TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Sắc phong - Mạch nguồn Văn
03/01/2023 09:36

Sắc phong được xem là một loại hình di sản văn hóa, là nguồn tài liệu quý báu, không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tinh thần, mà còn chứa đựng nhiều giá trị về mặt lịch sử. Bởi vậy, trải qua bao thăng trầm của thời gian, cho đến nay nhiều địa phương trong tỉnh, các dòng họ, ngôi chùa, đình làng những tấm sắc phong vẫn đang được cất giữ và xem như “báu vật” mà ông cha để lại.
Thanh Hóa - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra những anh hùng hào kiệt và danh nhân văn hóa. Chính họ đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa độc đáo, trong đó, có rất nhiều tư liệu sắc phong phản chiếu sinh động, toàn diện bức tranh đời sống làng xã xưa và nay. Mặc dù chưa có số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu sắc phong, thế nhưng, nhìn vào số lượng sắc phong đang còn được bảo quản, lưu giữ ở các dòng họ, đình, đền, có thể thấy rằng số lượng sắc phong hiện còn khá nhiều. Khi bàn về sắc phong các nhà nghiên cứu lịch sử đều khẳng định: sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) là văn bản của nhà Vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, Thành Hoàng làng. Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả,... sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến. Về cơ bản, sắc phong gồm hai loại: sắc phong chức tước dùng để phong cấp, thưởng chức tước cho các công thần và sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh được thờ cúng trong đình, đền, miếu, từ đường...

Đền Nghiêm xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương nơi còn lưu giữ nhiều sắc phong quý.

Sắc phong được xem là di sản văn hóa độc đáo, có ý nghĩa quan trọng về khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và nghệ thuật, là nguồn tư liệu quý giá mà cha ông để lại. Bởi nhìn vào sắc phong, những người có chuyên môn có thể biết được xuất xứ triều đại nào, niên đại bao nhiêu cùng các nét văn hóa lịch sử đặc trưng của thời kỳ ấy; đồng thời, cũng là nguồn tư liệu chuẩn xác để nghiên cứu sự thay đổi địa danh và đơn vị hành chính, cung cấp cho đời sau nguồn tư liệu về lịch sử lập làng, xã, lịch sử hình thành dân cư, dòng họ, cộng đồng, khai khẩn, thành hoàng làng. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng ấy, trải dài suốt nhiều thế kỷ cùng với sự biến đổi của lịch sử, đến nay có không ít ngôi đình làng, dòng họ, đình chùa, miếu mạo đã tìm lại và dày công gìn giữ các sắc phong của nhiều triều vua phong kiến Việt Nam. Có dịp về đền thờ Lê Giám, xã Đông Ninh (Đông Sơn) được nghe câu chuyện bảo tồn, gìn giữ sắc phong của con cháu dòng họ Lê, mới thấy được niềm tự hào, vinh dự của mỗi người dân nơi đây. Ông Lê Đình Lực, trưởng ban quản lý đền thờ Lê Giám, chia sẻ: “Tại đền thờ hiện còn lưu giữ được 3 sắc phong dưới thời Hậu Lê. Trong đó 2 sắc phong ban cho ông Lê Giám, người đã có công dẹp giặc và được vua ban là Thái Phó, Tước Thánh Quốc Công và một sắc phong ban cho ông Phúc Hậu, là người dùi mài kinh sách cho nho gia. Ông là người đã đi thi hương và đạt “nho sinh trúng thức” (như cử nhân thời Nguyễn). Với dòng họ Lê chúng tôi, sắc phong là tài sản vô giá mà tiền bạc không thể mua được. Sắc phong trở thành điểm tựa tinh thần để mỗi người, dù sinh sống ở đâu đều thấy bản thân mình như một phần ở trong đó, như được che chở, bao bọc. Từ đó họ ý thức hơn, sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông và những vị thần được phong sắc. Bởi vậy, dòng họ Lê chúng tôi nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ đều rất trân trọng, bảo vệ, gìn giữ cẩn thận các sắc phong. Hiện tại ba sắc phong được chúng tôi bảo quản trong hộp gỗ, đặt ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất tại đền thờ để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như mất cắp hay hư hỏng. Tới đây, chúng tôi đang dự tính sẽ photoshop thành bản khác để treo trong đình, còn bản chính sẽ được cất giữ để bảo quản tốt hơn”.
Ðối với những người làm công tác văn hóa, sắc phong không chỉ là nguồn tài liệu, di sản quý mà còn mang giá trị lịch sử, nghiên cứu, khảo cứu. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 138 đạo sắc có niên đại thời Lê và thời Nguyễn (trong đó thời Lê 40 sắc, thời Nguyễn 98 sắc), được sưu tầm từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Sắc phong là một loại hình văn bản đặc biệt và cũng là những bảo vật thiêng liêng, nên có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần ở các làng xã, hoặc có khi cho cả vùng miền, quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, những sắc phong này đã được bảo tàng bảo quản trong tủ chuyên về quản lý tài liệu, ở nhiệt độ 22 - 25 độ C, để tránh được ẩm mốc, hư hỏng. Hiện bảo tàng đang tiến hành công tác bảo quản sắc phong thông qua hệ thống sổ sách, phần mềm vi tính để quản lý và giữ gìn một cách tốt nhất.
Thời gian qua, các sắc phong đã được nhiều thế hệ quan tâm tìm tòi, dày công gìn giữ. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng việc bảo quản, lưu giữ các sắc phong đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi phần lớn sắc phong đều tồn tại trong thời gian dài cả trăm năm nên đến nay rất nhiều tài liệu bị mục nát, thất lạc, vì vậy nội dung tài liệu cũng mất đi. Một số sắc phong hiện nay còn tương đối nguyên vẹn nhưng được bảo quản thiếu khoa học cũng đang trên đà xuống cấp, trong đó điển hình nhất là loại hình sắc phong ở các di tích lịch sử, văn hóa. Bởi vậy, để cho sắc phong cổ không bị hủy hoại, hao mòn theo thời gian mà vẫn giữ được những giá trị, ý nghĩa lâu bền vốn có, theo chia sẻ của những người tâm huyết tìm tòi, giữ gìn sắc phong, hay các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa thì cần hơn hết là phải có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và thậm chí, mỗi người dân cần phải nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn các hiện vật lịch sử, đặc biệt là sắc phong. Cùng với đó, đối với những đạo sắc đã bị mối mọt, các địa phương phải có kế hoạch cùng Viện Nghiên cứu Hán Nôm bồi trúc lại. Còn những sắc phong đang lành phải tiếp tục bảo quản trong ống gỗ đã được sơn. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách cụ thể về nguồn kinh phí nhằm phục vụ cho việc bảo quản, phục hồi, phục chế các sắc phong một cách bài bản, cụ thể chứ không phải dừng lại ở việc bảo quản bằng những cách thô sơ, thủ công như hiện nay./.

Nguyễn Đạt

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com