TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ
Nhà Văn hóa Trung tâm - Trung tâm Văn hóa Thông tin Trung tâm Văn hóa tỉnh và...
03/01/2023 09:17

“Sinh con rồi mới sinh cha...”
Năm 1978 thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thông tin, Báo Văn hóa nghệ thuật của Bộ mở một diễn đàn bàn về xây dựng văn hóa cơ sở mà trọng tâm là xây dựng văn hóa ở các xã, huyện. Các ông Nguyễn Văn Kiêu (Cục trưởng Cục Văn hóa quần chúng), tiến sĩ Hoàng Vinh (Nguyên Phó khoa Văn hóa quần chúng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) các Nhà văn hóa học Đoàn Văn Chúc, Nguyễn Văn Hy (Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), ông Nguyễn Huy Sanh (Quyền Trưởng ty Văn hóa Thanh Hóa)... tham gia diễn đàn, trước đó Bộ Văn hóa thành lập Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ Trung ương. Sau đổi thành Nhà Văn hóa Trung ương để chỉ đạo các Nhà Văn hóa tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa thông tin, Thái Bình lấy rạp chiếu bóng của huyện Đông Hưng để thành lập Nhà Văn hóa huyện. Thanh Hóa rút kinh nghiệm, tỉnh chỉ đạo huyện Nông Cống làm điểm xây dựng Nhà Văn hóa huyện. Lãnh đạo huyện Nông Cống họp cùng các cấp ủy, Hội đồng Nhân dân... ra Nghị quyết: Xây dựng Nhà Văn hóa huyện mới bằng sự đóng góp của Nhân dân, thu mỗi sào dăm kg thóc. Huyện cấp đất và cho xây dựng mới, năm 1997 Nhà Văn hóa huyện Nông Cống ra đời, bộ máy gồm 01 đồng chí Phó Phòng Văn hóa làm chủ nhiệm, cán bộ phòng, đội chiếu bóng, cán bộ huyện đoàn... và các tổ nghiệp vụ. Kinh phí do Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện điều tiết.
Nhà Văn hóa huyện Nông Cống ra đời, Ty Văn hóa tiếp tục chỉ đạo thí điểm Nhà Văn hóa xã tại huyện Nga Sơn, lãnh đạo huyện lấy xã Nga Thanh làm điểm chỉ đạo, cuối năm 1978 Nhà Văn hóa xã Nga Thanh ra đời. Đây là Nhà Văn hoá xã đầu tiên trong tỉnh. Nhà Văn hóa huyện Nông Cống, Nhà Văn hóa xã Nga Thanh ra đời nhưng rất lúng túng về phương hướng, phương pháp hoạt động, trước tình hình đó được sự đồng ý của tỉnh, năm 1980 ông Trương Công Thụ (Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin) ra quyết định thành lập Nhà Văn hóa tỉnh. Giao cho ông Minh Văn cán bộ Phòng Văn hóa quần chúng phụ trách Nhà Văn hóa. Cán bộ được điều đến từ Phòng Văn hóa quần chúng; diễn viên đoàn Kịch nói, đoàn Chèo; Phòng Thông tin cổ động, còn kinh phí Sở cấp thông qua Nhà triển lãm tỉnh. Thế là “... sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.
Cũng vào năm đó, theo tiếng gọi của gia đình tôi cầm Quyết định của Bộ Văn hóa thông tin về Sở Văn hóa thông tin Thanh Hóa. Ông Trương Công Thụ điều ngay về Nhà Văn hóa tỉnh với lời động viên: Thế là Thanh Hóa có ông Võ Huy và cháu là hai người đầu tiên có bằng đại học về Văn hóa quần chúng. Tới đây bác sẽ điều cả Võ Huy về Nhà Văn hóa tỉnh (ông Võ Huy ra trường là được phân công ngay xuống Trường Văn hóa Nghệ thuật làm giảng viên).
Năm 1981 tiến sĩ Đỗ Hữu Thích đang làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở kiêm Chủ nhiệm Nhà Văn hóa tỉnh.
Những năm 1981-1982 một số học sinh tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa các chuyên ngành Thư viện, Bảo tàng được phân về Nhà Văn hóa tỉnh, cùng một số cán bộ góp nhặt từ các đơn vị. Với đội ngũ cán bộ tổng hợp như vậy, chúng tôi lao vào hoạt động: Tổ chức các Hội thi, Hội diễn, các đợt tuyên truyền nhiệm vụ chính trị rất hiệu quả. Thế rồi năm 1983 tỉnh chính thức ra Quyết định thành lập Nhà Văn hóa trung tâm (có tài khoản con dấu riêng). Năm 2003 phòng Thông tin cổ động của Trung tâm Triển lãm sáp nhập vào Nhà Văn hóa Trung tâm. Nhà Văn hóa đổi tên thành Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh. Năm 2008 thành lập Sở Thông tin Truyền thông, Trung tâm Văn hóa thông tin lại đổi tên thành Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng gặt hái cũng lắm vinh quang. Hoạt động của đơn vị đã được Nhân dân trong tỉnh, các cấp, các ngành từ các bản làng miền núi, đến các xã, huyện, tỉnh và Trung ương ghi nhận. Bao thế hệ lãnh đạo chuyên viên của đơn vị sau khi “đã cháy” hết mình vì sự nghiệp của Ngành, người đã nghỉ hưu, người đã về nơi thiên cổ.
Tròn 39 năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh luôn là người nhen nhóm và giữ lửa cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật ở cơ sở. Với những thành tích đã đạt được, năm 2021 Trung tâm Văn hóa tỉnh vinh dự nhận được phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động Hạng Nhất. Cùng với đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định về việc thành lập “Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh” thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Văn hoá tỉnh Thanh Hoá và Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Thanh Hoá. Chúng ta đều biết, để được vinh danh như thế, các thế hệ lãnh đạo và các cán bộ của đơn vị “lăn lộn” với phong trào văn hóa quần chúng. Nhưng trong hàng trăm, hàng ngàn những thành tựu đã đạt được, tôi thấy tự hào nhất là đơn vị đã làm được những việc như: Nghiên cứu khôi phục, truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên quê hương Thanh Hóa như: Dân ca Đông Anh; Trò diễn Xuân phả; Hò sông Mã, Ca Trù... các trò chơi trò diễn dân gian như Séc Bùa (dân tộc Mường) Khua Luống, Kin Chiêng Bọoc Mạy (Cá sa Khàn Khàn) dân tộc Thái, Hát Ru, các trò diễn dân tộc Thổ, H’Mông... cái hay của Trung tâm Văn hóa tỉnh là sau khi nghiên cứu và khôi phục lại thì hàng năm tổ chức lại các hoạt động như tổ chức Liên hoan Văn hóa các dân tộc để tạo ra Ngày hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đồng thời kiểm tra lại việc phục dựng, duy trì các di sản đó qua từng năm, những cái chúng tôi phục dựng lại ở các huyện, xã luôn được duy trì và bảo tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác. Qua bao cuộc Liên hoan, các thôn, bản làng, xã nơi nắm giữ các di sản đã có những món ăn tinh thần, thường xuyên và liên tục. Nói về lễ hội tôi phải cảm ơn các ông Giám đốc Sở lúc bấy giờ Trương Công Thụ; Đỗ Hữu Thích; Hoàng Hoa Mai; Ngô Hoài Chung; Phạm Duy Phương đã tin tưởng giao cho đơn vị tổ chức và thực hiện các lễ hội truyền thống cũng như hiện đại của tỉnh như: Lễ hội Lam Kinh, Ba Đình, 100 năm Ngày sinh nhật Bác, 190 năm thành phố Thanh Hóa, Khai trương hè Sầm Sơn, Hải Tiến...
Tôi chỉ điểm một vài việc mà đơn vị đã làm. Để có tấm Huân chương Lao động hạng Nhất cao quý, chắc hẳn thành tích của đơn vị làm được còn rất nhiều hơn nữa. Hôm nay, nhân đơn vị đón nhận vinh dự cao quý của Nhà nước, nguyên là cán bộ của đơn vị, tôi thực sự tự hào. Nhưng trong tôi vẫn còn tâm sự buồn, tâm sự này tôi đã từng chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo Sở, Tỉnh và Bộ Văn hóa thông tin trước kia (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). 39 năm qua, năm nào chúng tôi nhiều lần đề nghị: Hãy cho chúng tôi một trụ sở làm việc, để như các cụ đã nói: Có an cư mới lạc nghiệp. Vậy mà 39 năm qua Trung tâm toàn đi ở nhờ, đến bây giờ Trung tâm vẫn đang đi ở tạm. Nỗi buồn xen lẫn niềm vui.
Tự hào về truyền thống xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ và viên chức Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trận Tư tưởng - Văn hóa. Phát huy những thành tích đã đạt được hăng say sáng tạo phối hợp tốt với cơ sở, các Vụ, Cục của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Trung tâm Văn hóa Bắc miền Trung và các tỉnh bạn trong cả nước góp phần nhỏ bé của mình, chung tay xây dựng thành công “Nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc’’... ./.

Nguyễn Huy Sơn

TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐIỆN ẢNH THANH HÓA
Địa chỉ: Số 146 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Số điện thoại: 0237.3852210      Fax: 0237.3852210
Gmail: trungtamvanhoath@gmail.com