Trang phục phụ nữ Mường màu sắc không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường - chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ gồm các bộ phận quan trọng như sau: Khăn đầu, áo Khóm, Váy (Cạp váy, thân váy, gấu váy), khăn Tênh và trang sức.
Khăn đội đầu:
Chiếc khăn đội đầu rộng khoảng 20cm, dài khoảng 60 - 80 cm buộc quá vòng đầu để thắt sau gáy với nhiều kiểu thắt khác nhau. Khăn có màu đen, hai đầu khăn được dệt những họa tiết tinh tế, tạo điểm nhấn cho chiếc khăn. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng.
Áo Khóm: Áo Khóm của người phụ nữ Mường có chiều dài qua ngực, áo chui đầu, cổ tròn được viền màu ôm khít chân cổ, có xẻ một chút hai bên vai để dễ chui đầu. Chỗ xẻ hai bên được cài bằng hai nút bạc hoặc dùng dây buộc (đôi khi cũng xẻ một bên). Áo có một màu: Trắng, vàng, xanh… Nói về vai trò của chiếc áo khóm, giáo sư Trần Từ cho rằng: “Nếu không có áo khóm, thì hoa văn trên cạp váy người phụ nữ Mường trong (Thanh Hóa) vẫn như “đang chìm vào đêm tối còn ngái ngủ”.
Cạp váy (Trôôc vuôn): Nối giữa cạp váy và áo, chiếm trên 30% chiều dài thân váy, là bộ phận đẹp nhất có giá trị trang trí cho toàn bộ chiếc váy. Phần này ngang lưng ôm trọn eo của người phụ nữ. Cạp váy có 3 bộ phận, mỗi bộ phận được dệt thành một tấm riêng, có tên gọi khác nhau, hoa văn, kích thước khác nhau, các bộ phận đó bao gồm: Đang, buôn (vuôn), lai. Cạp váy là chi tiết cực kỳ quan trọng bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo của người Mường, cạp váy được dệt bởi các họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo không bị lệ thuộc vào các mẫu có sẵn mà do ý tưởng sáng tạo của người dệt. Các hoa văn trên cạp váy chủ yếu được thêu hình Long, Phượng và các khối hình khác, nhưng nổi bật và mang tính phổ biến của sự ảnh hưởng văn hóa trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Thân váy: Được dệt bằng sợi tơ tằm nhuộm màu đen dài đến gót chân người phụ nữ. Điểm nhấn của thân váy là gấu váy, phía bên trong gấu váy được điểm thêm một miếng vải, có màu sắc tùy theo lứa tuổi. Đối với thiếu nữ gấu váy được lót màu đỏ, đối với các bà, các mẹ được lót bằng vải nâu.
Khăn Tênh: Ngoài ra, để cho cạp váy không bị rơi khỏi cơ thể người mặc và làm tăng thêm vẻ đẹp của bộ váy. Còn có dây thắt lưng (hay còn gọi là khăn Tênh), có chiều dài khoảng 1m50 - 2m, chiều rộng khoảng 30 - 40cm, thường làm bằng vải tơ tằm hoặc len nhuộm màu xanh.
Bổ trợ cho bộ trang phục nữ là các đồ trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Hoa tai, có thể là vàng hay bạc, nhưng vòng cổ và vòng tay làm bằng bạc, ngoài việc trang trí được coi như “bùa hộ mệnh” để giữ gìn sức khỏe cho mỗi người. Đặc biệt chú ý là bộ xà tích (hay còn gọi là dây xuân thu) được phụ nữ Mường cài vào thắt lưng và buông lơi một bên xuống hông. Xà tích được đánh bằng bạc, đối với người trẻ. Phụ nữ và người già, xà tích đeo kèm cối giã trầu, chìa khóa, hộp kim làm bằng bạc có 9 cái dây đeo vào dây xà tích. Hộp kim bằng bạc, được coi như vật chủ yếu để trừ tà ma và phòng trong khi cảm mạo.
Để phù hợp từng hoàn cảnh và từng loại công việc, mỗi phụ nữ Mường đều có những bộ quần áo khác nhau. Trang phục ngày thường ngắn gọn, hoa văn đơn giản thuận tiện cho việc đi lại làm việc. Trang phục khi đi chơi, đi lễ hội, ngày Tết, ngày cưới… được thêu dệt cầu kỳ, màu sắc tươi tắn./.
Hoằng Hằng