TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Nhịp xuân trên những chiếc khung cửi
10/03/2022 15:38
Nắng xuân hồng trải dài trên những thửa ruộng bậc thang bao quanh thôn Lặn Ngoài xã Cổ Lũng huyện Bá Thước, làm cho những nóc nhà sàn thêm rạo rực khí xuân, bên hiên nhà những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái đang thoăn thắt dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nhất cho phiên chợ giáp Tết. Tiếng thoi đưa quyện vào nhau tạo nên những giai điệu nhịp nhàng, vui nhộn khiến cho những du khách đang ở đây lúc này đều nghe được nhịp xuân đã về trên những chiếc khung cửi.

Các nghệ nhân dân tộc Thái thôn Lặn Ngoài, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước bên khung cửi.

Nét đẹp văn hóa thổ cẩm của người Thái ở Bá Thước
Tết Nguyên Đán cũng là dịp để đồng bào Thái hòa mình cùng các dân tộc anh em đón chào xuân mới. Người Thái trong thôn Lặn Ngoài đón Tết bằng những gian hàng rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Không ai biết rõ nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài có từ khi nào, nhưng từ bao đời nay, thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Thái huyện Bá Thước. Những sản phẩm dệt thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, đến lúc lập gia đình và những lúc cuối đời. Phụ nữ Thái rất khéo tay trong việc thêu, dệt thổ cẩm. Để có được một sản phẩm đẹp người con gái Thái phải trải qua một quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ngay từ thủa lên sáu, lên bảy, các cô bé Thái đã được các bà, các mẹ chỉ bảo, làm quen với việc nhặt bông, se sợi và lớn hơn một chút thì bắt đầu làm quen với việc dệt vải. Quan niệm của đồng bào nơi đây, người phụ nữ giỏi thêu thùa, có kỹ thuật tinh xảo trong dệt hoa văn thổ cẩm sẽ được cộng đồng đánh giá cao. Những cô gái Thái dệt thổ cẩm giỏi thường được nhiều chàng trai để ý tới, bởi họ coi đó như là một tiêu chí quan trọng của người vợ sau này.
Nét văn đẹp văn hóa ấy vẫn được người Thái gìn giữ tới bây giờ, người con gái khi về nhà chồng, phải tự tay mình dệt tặng bố mẹ chồng những bộ trang phục thổ cẩm để thể hiện sự hiếu thảo. Chính bàn tay người con gái cũng phải dệt ga, đệm, gối để mang về nhà chồng trang trí cho phòng tân hôn của mình... Trong những ngày Tết hay ngày lễ lớn của dân tộc, người Thái ở Bá Thước cũng thường mặc trang phục truyền thống bằng thổ cẩm theo phong tục. Có thể thấy, sản phẩm thổ cẩm và hoạt động dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây mà mỗi khi Tết đến xuân về nét đẹp ấy lại cùng nhau khoe sắc.
*Nỗ lực đưa thổ cẩm thành sản phẩm du lịch
Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, Chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch. Liên tục với các đề án xây dựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch được thực hiện. Đây được coi là “bà đỡ” cho sự phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng của tỉnh Thanh nói chung, Bá Thước nói riêng.
Bá Thước, đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan cấp tỉnh thẩm định để được công nhận hoạt động dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài thành làng nghề truyền thống cấp tỉnh. Đây được coi là bước ngoặt mới cho nghề dệt thổ cẩm địa phương bởi, trước kia các hộ chỉ phát triển tự phát, nhưng nay được xã và huyện quy hoạch thành khu sản xuất tập trung, có định hướng phát triển theo hướng sản phẩm thương mại rõ ràng. Trong những năm qua, dệt thổ cẩm trong thôn được gắn với phát triển du lịch cộng đồng Pù Luông, liên tục có các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm làm quà. Nhiều khách nước ngoài, những vị khách phương xa đều tỏ ra thích thú trước hoạt động sản xuất đặc trưng này. Chính những trang phục thổ cẩm truyền thống cũng tôn lên vẻ đẹp của những mẹ, những chị người Thái xinh đẹp bên cầu thang nhà sàn.
Thôn Lặn Ngoài hiện có 81 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 phụ nữ tham gia; trong đó, 86 người lấy đó là nghề chính quanh năm, còn lại là kết hợp. Thu nhập trung bình của các lao động dệt thổ cẩm khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, nhiều người vẫn tranh thủ làm việc khác. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận thổ cẩm thành sản phẩm OCOP. Trong năm 2022, huyện phấn đấu đưa vải thổ cẩm thành sản phẩm OCOP. Huyện cũng mới ban hành cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/1 sản phẩm nếu được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nếu trở thành sản phẩm OCOP, thổ cẩm Bá Thước sẽ có cơ hội phát triển thị trường rộng mở hơn, quy mô lớn hơn.
Xuân về, làng nghề dệt thổ cẩm ở Lặn Ngoài lại rộn ràng náo nức đón các đoàn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về nghề dệt truyền thống. Hy vọng nhịp xuân bên khung cửi mãi ngân vang ở thôn Lặn Ngoài để đồng bào nơi đây sẽ có những mùa xuân ấm no...

Hoàng Hằng

 

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com