Tham gia lớp tập huấn có 80 học viên là nghệ nhân, người lưu giữ, già làng, trưởng bản, hộ gia đình là người dân tộc Mường đã và đang tham gia nghề dệt thổ cẩm tại xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành).
Ban Tổ chức và học viên tham gia lớp tập huấn.
Giảng viên truyền dạy là các báo cáo viên trung ương và địa phương có nhiều kinh nghiệm giảng dạy về lý thuyết liên quan đến các vấn đề về văn hóa Mường; nguồn gốc, cách thức bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống của người Mường; cách thức xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch từ loại hình trang phục truyền thống… Cùng với đó còn có sự tham gia của các nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn thực hành về nghệ thuật thêu hoa văn, may, mặc trang phục truyền thống.
Thông qua lớp tập huấn lần này, các học viên sẽ được truyền đạt một số nội dung gồm: Giới thiệu nguồn gốc, giá trị trang phục truyền thống dân tộc Mường, nghệ thuật tạo hình hoa văn Mường truyền thống (các mô thức hoa văn, bảng màu hoa văn, tính biểu tượng, biểu nghĩa của tạo hình hoa văn và màu sắc); Cách thức bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc Mường.
Kết thúc phần lý thuyết học viên sẽ được hướng dẫn thực hành kỹ năng dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống; kỹ năng may, mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường; kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa trang phục Mường; cách thức quảng bá, tạo sản phẩm du lịch từ trang phục truyền thống để giới thiệu, bán cho khách du lịch.
Trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Mường.
Trong khuôn khổ của chương trình tập huấn sẽ diễn ra các hoạt động khảo sát các mẫu môtip hoa văn cổ truyền (nguyên bản) của người Mường hiện đang còn lưu giữ trên địa bàn huyện Thạch Thành nhằm giới thiệu, quảng bá tại các khu, điểm du lịch; khảo sát, học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình thêu dệt, giới thiệu trang phục thổ cẩm phục vụ phát triển du lịch tại huyện Thạch Thành.
Lớp tập huấn sẽ kết thúc vào ngày 25-3.
Hoài Anh
(Theo Báo Thanh Hóa)