, để cuộc sống lại tiếp tục sinh sôi, nảy nở, ấm no, an lành cùng đất nước bình yên./.

Hồng Sơn

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com