TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Nhảy Khèn Pá Hộc nét đẹp trong văn hóa người Mông Thanh Hóa
24/06/2021 14:19
Dân tộc Mông Thanh Hóa sinh sống trên những rẻo núi cao tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa từ bao đời nay. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, họ đã tạo ra những phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc mình, một trong số đó phải kể đến điệu nhảy Khèn Pá Hộc.
Tiết mục Nhảy Khèn Pá Hộc trong buổi báo cáo Tổng kết Lớp tập huấn.

Nhảy Pá Hộc là một điệu múa Khèn với chuỗi tổ hợp, động tác nằm trong hệ thống dân vũ dân tộc Mông, phác họa rõ nét phong tục, tập quán và văn hóa của đồng bào. Cho đến ngày nay không ai biết điệu nhảy này đã hiện hữu trong đời sống cộng đồng người Mông từ khi nào. Chỉ biết điệu nhảy ấy đã tồn tại trong từng nếp ăn, nếp ở và sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Theo các già làng người Mông kể lại, nguồn gốc của điệu nhảy gắn liền với tích truyện về sự ra đời của chiếc Khèn “Xưa kia, trên một bản nọ trong một gia đình có 3 người con, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Khi cùng nhau thổi, tiếng sáo cất lên vi vút, véo von như chim hót trên cành như suối reo dưới nước, có lúc lại bay vút lên trời cao. Đến khi họ có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 3 người, tiếng sáo trở nên rời rạc, lạc điệu. Chính vì vậy, cả 3 anh em đã cùng nhau suy nghĩ và chế tác ra một thứ nhạc cụ mà cả 3 người đều có thể chơi, thứ nhạc cụ ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều cung bậc âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ, được họ gọi là chiếc Khèn. Về sau cả 3 người cảm thấy nếu thổi Khèn không sẽ rất đơn điệu nên mỗi người lại nghĩ ra các tổ hợp để phối hợp với Khèn. Theo thời gian, qua lao động sản suất và sự sáng tạo 3 anh em đã tạo ra những bước nhảy uyển chuyển, lôi cuốn để kết hợp với tiếng Khèn, đó là điệu nhảy Khèn Pá Hộc còn lưu truyền đến ngày nay”.
Trong cộng đồng người Mông đang sinh sống trên dải đất hình chữ S, Nhảy Khèn Pá Hộc là một loại hình nghệ thuật độc đáo mang tính sáng tạo chỉ có ở người Mông vùng núi cao Thanh Hóa. Đây là những vũ điệu không thể thiếu trong ngày Hội, lễ Tết, ngày vui của từng gia đình, bản làng. Động tác nhảy được họ sáng tạo rất phong phú và đa dạng với những tổ hợp khác nhau. Điểm tạo ra sự khác biệt trong điệu nhảy của người Mông xứ Thanh so với người Mông cả nước đó chính là cách chuyển nhịp của động tác. Theo cách nhảy bình thường thì múa theo nhịp chính, nhưng Pá Hộc nhịp chính lại là nhịp chuẩn bị, còn nhịp phụ (tức phách ngoại) lại là nhịp chính để múa. Bên cạnh đó tổ hợp bước chân là động tác cơ bản và nhiều nhất thường là vào nhịp chẵn, nhưng người Mông Thanh Hóa thì ngược lại, đều vào nhịp lẻ. Đặc biệt múa Khèn của các dân tộc khác là đặc quyền của nam giới và chỉ có nam giới nhảy, nhưng trong Pá Hộc lại là sự hòa quyện, giao hòa giữa nam và nữ, người múa phải tự thổi Khèn để lấy nhịp và múa, sự kết hợp này đã tạo ra sự cân đối, đẹp mắt trong từng bước nhảy.
Chúng ta có thể nhận ra, trong từng động tác nhảy Pá Hộc là sự sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, biểu hiện qua từng tiết tấu, được biến hóa khi thổi Khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa. Từng động tác nhảy trong Pá Hộc đã lột tả nét phóng khoáng, sự mãnh liệt, ý chí và nghị lực của các chàng trai Mông, mỗi bước chân khi lên xuống tạo cảm giác cho người xem như họ muốn băng rừng, bạt núi, chinh phục tất cả những thử thách của thiên nhiên. Mỗi khi nhảy, các chàng trai như hòa vào đất trời, phiêu đãng cùng mây và gió khiến cho mỗi động tác vừa dũng mãnh nhưng lại rất nên thơ, trữ tình.
Là loại hình trình diễn mang tính cộng đồng, vì vậy trong những ngày lễ, Tết, vui hội bản làng, tiếng Khèn cùng điệu nhảy Pá Hộc như trở thành một nhạc khí thiêng liêng kéo người với người trở nên gần gũi, thân thiết hơn, từ đó tình làng nghĩa xóm thêm nồng đậm, giúp người Mông tin yêu vào cuộc sống, cùng nhau xây dựng bản làng thêm giàu đẹp. Cũng từ đây, có biết bao nhiêu đôi nam thanh nữ tú người Mông tìm được sự đồng điệu trong từng bước nhảy để nên duyên vợ chồng.
Theo thời gian, nhảy Khèn Pá Hộc đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Mông, có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn. Nhưng trước sự phát triển của kinh tế thị trường, quá trình giao lưu, hội nhập và tiếp biến văn hóa kéo theo nhiều luồng văn hóa hỗn tạp dẫn tới nét đẹp đó đang dần thưa vắng và có nguy cơ biến mất trên mỗi bản làng. Người biết và hiểu về điệu nhảy này còn rất ít, phần lớn đã già, trong khi chưa có một tài liệu nào ghi chép đầy đủ, cụ thể về Pá Hộc, chủ yếu là truyền miệng trong dân gian, một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà với bộ môn truyền thống của cha ông. Đứng trước thực trạng đó Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc, để đảm bảo cho tính bảo tồn và kế thừa ngày 25/3/2021 tại khu du lịch động Nang Non, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện mở Lớp Tập huấn “Phục dựng, bảo tồn nhảy Khèn Pá Hộc dân tộc Mông; Nhảy Sạp dân tộc Thái”. Qua Lớp Tập huấn dưới sự hướng dẫn, truyền dạy của các nghệ nhân, cán bộ chuyên môn Trung tâm Văn hóa tỉnh, các học viên là hạt nhân văn hóa người Mông đã được đào tạo một cách bài bản về từng bước chân, điệu nhảy, đồng thời làm họ thêm yêu vốn văn hóa bản địa của dân tộc mình, để từ đó quay trở về bản làng trở thành những người tiên phong giữ lửa cho các loại hình văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bà Hoàng Thanh Hải, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Văn nghệ quần chúng TTVH tỉnh “Bên cạnh việc khôi phục và bảo tồn các loại hình văn hóa dân tộc của người Mông, trong đó có nhảy Khèn Pá Hộc cần phải được tiến hành song song với sự phát triển. Nghĩa là chúng ta cần đưa ra định hướng để loại hình nghệ thuật trình diễn này có đất sống, đây được xem là vấn đề then chốt mang tính bền vững lâu dài. Ngoài ra cần nghiên cứu, sưu tầm để biên soạn thành tài liệu một cách bài bản để giữ gìn cho thế hệ mai sau”.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền và cả cộng đồng, nhảy Khèn Pá Hộc nói riêng và vốn văn hóa truyền thống của người Mông nói chung sẽ sớm trở lại vị trí vốn có của nó. Niềm tin đó càng được nhân lên khi trên các bản làng vẫn có không ít thế hệ trẻ người Mông đang cần mẫn, nỗ lực gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này./.

Minh Tịch

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com