Từ xa xưa người Mường đã tự trồng bông, dệt vải, để làm ra vải vóc, quần áo, chăn màn, gối, đệm phục vụ nhu cầu đời sống con người. Với hai chất liệu vải mà người Mường thường dùng đó là: Vải bông và vải lụa tơ tằm (Vải bông thì cho nhà bình dân, còn lụa tơ tằm cho nhà giàu có) mỗi một chất liệu vải có một quy trình sản xuất khác nhau:
*Sản xuất vải bông
Để sản xuất ra tấm vải bằng sợi bông bên cạnh đức tính siêng năng cần cù và khéo léo của người con gái Mường còn phải qua các bước sau đây:
Trồng bông: Khi đã chọn được đất thì sau Tết Nguyên đán người Mường đi phát rẫy trồng bông. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 khi hoa nở trắng xóa nương bông thì tiến hành thu hoạch và chỉ thu hoạch bông vào ngày trời nắng, bông trắng, bông khô, đem về phơi nắng và gom lại rồi tiến hành cán bông.
Cán bông (Ít bông): Công cụ cán bông làm bằng gỗ (giống như cây kéo mật thu nhỏ) đây là quá trình tách hạt ra khỏi bông.
Cung bông (cán bông ): Quá trình làm cho bông mịn và trắng
Vò con cúi (con rò): Là người ta dùng một que tre vót nhẵn giống như que đũa, dài khoảng 30 - 40 cm, lấy một nắm bông vừa phải rồi trải ra đặt que tre lên và vò cho nắm bông săn to bằng ngón chân cái và dài chừng 20 - 25 cm.
Kéo sợi: Từ con cúi người ta kéo thành sợi chỉ (sợi vải) kéo đến đâu thì cuộn đến đó thành ống chỉ, mỗi ống chỉ dài khoảng 15cm, to bằng cổ tay.
Guồng chẳng: Đây là bước để chia cho các tay chỉ đều nhau, đồng thời cũng là bước làm cho sợi chỉ không bị rối trước khi kéo thành từng ống chỉ nhỏ.
Ngâm cháo vải: Giai đoạn này người ta ngâm sợi bông vào nước cháo và phân sợi thành 2 loại (nếu cần thiết) một loại dệt thành những tấm vải xô trắng, loại này thì dệt xong mới nhuộm màu tùy theo mục đích sử dụng, nhuộm đen (chàm) làm váy, làm khăn, nhuộm nâu làm quần áo nam giới, làm chăn, làm túi... Nếu làm thổ cẩm thì nhuộm thành các màu xanh, đỏ, tím, vàng…
Nhuộm chỉ: Trước kia người Mường thường trồng các cây để lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ để làm màu. Muốn đen nhuộm chàm, nhuộm vỏ; muốn đỏ nhuộm vang; muốn vàng nhuộm nghệ… Ngày nay đồng bào Mường đa số nhuộm màu công nghiệp để có được các màu sắc hoa văn thổ cẩm rực rỡ hơn, thậm chí hiện nay người ta còn dùng sợi chỉ, sợi len công nghiệp để dệt khăn, dệt vải, dệt hoa văn thổ cẩm.
Nhà ống (Đánh khót): Tùy từng sở thích và điều kiện của mỗi người, có thể mắc cửi trước hoặc đánh ống khót (ống chỉ để đưa vào thêu dệt).
Mắc vải (Mắc cửi): Đây là công đoạn khó cần người có kinh nghiệm và thật sự khéo léo. Khi tiến hành mắc cửi (nếu là dệt thổ cẩm) phải có từ 4 - 6 người phụ nữ thành thạo công việc tham gia, trong đó có một người giỏi tay nghề đứng đầu (đứng trụ), người chạy vải (giăng vải), 2 - 3 người chải (dùng lược to để chải cho vải không bị rối), cuối cùng là người đi sau gỡ rối nếu lỗi.
Lên Khung cửi (Đan co): Mắc vải xong tiến hành đan co, sỏ khổ. Đặc biệt là dệt hoa văn thổ cẩm phải có người tài giỏi để gài hoa (lấy mẫu hoa văn) và hoa văn thổ cẩm của vải sợi bông đơn giản hơn nhiều so với hoa văn thổ cẩm dệt từ lụa tơ tằm.
Dệt vải - dệt thổ cẩm: Cũng là động tác ngồi khung cửi dệt, nhưng dệt vải thô thì gọi là chuông pải (dệt vải) còn dệt thổ cẩm thì gọi là chuông lố (dệt hoa văn thổ cẩm). Dệt thổ cẩm phải nhớ con chỉ, hoa văn để thay ống khót (ống chỉ màu). Nếu dệt bị lỗi thì phải tháo ra dệt lại từ đoạn bị lỗi đó.
Nhuộm vải: Nhuộm sau khi dệt thường là nhuộm chàm, nhuộm đen, nhuộm nâu, nhuộm vàng, hay nhuộm đỏ. Còn dệt hoa văn văn thổ cẩm thì phải nhuộm chỉ trước khi mắc cửi, đan co, xỏ khổ và đưa lên khung dệt.
*Sản xuất lụa tơ tằm
Trồng dâu, nuôi tằm là việc làm không thể thiếu đối với người Mường, nhà nào có con gái thì trồng dâu, nuôi tằm nhiều hơn. Bởi chỉ bằng sợi tơ tằm mới dệt thành vải lụa để may váy (vằn xái), sợi chỉ tơ tằm để dệt nên bộ đầu váy (cạp váy) phong phú về họa tiết hoa văn hình rồng, hình hươu, chim công, chim phượng, hình hoa hình lá...
Để có được một tấm vải tơ tằm đẹp người Mường cần phải thực hiện những công đoạn sau:
Kéo kén: Khi tằm vàng óng (tằm chín), dùng nồi đồng (nồi ba) cho kén vào rồi đổ nước vừa phải, bắc lên bếp củi giữ cho lửa cháy đều, nước trong nồi sôi nhẹ. Trong nồi có một cái cuồng quay để kéo ra thành những sợi tơ. Sợi tơ kéo ra từ nồi kén được đưa vào một cái mẹt hoặc cái nia, tơ được xếp từng lớp sau mỗi lớp người ta lại có lớp hạt quả trám, hoặc hạt quả bùi rải đều một lớp rồi tiếp đến là lớp sợi tơ làm như vậy để cho sợi tơ không bị rối. Cứ như thế kéo đầy mẹt này thì thay mẹt khác cho đến khi kéo hết kén.
Kéo guồng chẳng: Giống như làm vải sợi bông, đây là bước để chia cho các tay chỉ đều nhau và làm cho sợi chỉ không bị rối trước khi ngâm vải để kéo thành từng ống chỉ nhỏ.
Ngâm chao vải - nhuộm màu: Đây là công đoạn chỉ tơ tằm được ngâm với rễ đu đủ cho sợi tơ mềm mại hơn. Sau khi ngâm cháo vải người ta cũng chia thành hai loại chỉ, một loại dệt thành vải tấm, một loại nhuộm màu để dệt thổ cẩm để làm chăn, ga, gối, đệm, làm váy hay làm túi đeo, đặc biệt là cạp váy. Từ sợi tơ này người ta có thể dệt những họa tiết hoa văn cách điệu có tính nghệ thuật độc đáo của người Mường .
Nhà ống: Cũng giống như quy trình sản xuất vải bông sợi, tùy từng sở thích và điều kiện của mỗi người, có thể mắc cửi trước hoặc đánh ống khót (ống chỉ để đưa vào thoi dệt).
Mắc vải (Mắc cửi) - Đan co (lấy hoa văn): Các bước để mắc cửi, đan co (Tan co, sỏ khổ, vởt lố) cần người có kinh nghiệm và thật khéo léo mới làm được. Đặc biệt là hoa văn thổ cẩm phải có người tài giỏi để gài hoa (lấy mẫu hoa văn) theo mục đích sử dụng.
Lên Khung cửi - Dệt thổ cẩm - Dệt vải: Cũng như phần dệt vải, dệt thổ cẩm của vải bông. Một điều lưu ý đó là nhận biết khung cửi của khung dệt thổ cẩm khác với dệt vải tấm (kể cả vải bông hay vải lụa tơ tằm). Khung cửi dệt vải tấm có con ác và thoi thường là dài hơn, chỉ thì chỉ một loại, còn khung cửi dệt thổ cẩm thì không có con ác mà ngược lại nhiều co, nhiều chỉ, nhiều màu hơn và quá trình dệt các hình hoa văn không bị lỗi.
Cho đến ngày nay người Mường vẫn giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mà trong đó nghề dệt vải, dệt thổ cẩm vẫn được lưu giữ, truyền dạy trong các làng văn hóa, góp phần làm phong phú về đời sống vật chất, tinh thần của quê hương mà trong đó có sự đóng góp của hoa văn thổ cẩm dân tộc Mường trong kho tàng văn hóa Việt Nam./.
Bùi Hồng Nhi